Cà phê cuối tuần: Khởi nghiệp ngay giữa "bão" Covid-19
Giữa lúc kinh tế khó khăn vì Covid -19, Founder Nguyễn Tường Vy-Người phụ nữ Việt quốc tịch Hàn Quốc đã quyết định đầu tư khởi nghiệp bằng dự án xây trường quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam
Xây dựng trường quốc tế dành cho con em các gia đình Hàn Quốc đang sinh sống làm việc tại Việt Nam được cho là quyết định đầu tư đúng hướng, hợp thời cuộc của founder Nguyễn Tường Vy.
Nhưng việc cầm cố cả 50 hecta cao su của người thân để khởi nghiệp là một hành trình nhiều thách thức mà không phải ai cũng có thể làm được. Nhân một buổi chiều cuối tuần, VnEconomy có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Tường Vy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Liên cấp Korea Global Shool về hành trình thú vị này.
HÀNH TRÌNH ĐẦY GIAN NAN THÁCH THỨC
Năm 2019, 2020 là quãng thời gian đặc biệt khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lâu năm, có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh. Nhưng hai năm qua, cũng là năm bà khởi nghiệp với một dự án xây dựng trường quốc tế với nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay, bà đã thở phào được hay chưa?
Thực sự đúng là hú vía. Đến bây giờ, khi Korea Global Shool (Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Korea Global Shool) bắt đầu đi vào vận hành ổn định, học sinh các cấp tăng dần đều, tôi vẫn chưa dám tin là mình sẽ đưa được trường vượt qua quãng thời gian rất áp lực, và khó khăn như vừa qua.
Hiện tại, Korea Global Shool mới có giấy phép được chừng 3 tháng nhưng việc thu hút học sinh thì cực kỳ tốt. Tại chi nhánh trong thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 300 học sinh, công suất tối đa của chi nhánh này là 500 em. Tại Hà Nội trường đã có hơn 200 em học sinh các cấp. Với sức chứa tối đa 1.500 cháu, dự kiến trong khoảng 1 năm thì toàn bộ các khối lớp sẽ được "lấp đầy".
Tại sao bà lại quyết định dựng lên ngôi trường này. Theo tôi được biết đây là một mô hình rất mới tại Hà Nội...
Đúng rồi, trường tôi dạy cùng lúc 3 ngôn ngữ: Anh – Hàn – Việt. Đây là điểm khác biệt lớn, lần đầu tiên có tại Việt Nam. Có lẽ vì thế nên việc xin giấy phép, thực hiện các thủ tục, chờ thẩm định, phê duyệt rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Đặc biệt là những công việc này được diễn ra trong mùa dịch bệnh Covid -19 nên càng khó khăn gấp bội.
Tôi lại là người mang quốc tịch Hàn Quốc, thời điểm đó Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Hàn Quốc nên mọi thứ càng thách thức hơn. Muốn tới các cơ quan chức năng để hỏi han, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ… cũng không thể. Nhắc tới giai đoạn này là muốn khóc luôn rồi.
Bà có thể chia sẻ về nguồn gốc cái tên Kim Ji Eun và quốc tịch Hàn Quốc của mình được không?
Vâng, tên tôi là Kim Ji Eun. Nhân viên ở đây hầu hết đều chỉ biết tôi là người Hàn, họ hay gọi tôi là Chủ tịch Kim chứ rất ít người biết tôi có tên Nguyễn Tường Vy, và là người Việt Nam. Đây là câu chuyện khá dài. Trước khi sang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc tôi đã có quãng thời gian khá dài học tập tại Đức. Tại đây tôi gặp người bạn đời của mình, anh ấy là người Hàn. Mối lương duyên của tôi với Hàn Quốc có lẽ bắt nguồn từ đây. Ở Đức cùng chồng được mấy năm thì chồng tôi không may mất sớm. Tôi đưa con về Hàn Quốc sống với ông bà nội rồi làm việc, công tác tại đất nước này.
Ở xứ Kim Chi, tôi có khoảng 6 năm làm tình nguyện viện cho Trung tâm trợ giúp cho các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Tôi còn nhớ, bắt đầu từ những năm 2008 phong trào lấy chồng Hàn Quốc đã thực sự khá rầm rộ ở Việt Nam nhưng vì những hạn chế, thiếu thốn, khác biệt của cả hai phía, hai con người ở hai nền văn hóa khác nhau nên đã dẫn tới các xung đột vô cùng lớn, nó gây ra các vấn đề về an ninh, an sinh xã hội. Tôi nhận thấy, mình có năng lực, có ngoại ngữ, am hiểu về văn hóa, phong tục của cả Hàn Quốc và Việt Nam nên đã quyết định tham gia tình nguyện trợ giúp cho các cô dâu, các gia đình Việt – Hàn.
