09:09 16/11/2019

Cà phê cuối tuần: Là nước nhỏ, Na Uy ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Nguyễn Tuyến

Na Uy ủng hộ mạnh mẽ cơ chế hiệu quả của Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, coi đó là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho những nước nhỏ

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

Thời gian qua, quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế Việt Nam - Na Uy đã có bước tiến đáng kể và đang có những thay đổi về chất. Theo như lời Đại sứ Na Uy Grete Løchen, quan hệ song phương giữa Na Uy và Việt Nam được gắn kết bởi một "sợi chỉ xanh xuyên suốt".

Nhân kỷ niệm ngày 48 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy (25/11/1971 - 25/11/2019), VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Grete Løchen, về những hoạt động nổi bật trong hợp tác song phương, cũng như các vấn đề xã hội nổi cộm tại Việt Nam thời gian gần đây.

Nhiều doanh nghiệp Na Uy muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam

Xin chào bà Grete Løchen, tháng 9/2019 là kỷ niệm đúng 1 năm bà nhận nhiệm kỳ đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ những điều làm bà cảm thấy hài lòng nhất trên cương vị một nhà ngoại giao trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên? Có điều gì mà bà còn trăn trở và muốn ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới?

Tôi đã có một năm nhiệm kỳ đầu tiên ở Việt Nam rất tuyệt vời. Mặc dù tôi đã làm việc ở nhiều nước châu Á, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm Đại sứ ở một quốc gia Đông Nam Á và trải nghiệm thật thú vị.

Điểm nổi bật nhất trong năm vừa qua chắc chắn là chuyến thăm chính thức Na Uy của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2019. Chuyến thăm này vừa thể hiện tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Na Uy, đồng thời tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước về chính trị và thương mại.

Trong mối quan hệ với Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng làm nổi bật thế mạnh của Na Uy là một quốc gia với nhiều kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến trong nền kinh tế biển xanh bền vững, bao gồm nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, các dịch vụ biển và hàng hải. Trong lĩnh vực này, Na Uy có thể chia sẻ với Việt Nam nhiều điều, không chỉ công nghệ, giải pháp mà cả những kinh nghiệm thành công và những bài học thực tế.

Ambassador Grete with Norwegian LNG companies in Vietnam

Đại sứ Grete (chính giữa) với các công ty LNG tại Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

 Năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là lĩnh vực thế mạnh thứ hai của Na Uy. Một số công ty tiêu biểu của Na Uy đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời ở Việt Nam. Hy vọng trong vài tháng tới, chúng ta có thể thấy những hoạt động cụ thể diễn ra. Bên cạnh đó, năng lượng gió ngoài khơi và khí hóa lỏng (LNG) với các giải pháp nổi cũng là những lĩnh vực đầu tư tiềm năng của Na Uy. 

Mặc dù không phải là năng lượng tái tạo nhưng LNG là nguồn năng lượng sạch hơn rất nhiều so với than. Tuần trước, 10 công ty LNG của Na Uy đã sang Việt Nam bày tỏ mối quan tâm và giới thiệu về các công nghệ nổi ngoài khơi vô cùng thú vị trong ngành công nghiệp LNG. Về lâu dài, Việt Nam phải có kế hoạch thay thế than bằng các nguồn nhiên liệu khác như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, LNG hoặc các giải pháp hỗn hợp.

Trăn trở ư? Chắc chắn rồi! Thách thức không bao giờ hết. Chúng ta hy vọng và mong muốn rất nhiều, đặc biệt là sau chuyến thăm Na Uy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi muốn nhìn thấy những kế hoạch và kỳ vọng của chúng ta trở thành hiện thực. Điều quan trọng là chúng ta vừa nói vừa làm. Cả hai chính phủ sẽ rất nỗ lực vì điều đó.

"Sợi chỉ xanh" Na Uy - Việt Nam

Trong cuộc phỏng vấn lần trước với VnEconomy, bà đã có những chia sẻ về Chiến lược Đại dương của Na Uy và một số kinh nghiệm cho Việt Nam về kinh tế biển. Bà có thể chia sẻ thêm những hoạt động sắp để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực này? Ngoài ra, còn có lĩnh vực nào hai bên có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới, thưa bà?

NQH01130uy

Đại sứ Na Uy Grete Lochen trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019 - Ảnh: VGP.

