10:39 11/05/2012

Cà phê cuối tuần: “Ghế nóng” tại Techcombank

Minh Đức

“Ghế nóng” tại Techcombank lúc này giống như áp lực kế nhiệm vị trí huấn luyện viên CLB Barcelona sau sự ra đi của Pep Guardiola vậy

Ông Simon Morris: "Hình như mọi người đã quá chú trọng đến việc tôi là CEO nước ngoài đầu tiên tại ngân hàng Việt Nam" - Ảnh: Minh Đức.
Ông Simon Morris: "Hình như mọi người đã quá chú trọng đến việc tôi là CEO nước ngoài đầu tiên tại ngân hàng Việt Nam" - Ảnh: Minh Đức.
“Ghế nóng” tại Techcombank lúc này giống như áp lực kế nhiệm vị trí huấn luyện viên CLB Barcelona sau sự ra đi của Pep Guardiola vậy.

Ông Simon Morris dẫn so sánh đó trong lần đầu tiên tiếp xúc với VnEconomy sau bốn tháng tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi ông Morris vừa rời đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Techcombank, mà tại đây ông Nguyễn Đức Vinh - người tiền nhiệm - xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, sau khi đã chuyển giao vai trò điều hành cao nhất hồi tháng 1/2012.

“Cà phê cuối tuần” kỳ này, VnEconomy giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Simon Morris, xoay quanh sự chuyển giao đó tại Techcombank.

“Phải có ai đó bắt đầu chứ!”

Tổng giám đốc là người nước ngoài vẫn còn khá mới mẻ tại các ngân hàng Việt Nam. Ông nói gì về điều này và ông đến với Techcombank như thế nào?

Hình như mọi người đã quá chú trọng đến việc tôi là CEO nước ngoài đầu tiên tại ngân hàng Việt Nam. Cuối cùng thì phải có một người nào đó bắt đầu chứ. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu, đang nhìn thấy hoạt động của rất nhiều ngân hàng trên thế giới không riêng gì ở một địa phương hay một đất nước nào đó, nên việc tôi là CEO người nước ngoài cũng là chuyện bình thường.

Tôi đã có 25 năm làm việc cho Standard Chartered, nhiều năm làm CEO cho ngân hàng này tại các quốc gia như Brunei, Sri Lanka, Philippines, Indonesia. Tôi thấy có 2 đất nước rất hấp dẫn mà tôi mong muốn đến làm việc là Thái Lan và Việt Nam. Thế rồi tôi rất bất ngờ và hào hứng khi nhận được lời mời từ Techcombank sang Việt Nam làm việc. Tôi còn vui hơn nữa khi biết đây là một ngân hàng đang có thành tích tăng trưởng và phát triển rất tốt.

CEO của một ngân hàng lớn, có thành tích phát triển tốt như ông nói thì đồng nghĩa với áp lực lớn? Với ông còn là những khác biệt về văn hóa, môi trường pháp lý và đặc thù cạnh tranh của thị trường…

Tất nhiên là sẽ có những khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên là một người quản lý quốc tế thì anh cần phải có đủ nhạy cảm để cảm nhận và xem xét các đặc điểm văn hóa vùng miền để đưa vào cách quản lý điều hành của mình cho phù hợp. Tại Việt Nam, tôi nhận thấy một điều là mọi người làm việc rất chăm chỉ. Tôi vô cùng ấn tượng về tài năng và sự cần cù trong công việc của các cán bộ nhân viên tại ngân hàng.

Về các quy định pháp lý, như tôi đã nói tôi từng làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau trong một thời gian dài nên tôi thấy những quy định về pháp lý giữa các nước, đặc biệt là các nước tại châu Á, cũng không khác nhau nhiều lắm. Có nhiều thứ giống hệt nhau. Nhưng cho dù có những khác biệt về quy định pháp lý hay văn hóa đi nữa thì ngân hàng vẫn là ngân hàng.

Ông đến Việt Nam trong bối cảnh ngành ngân hàng đang tái cơ cấu mạnh mẽ, bản thân ông và Techcombank đã chuẩn bị những gì?

Mục đích của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhằm tạo ra một hệ thống ổn định hơn, bền vững hơn. Thách thức từ việc tái cơ cấu đối với mỗi ngân hàng là khác nhau tùy thuộc vào khoảng cách giữa vị trí hiện tại của họ với mức mà Ngân hàng Nhà nước mong đợi. Bất cứ ngân hàng nào, bất cứ đất nước nào cũng cần cải thiện hơn nữa để phát triển, kể cả ngân hàng chúng tôi.