Cứ như vậy, miệt mài làm tư vấn 6 năm, sau đó tôi đã thi đỗ, được tuyển dụng chính thức vào Viện Công tố Hàn Quốc rồi được tuyển dụng làm thư ký cho Tòa án Tối cao Hàn Quốc, chuyên thụ lý giải quyết những vụ án liên quan đến người Việt Nam. Để được tuyển dụng chính thức vào Viện Công tố Hàn Quốc, tôi phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Yêu cầu bắt buộc là như vậy. Đó là quyết định rất rất khó khăn. Nhưng tôi không có lựa chọn khác ở thời điểm đó.
Đến giờ phút này trở về Việt Nam rồi, tôi vẫn chờ đợi và hy vọng, sau này, bằng những cố gắng đóng góp của mình trong lĩnh vực giáo dục, tôi sẽ xin lại được quốc tịch Việt Nam để trở thành công dân có hai quốc tịch.
Là người của Viện công tố, rồi thư ký của Tòa án tối cao Hàn Quốc là công việc, là địa vị đáng mơ ước của rất nhiều người Hàn. Vậy tại sao Bà lại đang ở đây, khởi nghiệp với một công việc mới nhiều khó khăn?
Khoảng thời làm tại Viện và tòa, dù có công việc tốt nhưng tôi thấy cái tâm của mình không thấy thoải mái chút nào. Phải chứng kiến, thụ lý nhiều vụ án liên quan đến đồng bào của mình, thực sự đó là cảm giác nặng nề. Tôi nhận ra mình không đủ sức khỏe, đủ độ "lỳ" về tâm lý để có thể tiếp tục làm công việc này nữa. Vậy nên tôi quyết định xin nghỉ việc để về Việt Nam để khởi nghiệp.
Thật lòng mà nói, ở đâu cũng không bằng đất nước mình, về nhà của mình. Ở Việt Nam thì tôi còn bố mẹ, anh chị em, người thân và bạn bè rất nhiều. Hơn nữa, giáo dục cũng là công việc mà tôi có đam mê. Ông bà, bố mẹ tôi đều là những người làm trong ngành giáo dục lâu năm.
Khi về Việt Nam, đi xin học cho con tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cháu không thể hòa nhập được, cháu nói được tiếng Hàn, nhưng tiếng Anh lại rất kém. Hai trường tiếng Hàn do Chính phủ Hàn Quốc thành lập tại Việt Nam hiện chỉ có thể nhận được tối đa 2.000 cháu, trong khi đó, số lượng người Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang là 86.000 người. Đó, một sự chênh lệch khủng khiếp. Và con số này chắc chắn còn tăng đều khi giao thương giữa Việt Nam – Hàn Quốc đang tiếp tục tăng trưởng.
Vậy nếu không có trường học phù hợp, các cháu ở lứa tuổi như con tôi và rất nhiều con em các gia đình Hàn Quốc, gia đình Hàn – Việt sẽ học sẽ học ở đâu? Đó là câu hỏi khiến tôi luôn đau đáu. Từ lúc đó tôi nảy ra ý tưởng, tại sao mình không thành lập ra những ngôi trường đáp ứng được yêu cầu của các gia đình như vậy. Vậy là từng bước, từng bước tôi vẽ ra lộ trình, xác định mục tiêu, đặt ra các mốc công việc cụ thể rồi tự mình lao vào làm.
"NẾU KHÔNG LÀM LÀ CÓ LỖI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG"
Đâu là giai đoạn khó khăn nhất khi chị dựng trường, mở trường thưa bà?
Trong hơn 3 năm, đúng là tôi đã tự tay làm tất cả. Từ việc đi tìm thuê đất, xin giấy phép thành lập, xây dựng giáo án, giáo trình, mua sắm trang thiết bị học tập, tuyển dụng chuyên gia, giáo viên nước ngoài… Cái khâu khó nhất là vốn. Tôi là người Hàn Quốc về Việt Nam đầu tư, nhưng đầu trong lĩnh vực y tế và giáo dục, thì đây không phải lĩnh vực được các ngân hàng Hàn Quốc ưu tiên cho vay vốn. Đương nhiên, các ngân hàng Việt Nam càng khó hơn. Vì mô hình trường mới toanh mà, nhân sự dựng lên ngôi trường này cũng mới, lại là người Hàn thì làm sao vay được vốn trực tiếp.
Tôi phải đem thế chấp hết, từ nhà cửa đất đai của bố mẹ, ông bà, của bản thân mình, có bao nhiêu đành đem "gán" cho ngân hàng hết, đặng có vốn liếng xây trường, trả lương cho cán bộ công nhân viên. Thậm chí, 50 hecta cao su của ba tôi, tôi cũng phải đem ra thế chấp để lấy tiền xây và nuôi ngôi trường này, đến nay ước tính sơ bộ đã ngốn hết khoảng 100 tỷ rồi.