Kinh tế biển xanh đã, đang và sẽ tiếp tục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ của chúng ta. Tháng 10 vừa qua, Hội nghị Đại dương đã được tổ chức ở Na Uy với sự góp mặt của 500 lãnh đạo đến từ 100 quốc gia trong đó có Việt Nam, bàn về những biện pháp để giữ cho đại dương của chúng ta sạch, khỏe và sinh lợi. Hội nghị đã rất thành công với nhiều sáng kiến, cam kết và khoản tiền tài trợ được cam kết. Trong nhiều lần gặp nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đều nhấn mạnh vấn đề kinh tế biển xanh và chống rác thải nhựa trên biển vì đây là các vấn đề ưu tiên của cả Na Uy và Việt Nam.

Na Uy và Việt Nam cũng quan tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Những biến động trong tình hình thế giới rất khó lường, chủ nghĩa đa phương đang phải chịu áp lực và đe dọa từ các chính sách dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ. 

Cùng với việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-21, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng lớn. Đặc biệt, Na Uy cũng đang ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2021-22. Nếu được chọn, hai nước chúng ta sẽ có một năm làm việc với nhau tại Hội đồng. Việt Nam cũng đã bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong các tiến trình hòa bình và hòa giải xung đột.

Chủ nghĩa đa phương, gìn giữ hòa bình, phụ nữ, an ninh, và biến đổi khí hậu là những lĩnh vực quan tâm chung của chúng ta. Một Liên hiệp quốc và các tổ chức khu vực mạnh mẽ, hiệu quả như ASEAN cũng là các ưu tiên thúc đẩy của hai nước chúng ta.

Na Uy ủng hộ mạnh mẽ cơ chế hiệu quả của Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, coi đó là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho những nước nhỏ. Cam kết sát cánh cùng Liên hiệp quốc và thúc đẩy hợp tác đa phương của Na Uy đã nhận được sự ủng hộ chính trị to lớn trong nước.

"Người Việt Nam rất lạc quan, năng động"

Trong một năm ở Việt Nam, bà có ấn tượng như thế nào với cuộc sống và con người Việt Nam? Bà thích nhất điều gì khi sống ở Việt Nam?

Tôi thực sự thích sự sôi động trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Người Việt Nam rất lạc quan, năng động, ham học hỏi, thích khám phá và tương tác với cộng đồng quốc tế. Điều này rất truyền cảm hứng. Tôi thích cuộc sống ở Hà Nội và yêu thành phố này, yêu cuộc sống đường phố, và không khí sầm uất ở Thủ đô. Tôi thích đi bộ ở phố cổ và thường chạy bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Không thể không kể đến đồ ăn của Việt Nam. Tôi rất thích phở và nem.

Đại sứ Na Uy tham gia một chương trình chạy bộ - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

Việt Nam là đất nước tuyệt vời với thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa giàu có, các bãi biển đẹp nổi tiếng, cuộc sống đô thị hiện đại. Năm vừa rồi tôi đã vào miền Nam, miền Trung, thăm các trang trại trồng cà phê ở Đà Lạt và thử hương vị cà phê ở đây. Tôi đã tới Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, và Phú Quốc. Rất tiếc tôi chưa có dịp tới thăm các tỉnh miền núi phía Bắc. Tôi đã nghe nói về phong cảnh hùng vĩ của vùng này. Đến từ một quốc gia yêu thiên nhiên như Na Uy, chắc chắn tôi sẽ tới đó.

"Tôi ấn tượng vì Việt Nam từng có nhiều xe đạp"

Đại sứ đánh giá như thế nào về Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện nay? Đại sứ có lời khuyên gì cho các cơ quan chức năng và người dân để khắc phục tình trạng này? Na Uy có kinh nghiệm nào về việc này không, thưa bà?

Ô nhiễm môi trường hiện là vấn đề của nhiều quốc gia. Với tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu đặc biệt là ở các đại đô thị. Đây quả là vấn đề đáng lo ngại vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả mọi người và cần phải có các giải pháp nghiêm túc và bền vững để giải quyết nó.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Oslo. Thủ đô của Na Uy cũng gặp phải những vấn đề liên quan tới ô nhiễm không khí, nhất là vào mùa đông. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã áp dụng một số biện pháp để giúp thành phố của chúng tôi xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường, kể cả cải thiện chất lượng không khí. Nhờ những nỗ lực đó, Oslo đã được bầu chọn là Thủ đô xanh của châu Âu năm 2019.

