07:00 16/08/2022

Buộc doanh nghiệp phải tái chế hoặc xử lý chất thải đối với bao bì, sản phẩm

Mộc Minh

Theo Luật bảo vệ môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế hoặc xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì, nếu vi phạm sẽ bị phạt hàng tỷ đồng…

Thông tin tại hội thảo Phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, diễn ra vào ngày 15/8/2022 tại TP.HCM, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Luật bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 loại trách nhiệm.

Thứ nhất, trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế.

Thứ hai, trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.

Đối với loại trách nhiệm thứ nhất (áp dụng đối với các nhóm sản phẩm: pin, ắc quy; điện, điện tử; săm, lốp; dầu nhớt; phương tiện giao thông và nhóm bao bì), nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi và được lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Trong đó, nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc kết hợp các cánh thức nêu trên.

Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu không tự mình tổ chức tái chế mà lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ đóng tiền theo định mức tái chế (Fs) do Thủ tướng Chính phủ ban hành (dự kiến được ban hành trong năm 2023 và áp dụng từ ngày 01/01/2024).

Đối với loại trách nhiệm thứ hai (áp dụng đối với các nhóm sản phẩm: pin dùng một lần; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá và các sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp), nhà sản xuất nhập khẩu thực hiện trách nhiệm này từ năm 2022 bằng cách đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

Mức tiền đóng góp được thực hiện theo quy định tại Phụ lục XXIII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Bộ đang khẩn trương soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các loại sản phẩm, bao bì".- Ảnh: MT.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Bộ đang khẩn trương soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các loại sản phẩm, bao bì".- Ảnh: MT.

Hiện nay, triển khai quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các loại sản phẩm, bao bì và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải phải được công khai hằng năm trước ngày 31/3 của năm tiếp theo và có sự tham gia quyết định, giám sát bởi đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trình bày rõ khái quát Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính, ông Nguyễn Thi, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các hoạt động thu gom, phân loại sản phẩm, bao bì phục vụ tái chế và hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Ngoài ra, các hoạt động xử lý chất thải như thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; các sáng chế, công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt được công nhận sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Trong khi đó, định mức chi phí tái chế là trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất, nhằm đảm bảo rằng một tỷ lệ phù hợp sản phẩm thải bỏ được thu gom, lưu giữ, xử lý và tái chế đúng cách thông qua việc hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì.

Định mức này nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi dòng vật chất thải từ các hoạt động tái chế không chính thức sang các doanh nghiệp tái chế chính quy; hỗ trợ việc chuyển đổi vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, dễ phân loại, thu gom, tái chế và tái sử dụng, giảm khối lượng sản phẩm, bao bì, giảm lượng hóa chất, vật liệu nguy hại sử dụng; hỗ trợ chi phí bảo vệ môi trường đối với hệ thống thu gom và doanh nghiệp tái chế.

 

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 32, 32 của nghị định này quy định mức xử phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì hoặcvi phạm thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả.