09:52 29/11/2022

Bức tranh kinh tế sáng màu của Thanh Hóa trong năm 2022

Thiên Anh

11 tháng năm 2022 đi qua, bức tranh kinh tế tỉnh Thanh Hóa năm 2022 cơ bản đã đã hoàn thành với gam màu tươi sáng là chủ đạo. Trong đó, những mục tiêu chính đã hoàn thành vượt vượt mức kế hoạch đề ra. Nhiều lĩnh vực đã tạo bước đột phá thần kỳ, tạo nên kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay.

Một góc thành phố Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa

Năm 2021, Thanh Hóa thu ngân sách đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2022, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn là 28.100 tỷ đồng.

THANH HÓA CHẮC CHẮN GIA NHẬP CLB 50.000 TỶ

Sở dĩ mức chỉ tiêu đặt ra tương đối thấp từ đầu năm bởi thời điểm đó đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Hơn nữa, đơn vị nộp ngân sách chủ đạo của địa phương là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hết sức khó khăn, nhiều thời điểm phải hoạt động cầm chừng vì những khó khăn nội tại.

Trong nhiều năm qua, thu ngân sách nhà nước ở Thanh Hóa liên tục thiết lập những đỉnh cao mới, tuy nhiên, chất lượng nguồn thu chưa bền vững, đồng đều. Số lượng các doanh nghiệp nộp ngân sách từ 100 tỷ trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số sắc thuế vẫn chưa tạo ra được nguồn thu bền vững. Việc nuôi dưỡng nguồn thu ổn định là một bài toán nan giải mà những người hoạch định và thực thi chính sách ở Thanh Hóa phải trăn trở.

Trên thực tế, nguồn thu ngân sách địa phương phụ thuộc chủ yếu vào Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nguồn thu từ đất. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, Thanh Hóa đã thu ngân sách đạt hơn 26.000 tỷ, đạt 93% kế hoạch năm 2022 do Trung ương giao. Khi đó, nhiều chuyên gia đã nhận định năm 2022, Thanh Hóa có thể là nhân tố mới gia nhập câu lạc bộ các tỉnh thành từ ngườn thu từ 50.000 tỷ trở lên.

Hết quý 3, Thanh Hóa đã thu ngân sách hơn 39.000 tỷ, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch năm. Tuy nhiên, bước sang Quý 4, tốc độ thu ngân sách của Thanh Hóa bất ngờ chững lại. Nguồn thu từ bất động sản sụt giảm đáng kể. Thế nhưng, việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chạy hơn 100% công suất đã bù đắp lớn vào tổng thu xuất nhập khẩu.

Trong năm, doanh nghiệp FDI này có thể nhập khẩu 35 chuyến tàu chở dầu thô, trung bình mỗi chuyến nộp 470 tỷ vào ngân sách. Như vậy với 35 chuyến tàu cập Cảng Nghi Sơn, doanh nghiệp này có thể đóng góp tới 15450 tỷ từ tiền thuế giá trị gia tăng nhập khẩu mặt hàng dầu thô. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đóng góp hơn 6000 tỷ từ các sắc thuế nội địa. Như vậy, chỉ riêng Nhà máy này đã đóng góp hơn 22.000 tỷ vào ngân sách, chiếm 45% nguồn thu của địa phương trong năm 2022.

Trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Thanh Hóa tháng 11, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh văn phòng UBND tỉnh thông tin: Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thành lập mới doanh nghiệp vượt 16,7% kế hoạch.

Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn Thanh Hóa sẽ gia nhập câu lạc bộ 50.000 tỷ trong năm tài khóa 2022.

THANH HÓA LỌT TOP 3 CẢ NƯỚC VỀ THU HÚT DU KHÁCH

Trong cuộc làm việc với phóng viên VnEconomy, bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông tin: 10 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 10.557.700 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt: 19.340 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022.

Dự kiến năm 2022, Thanh Hoá ước đón 11.011.000 lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 3 cả nước về hút khách du lịch trong năm 2022, chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Lễ hội hóa trang tại thành phố sầm Sơn, địa phương thu hút khách du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa
Lễ hội hóa trang tại thành phố sầm Sơn, địa phương thu hút khách du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa

Theo ông Lê Văn Tú, Chủ tịch thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), tính đến 22/11/2022 thành phố đã đón hơn 7 triệu lượt du khách, tạo ra tổng doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2022, Sầm Sơn sẽ đón được 7.019.880 lượt khách, gấp 4,5 lần so với năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; Phục vụ 14.201.420 ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14.134,2 tỷ đồng.

Đây được xem là một kỳ tích của ngành du lịch Thanh Hóa. Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, cho rằng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án quy mô lớn đã khởi công để đưa vào hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa. Chú trọng ưu tiên nguồn lực cho phát triển nhân lực du lịch là chìa khóa giúp du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sắp tới đây, khi các đại dự án của Sungroups, Flamingo, T&T, BRG, TNR, Sao Mai… đi vào hoạt động, hứu hẹn sẽ làm chất lượng du lịch tại Thanh Hóa có bước thay đổi mang tính đột phá về chất.

THU HÚT VỐN FDI VÀ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHƯA ĐẠT YÊU CẦU

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Trong năm, thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (có 6 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 50,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng thêm 32,7 triệu USD. Đến ngày 21/11/2022, giá trị giải ngân các dự án đầu tư công của tỉnh năm 2022 đạt 7.547 tỷ đồng, bằng 64,9% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Ảnh minh họa.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Ảnh minh họa.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa được thực hiện khẩn trương; đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 07 dự án với tổng số vốn Ngân sách trung ương bổ sung là 1.247 tỷ đồng. Đã hoàn thành việc phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.

Đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh thành lập mới 3.157 doanh nghiệp, vượt 5,2% kế hoạch cả năm, tăng 13% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước; có 12/17 lĩnh vực ngành, nghề có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ, gồm: lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng 300%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 104,4%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 128,6%... Ước năm 2022 có 3.500 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 16,7% kế hoạch.

Trong năm 2022, có 1.120 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20% so với cùng kỳ; có 300 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 10%. Công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được quan tâm; đã có 68 hợp tác xã, 02 liên hiệp hợp tác xã được thành lập, tăng 46 hợp tác xã và tăng 01 liên hiệp hợp tác xã so với kế hoạch.

Như vậy, với việc chỉ thu hút được 50 triệu vốn đầu tư FDI, Thanh Hóa đang có sự sụt giảm lớn so với các năm trước đây. Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa từ 1 điểm sáng về thu hút vốn FDI đang dần tụt lại so với các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Bên cạch đó, với việc mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công đạt 64,9% kế hoạch năm, nhiều khả năng địa phương này sẽ không thể đạt được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công như Nghị quyết HĐND tỉnh đặt ra.