Cá chết hàng loạt tại miền Trung: Hai phó thủ tướng cùng vào cuộc
Khẩn trương làm rõ nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và nghi vấn về việc xả thải của Formosa
Chính phủ vừa có chỉ đạo các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung và nghi vấn xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các tỉnh bị ảnh hưởng trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương xác định nguyên nhân; thu gom, xử lý số lượng cá chết không để ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong khi đó, liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường nói trên, sau khi báo chí đăng tải thông tin về “nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin báo chí phản ánh, nếu đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh để kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ làm việc từ ngày 26/4 tới, tập trung vào kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải.
Trước đó, ngày 21/4, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Phạm Khánh Ly cho biết ngư dân Hà Tĩnh đã trình báo về một một đường ống nghi là thuộc về hệ thống xả thải từ dự án của Formosa dẫn xuống đáy biển Vũng Áng.
Trả lời trên báo Pháp Luật Tp.HCM, ông Khâu Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận An toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, xác nhận: Formosa có ống ngầm xả thải. Đây là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ tất cả điểm trong dự án đổ về, và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Đường ống này dài 1,5 km, đường kính 1 m, trải dài từ bờ ra biển, vị trí sâu nhất cách mặt nước khoảng 17 m; có công suất xả 12.000 m3/ngày đêm. Các điểm xả thải đều lấy mẫu tự động hằng ngày và đều đạt tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
Ông Kiệt khẳng định không có chuyện Formosa xả thải không đạt yêu cầu khiến cá chết. “Chúng tôi rất mong công an sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Trong việc này, phía công ty không thể tham gia tìm nguyên nhân được vì như thế sẽ không khách quan”, ông Kiệt nói.
Về việc Formosa nhập về gần 297 tấn hóa chất và có dùng hóa chất súc rửa đường ống, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh, giải thích trên Pháp Luật Tp.HCM: “Nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa xả thải. Hiện tại Formosa chủ yếu xả thải nước sinh hoạt của công ty. Chúng tôi có nhập một số hóa chất và có rửa đường ống nhưng khi rửa thì nước đó sẽ chảy vào bể nước thải để xử lý. Chúng tôi cũng có hệ thống quan trắc môi trường tự động, nước thải đã xử lý đạt chuẩn mới xả ra tự nhiên. Hệ thống xả thải của chúng tôi luôn được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra”.
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Đài Loan, hoạt động trong các lĩnh vực như nhựa, lọc hóa dầu, hóa chất, điện... Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 95% cổ phần thuộc về các công ty thành viên của Formosa. 5% cổ phần còn lại thuộc về China Steel - một doanh nghiệp sản xuất thép cũng của Đài Loan.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành, đây dự kiến sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.
* Ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh, nói với báo giới trong cuộc họp báo tại Hà Nội, tháng 7/2014:
"Cho dù Đài Loan chưa được công nhận như một quốc gia, chúng tôi có nền chính trị và kinh tế độc lập hoàn toàn với Trung Quốc.
Chúng tôi là một công ty tư nhân hoàn toàn, ngay cả Chính phủ Đài Loan cũng không thể can thiệp được vào quyết định đầu tư của chúng tôi, thì nói gì đến Chính phủ Trung Quốc.
Chúng tôi sử dụng tiền Đài Loan, và cầm hộ chiếu Đài Loan đi khắp thế giới.
Khi chúng tôi đầu tư vào Trung Quốc đại lục, chúng tôi cũng được đối xử hệt như nhà đầu tư nước ngoài, có bao giờ được ưu đãi gì đâu.
Gần đây vì sự kiện biển Đông, nhiều người nghi ngờ Formosa. Chúng tôi xin nói, thật sự chỉ muốn yên ổn làm ăn, tìm kiếm lợi nhuận".
Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các tỉnh bị ảnh hưởng trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương xác định nguyên nhân; thu gom, xử lý số lượng cá chết không để ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong khi đó, liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường nói trên, sau khi báo chí đăng tải thông tin về “nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin báo chí phản ánh, nếu đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh để kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ làm việc từ ngày 26/4 tới, tập trung vào kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải.
Trước đó, ngày 21/4, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Phạm Khánh Ly cho biết ngư dân Hà Tĩnh đã trình báo về một một đường ống nghi là thuộc về hệ thống xả thải từ dự án của Formosa dẫn xuống đáy biển Vũng Áng.
Trả lời trên báo Pháp Luật Tp.HCM, ông Khâu Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận An toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, xác nhận: Formosa có ống ngầm xả thải. Đây là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ tất cả điểm trong dự án đổ về, và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Đường ống này dài 1,5 km, đường kính 1 m, trải dài từ bờ ra biển, vị trí sâu nhất cách mặt nước khoảng 17 m; có công suất xả 12.000 m3/ngày đêm. Các điểm xả thải đều lấy mẫu tự động hằng ngày và đều đạt tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
Ông Kiệt khẳng định không có chuyện Formosa xả thải không đạt yêu cầu khiến cá chết. “Chúng tôi rất mong công an sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Trong việc này, phía công ty không thể tham gia tìm nguyên nhân được vì như thế sẽ không khách quan”, ông Kiệt nói.
Về việc Formosa nhập về gần 297 tấn hóa chất và có dùng hóa chất súc rửa đường ống, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh, giải thích trên Pháp Luật Tp.HCM: “Nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa xả thải. Hiện tại Formosa chủ yếu xả thải nước sinh hoạt của công ty. Chúng tôi có nhập một số hóa chất và có rửa đường ống nhưng khi rửa thì nước đó sẽ chảy vào bể nước thải để xử lý. Chúng tôi cũng có hệ thống quan trắc môi trường tự động, nước thải đã xử lý đạt chuẩn mới xả ra tự nhiên. Hệ thống xả thải của chúng tôi luôn được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra”.
Formosa là một tập đoàn đa ngành của Đài Loan, hoạt động trong các lĩnh vực như nhựa, lọc hóa dầu, hóa chất, điện... Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 95% cổ phần thuộc về các công ty thành viên của Formosa. 5% cổ phần còn lại thuộc về China Steel - một doanh nghiệp sản xuất thép cũng của Đài Loan.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành, đây dự kiến sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.
* Ông Vương Văn Tường, Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh, nói với báo giới trong cuộc họp báo tại Hà Nội, tháng 7/2014:
"Cho dù Đài Loan chưa được công nhận như một quốc gia, chúng tôi có nền chính trị và kinh tế độc lập hoàn toàn với Trung Quốc.
Chúng tôi là một công ty tư nhân hoàn toàn, ngay cả Chính phủ Đài Loan cũng không thể can thiệp được vào quyết định đầu tư của chúng tôi, thì nói gì đến Chính phủ Trung Quốc.
Chúng tôi sử dụng tiền Đài Loan, và cầm hộ chiếu Đài Loan đi khắp thế giới.
Khi chúng tôi đầu tư vào Trung Quốc đại lục, chúng tôi cũng được đối xử hệt như nhà đầu tư nước ngoài, có bao giờ được ưu đãi gì đâu.
Gần đây vì sự kiện biển Đông, nhiều người nghi ngờ Formosa. Chúng tôi xin nói, thật sự chỉ muốn yên ổn làm ăn, tìm kiếm lợi nhuận".