Với Techcombank, chúng tôi đang đồng hành cùng với cổ đông chiến lược HSBC, là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới với sự tư vấn chiến lược của McKinsey, có nghĩa là chúng tôi đang hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn. Cá nhân tôi đánh giá khoảng cách của Techcombank so với tiêu chuẩn cao là ngắn hơn so với một số ngân hàng khác trong nước.

Nhặt “táo hỏng” là yêu cầu rõ ràng…

Lúc nãy ông có nói có những tương đồng giữa thị trường Việt Nam so với những thị trường mà ông đã kinh qua. Nhưng ở Việt Nam có những đặc điểm có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ví dụ như cơ chế trần lãi suất, chuyện “hai tỷ giá”… có tại nhiều thời điểm trong quá khứ, dẫn tới nhiều rủi ro về pháp lý, về nghiệp vụ, về đạo đức. Ông ứng xử với những khác biệt đó như thế nào?

Rõ ràng có những khác biệt như vậy, bên cạnh những điểm tương đồng. Mỗi cơ quan hữu quan tại mỗi quốc gia đều có phương pháp khác nhau, nhưng có một điểm chắc chắn là khi nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, người ta mong đợi nhà điều hành tham gia nhiều hơn vào thị trường hơn, đúng không?

Cho đến nay tôi chưa nhận thấy có một cái gì đó gọi là ngạc nhiên lớn cả. Tôi tin rằng sự hiểu biết của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường là rất cao, họ biết rõ cần phải làm gì. Rõ ràng chúng ta có vấn đề về triển khai. Khi chống lạm phát chúng ta đẩy lãi suất, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP thì lại thấp, cho nên mọi người phải cố gắng xoay xở để tìm một sự cân bằng nào đó.

Còn với những thực tế cạnh tranh không lành mạnh, như tình trạng vượt trần lãi suất huy động thời gian qua, thưa ông?

Trong một rổ táo, một vài quả táo bị hỏng chẳng hạn, thì quả táo đó sẽ gây ảnh hưởng đến cả rổ táo.

Ở Việt Nam có câu gần như vậy, “con sâu làm rầu nồi canh”…

Vâng. Tôi tin Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra được vấn đề đó. Thậm chí họ đã có những bước đi để sao cho các ngân hàng yếu không hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh không lành mạnh như vậy, mà bị tiếp quản bởi những ngân hàng lớn hơn. Nếu nhìn nhận ở quan điểm đó thì hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi.

Qua chuyển đổi hay quá trình tái cơ cấu hiện nay, theo ông Việt Nam sẽ có bao nhiêu ngân hàng là đủ?

Nếu các ngân hàng đều tốt, cùng cạnh tranh lành mạnh thì không cần quan tâm đến con số bao nhiêu.

Còn như ở câu chuyện rổ táo, nếu không nhặt táo hỏng ra thì một thời gian sau nó sẽ làm hỏng luôn cả rổ. Điều đó là rất rõ ràng.

Lương thưởng chỉ là một phần…

Trở lại với công việc của ông. Ông Nguyễn Đức Vinh đã từ nhiệm, với bất cứ lý do nào thì công chúng vẫn ghi nhận đó là một CEO xuất sắc của ngành ngân hàng, gắn với sự đi lên của Techcombank trong hơn chục năm qua. Đó cũng là áp lực cho người kế nhiệm. Vậy ông nói gì khi ngồi vào “ghế nóng” CEO của Techcombank?

Đúng là nóng (cười…). Ông Vinh là một lãnh đạo giỏi, đã dẫn dắt Techcombank rất thành công trong 12 năm qua.

Ở đây tôi xin dẫn một ví dụ trong lĩnh vực bóng đá. Huấn luyện viên đội bóng Barcelona, ông Guardiola đang chuẩn bị kết thúc hợp đồng. Ông là một trong những huấn luyện viên xuất sắc và thành công nhất của câu lạc bộ này. Barcelona sẽ phải có ai đó tiếp bước ông ấy dẫn dắt đội bóng.

Tôi nghĩ rằng với vai trò là một CEO thì rõ ràng sẽ luôn có người tiền nhiệm và  người kế nhiệm. Đối với tôi khi làm việc tại Techcombank, tôi đã có một nền tảng vững chắc với hơn 8.300 nhân viên cũng như có một ngân hàng mạnh, thương hiệu tốt. Chúng tôi đang cùng nỗ lực để kết nối hơn 8.300 trái tim đó thành một sức mạnh tổng thể để đạt đến những thành công mới.