Cũng rất may, ba mẹ tôi luôn ủng hộ hết lòng, họ tin con gái, tin tôi làm giáo dục một cách có tâm, tử tế và quan trọng là nhắm đúng vào mảng thị trường đang bỏ trống này, thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu không phải mùa dịch, chắc chắn tôi có thể kêu gọi cổ đông vào được. Rất tiếc, Covid -19 đã phá hỏng dự định này. Các nhà đầu tư đó không sang được Việt Nam để nghe, xem về dự án, nên không kêu gọi được ai.
Thời điểm đầu tiên thì hầu như chỉ có mình tôi xoay xở với tất cả mọi đầu việc. Sau đó có một số người bạn lớn tuổi, như giáo sư Ahn Kyong Hwan đứng ra hỗ trợ. Ông nhận lời sang Việt Nam làm Tổng hiệu trưởng của trường. Giáo sư Ahn giúp cho tôi về mảng chuyên môn như xây dựng các bài giảng, giáo án, giáo trình… sao cho phù hợp nhất với con em học sinh Hàn Quốc tại Việt Nam. Giáo sư Ahn thì là một chuyên gia giáo dục rất có uy tín tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam. Ông là người đầu tiên dịch truyện Kiều sang tiếng Hàn Quốc.
Với mọi thứ khó khăn đã vượt qua, với những thành công ban đầu đã đến một cách rất rõ ràng, bà có tin rằng, mình đã phát hiện chính xác một lĩnh vực quá tiềm năng, chưa ai đặt chân khai phá tại Việt Nam?
Chính xác là như vậy. Nhiều người nói, tôi đang ẵm một con gà đẻ trứng vàng. Ban đầu tôi cũng chưa dám nghĩ tới sự may mắn này. Khởi điểm, tôi chỉ nghĩ, làm thế nào để có được một ngôi trường cho con em những gia đình như mình theo học. Nhưng càng làm thì càng thấy, đây là thị trường rất cần khai phá, rất cần làm tốt hơn nữa, chất lượng hơn nữa.
Bởi dù sao, những gia đình Hàn Quốc họ có đủ điều kiện kinh tế và luôn mong muốn có những ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất, đầy đủ ngôn ngữ, phù hợp với cuộc sống, nhu cầu của họ khi đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ mong muốn con em được học cả tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Anh và quan trọng nhất là dạy văn hóa bản địa để lũ trẻ được hòa nhập với môi trường sống tốt nhất chứ không phải khi bước ra khỏi cổng trường là rơi vào cảnh ngơ ngác, lạc lõng. Nếu tôi không làm, cũng là có lỗi với những người "đồng hương" có cùng hoàn cảnh, cùng nhu cầu về giáo dục.
Dự án đến nay có đã hình thành rất bề thế, rất đẹp, vậy nó đã được các đối tác quan tâm hay chưa?
Có nhiều đối tác cũng làm về giáo dục đã liên hệ trực tiếp với tôi để mong muốn mua lại cổ phần. Nhưng tôi đang chưa muốn bán cho cá nhân hay đơn vị nào. Tuy nhiên tôi cũng đang suy nghĩ lại một chút, có lẽ nếu cứ "ích kỷ" quá cũng không hay mà nên kết hợp.
Ví dụ như với trường Newton thì kết hợp khoảng 10 hoặc 20%, hoặc thêm một số đối tác khác cũng có thể thêm chút ít nữa, tạo thành 1 hệ thống anh em liên kết với nhau. Nếu có khó khăn thì cùng chia sẻ, trợ giúp nhau. Đó cũng là mô hình tốt, cách làm phù hợp.
Tại Bắc Ninh thì cũng đã có đơn vị muốn mở chi nhánh. Thị trường tại Bắc Ninh thì anh biết rồi, là nơi Samsung đang dừng chân. Họ - những chuyên gia, cán bộ người Hàn Quốc của Samsung cũng đang rất khát trường đạt chuẩn quốc tế để con em theo học. Học phí của trường thực ra nó không cao, nếu so với mặt bằng chung các trường quốc tế, các trường song ngữ tại Việt Nam. Nó rơi vào khoảng 10.000 USD đến 12.000 USD/năm.
Bà có mơ ước mở được thêm nhiều trường, đặc biệt là mở trường với mô hình như thế này tại Hàn Quốc?
Đó là cái mơ ước đầu tiên và cũng là lớn nhất của tôi, rất mong muốn dần dần mình sẽ làm được. Bây giờ ở Hàn Quốc chợ của người Việt rất nhiều nhưng trường thì không có. Con em các gia đình Việt – Hàn bên đó chỉ được học tiếng Hàn, lâu dài lũ trẻ sẽ mất luôn cái nguồn gốc Việt Nam. Các cháu về quê hương bản quán không biết chào ông bà bằng tiếng Việt. Đó là cái thiệt thòi, cũng là cái thiếu sót của người lớn, khi chưa dựng được trường có tiếng Việt cho các cháu theo học. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, mình sẽ mở được ngôi trường như thế này tại Hàn Quốc.