09:37 18/06/2007

“Cả Mỹ và Việt Nam đều coi nhau là đích ngắm”

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng lớn của Mỹ vào Việt Nam đang trong quá trình đàm phán chuẩn bị đi đến ký kết

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất kỳ vọng vào chuyến đi của Chủ tịch nước sang Mỹ sẽ giúp giải toả khó khăn cho ngành dệt may.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất kỳ vọng vào chuyến đi của Chủ tịch nước sang Mỹ sẽ giúp giải toả khó khăn cho ngành dệt may.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng lớn của Mỹ vào Việt Nam đang trong quá trình đàm phán chuẩn bị đi đến ký kết.

>>Chuyên mục quan hệ Việt Nam - Mỹ trên VnEconomy

Nhiều nhà đầu tư Mỹ xem Việt Nam là thị trường tiềm năng, bên cạnh đó, thế mạnh của các doanh nghiệp Mỹ là tài chính và công nghệ cao cũng chính là mục tiêu thu hút đầu tư của Việt Nam. Hai điểm chung này gặp nhau sẽ tạo nên sự bùng nổ về làn sóng đầu tư và đôi bên sẽ cùng có lợi. Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - đã kỳ vọng điều này.

Bà đánh giá thế nào về nhận định cho rằng, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm nay?

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đến nay có khoảng 325 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,3 tỉ USD, đứng thứ 8 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nếu tính cả đầu tư của Mỹ qua nước thứ ba, thì tổng số dự án lên đến 396 dự án với tổng số vốn trên 4,7 tỉ USD, đứng thứ 6/77 quốc gia.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đến đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán..., nhiều công ty Mỹ đã thành công trong lĩnh vực này nhưng chưa có thống kê cụ thể. Hiện nay, các dự án hạ tầng cơ sở đang có sức hút các nhà đầu tư Mỹ do Chính phủ có cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào làm hạ tầng ở Việt Nam.

Các dự án đang tiến hành đàm phán và dự kiến có thể sớm đi đến ký kết là dự án NM nhiệt điện Mông Dương 2 - Quảng Ninh (công suất 1.200MW) do Tập đoàn AES (Mỹ) liên doanh với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư 1,46 tỉ USD; dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 của Tập đoàn Gannon; dự án khai thác quặng bôxit, tuyển alumin Đắk Nông, vốn đầu tư 1,5 tỉ USD...

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Mỹ tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư, nhưng khi đã đầu tư thì với tiềm lực tài chính, công nghệ họ triển khai dự án rất nhanh. Các công ty Mỹ đang tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam và nhiều dự báo khả quan đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

So với kỳ vọng thu hút đầu tư của Việt Nam, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu chưa?

Mỹ là nước có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia có thế mạnh về tài chính, công nghệ. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Mỹ cũng chính là những lĩnh vực nằm trong chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, những đòi hỏi của họ cũng rất cao để đáp ứng điều kiện triển khai dự án. Các dự án của họ thường lớn và để chuẩn bị đầu tư một dự án, họ thường có thời gian chuẩn bị rất công phu, thu thập thông tin, làm việc với các bộ, ngành thoả thuận đàm phán với đối tác Việt Nam, trung bình khoảng 1-2 năm/dự án. Nhưng khâu thực hiện dự án lại rất nhanh.

Nhiều dự án của các doanh nghiệp Mỹ hướng về xuất khẩu, xây dựng những trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, những dự án hệ thống thông tin áp dụng trong đào tạo cũng rất thiết thực đối với Việt Nam như dự án hỗ trợ năng lực toàn diện 3G của Tập đoàn Unisys hay các dự án cơ sở hạ tầng (điện, khai khoáng của Alcoa - Mỹ) còn giúp thay đổi cả môi trường xã hội, cải thiện bộ mặt ở những vùng nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng trong chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Mỹ, nhiều dự án của Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư sẽ được ký kết để sớm triển khai, tạo cơ hội hợp tác cùng có lợi cho cả 2 nước.