Vậy, áp lực phải dẫn dắt ngân hàng ở thế đi đầu trên thị trường như thế nào, bởi những năm qua Techcombank thường là đi trước các đối thủ ở nhiều sản phẩm, dịch vụ?

Đúng là vậy! Chúng tôi luôn tìm cách để làm sao cho giao dịch với ngân hàng ngày càng dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, phải hiểu rõ khách hàng hơn để đưa ra những sản phẩm phù hợp chứ không phải chạy theo và sao chép sản phẩm của các ngân hàng khác. Chúng tôi phải tạo ra được những sản phẩm mà khách hàng cần vì sẽ là không hợp lý và hiệu quả khi đưa ra những ý tưởng mới mà không ai cần đến nó.

Thực tế qua bốn tháng tiếp nhận công việc, ông nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn gì khi điều hành Techcombank?

Điểm bất lợi duy nhất đối với một người nước ngoài như tôi là rào cản ngôn ngữ. Còn lại tôi nhìn nhận là thuận lợi.

Tôi được tiếp nhận một ngân hàng năm ngoái có lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng, có thương hiệu mạnh, có quan hệ chiến lược với HSBC, có hệ thống mạng lưới rộng khắp, và trên hết là những con người tuyệt vời, bởi vì chính yếu tố con người mới là yếu tố thúc đẩy, tạo được sự khác biệt. Là lãnh đạo ngân hàng, nhiệm vụ của tôi là tạo được môi trường thuận lợi cho những tài năng đó phục vụ tốt nhất cho ngân hàng.

Như lúc nãy chúng ta có nói đến câu chuyện “ghế nóng”, dù nóng thế nào thì tôi cũng may mắn khi có cơ hội tiếp nhận một ngân hàng như thế này. Tôi rất hài lòng và vui sướng khi làm việc tại đây. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank là một người rất năng động, giàu kinh nghiệm, thậm chí tôi còn học được rất nhiều khi làm việc với ông ấy. Và mỗi chúng ta thì không bao giờ ngừng học hỏi.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm ở các thị trường khác mà ông sẽ áp dụng ở Việt Nam chứ, như để khai thác tốt hơn nguồn lực của Techcombank?

Một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi tại đây là tạo được một môi trường làm việc, là nơi tạo cơ hội thành công cho mọi người. Mỗi người làm việc tại ngân hàng đang dành thời gian mỗi ngày tại ngân hàng nhiều hơn là ở gia đình mình.

Tôi muốn tạo ra được môi trường mà nhân viên của mình thích thú làm việc, có cơ hội thể hiện hiệu quả công việc tốt nhất, có cơ hội thăng tiến nhanh chóng đúng như nhu cầu của họ. Họ được công nhận và có phần thưởng xứng đáng với những gì họ đóng góp.

Hơn 8.300 cán bộ nhân viên ở đây, mỗi người có những khác biệt. Có những người có tham vọng lớn, nhưng cũng có những người chỉ bắt đầu ngày làm việc từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều mà thôi. Nhưng cuối cùng, họ làm việc là đều vì gia đình mình. Vậy thì chúng tôi phải tạo điều kiện cho họ.

Tôi tin với đội ngũ nhân viên hiện nay, khi họ có những điều kiện và môi trường cần thiết thì chúng tôi sẽ tiếp tục tạo nên những thành công mới.

Với cá nhân ông, ông có thể tiết lộ về chế độ tại Techcombank?

Tôi chỉ có thể nói một câu là đủ sức cạnh tranh để kéo tôi về đây.

Một điểm tôi nhận thấy ở Techcombank là tôi rất thích Hội đồng Quản trị, tôi thích tham vọng của họ. Tôi đã đọc được những bài báo đã viết về ngân hàng và những thành tích họ làm được. Ở đất nước này còn nhiều cơ hội tuyệt vời, nên bản thân tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được làm việc ở đây. Lương thưởng chỉ là một phần trong đó mà thôi.

Còn với… đội bóng Barcelona, sau sự ra đi của Guardiola thì ông có tin tưởng rằng họ sẽ vẫn là đội bóng hàng đầu thế giới chứ?

Điều này còn tùy thuộc vào người sẽ dẫn dắt họ. Chúng ta cần hai tay để vỗ. Đội bóng, cầu thủ kỹ năng vẫn thế, còn huấn luyện viên mới có thể sẽ làm cho anh chơi tốt lên hoặc chơi tệ đi. Nhưng Barca dù thế nào vẫn là một đội đẳng cấp thế giới.