IMG_0641

Đại sứ Na Uy tham gia một chiến dịch đạp xe tại Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

Xin chia sẻ về một số biện pháp mà chính quyền thành phố Oslo đã áp dụng, bao gồm cải thiện giao thông công cộng, sử dụng xe điện kể cả xe buýt và phà chạy bằng điện, hạn chế ô tô và các bãi đỗ xe ở trung tâm thành phố, đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng để khuyến khích người dân đi bộ và xe đạp. Bản thân tôi có một căn hộ ở trung tâm Oslo nhưng chưa bao giờ có ô tô, tôi chủ yếu đi bộ, đi xe đạp và phương tiện giao thông công cộng.

Hà Nội rất có tiềm năng để trở thành một thành phố thân thiện với xe đạp và người đi bộ, vì xe đạp đã từng là một nét truyền thống của Hà Nội. Tôi đến Việt Nam lần đầu vào những năm 90. Hồi đó, tôi rất ấn tượng vì Hà Nội có nhiều xe đạp. Lần này, tôi đã mang theo xe đạp của mình từ tận Oslo sang, nhưng thú thật là tôi chưa dám đi, vì Hà Nội nhiều xe máy và ô tô quá. Nếu cải thiện được chất lượng phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích người dân dùng xe đạp và đi bộ nhiều hơn, chất lượng không khí chắc chắn sẽ được cải thiện.

Tất nhiên, phương tiện giao thông chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng không khí ở Hà Nội. Các khu công nghiệp ở ngoại ô cũng là một tác nhân dẫn đến tình trạng này. Như tôi đã nói ở trên, nếu vẫn còn dùng than làm nhiên liệu, ô nhiễm là khó tránh khỏi. Vì vậy, thay thế than bằng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch như LNG hoặc các giải pháp kết hợp sẽ là một bước đi thông minh và quan trọng để cải thiện chất lượng không khí.

Giảm rác thải nhựa: Cần sự chung tay của khu vực tư nhân

Theo dõi Twitter của bà, tôi nhận thấy bà đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. Bên cạnh vai trò là nhà ngoại giao, ở góc độ cá nhân, bà có thể chia sẻ về những hành động nhỏ hàng ngày của mình cũng như các nhân viên ở đại sứ quán để hưởng ứng phong trào giảm rác thải nhựa không?

Rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu. Na Uy và Việt Nam đều là quốc gia biển. Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào nguồn lợi đại dương: nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, dầu khí, vì thế bên cạnh việc khai thác bền vững, chúng ta phải quan tâm tới việc bảo vệ biển và nguồn lợi biển. Ô nhiễm nhựa trên biển đang ngày càng nghiêm trọng. Phần lớn lượng rác thải nhựa trên biển đều xuất phát từ các nguồn thải trên đất liền. Vì thế, chúng ta phải nghiêm túc xử lý vấn đề này, nếu không đến năm 2050 biển của chúng ta sẽ nhiều nhựa hơn cá.

Đại sứ Grete (thứ 5 từ trái sang) tham gia Chiến dịch World Cleanup Day quanh Hồ Tây vào tháng 9/2019 - Ảnh: Đại sứ quán Na Uy.

Việc đơn giản nhất có thể làm là nâng cao nhận thức của mỗi hộ gia đình, trường học, cộng đồng và cơ quan. Sứ quán Na Uy ở Hà Nội áp dụng một bộ quy tắc ứng xử để giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Chúng tôi dùng túi vải để đi mua đồ, dùng hộp thủy tinh để đựng đồ ăn trưa, không dùng ống hút nhựa mà dùng ống hút bằng tre và bằng cỏ. Quan trọng là tất cả nhân viên Sứ quán đều thống nhất phạt 10.000 đồng cho mỗi đồ nhựa dùng một lần mang vào cơ quan. Chúng tôi cũng khuyến khích tái chế bằng cách phân loại rác thải ngay tại Sứ quán bằng cách bố trí các thùng rác riêng cho giấy vụn, đồ nhựa, đồ thủy tinh, đồ hộp và rác thải hữu cơ. Quản lý và phân loại rác thải cũng góp phần quan trọng vào việc giảm rác thải nhựa.

Na Uy hiện đang thực hiện một số Dự án ở Việt Nam và trong khu vực về phân loại và xử lý hiệu quả rác thải nhựa. Tôi được biết báo VnEconomy đã có bài viết về Dự án OPTOCE. Đây là một Dự án quan trọng và nhiều tiềm năng. OPTOCE đề cao vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong xử lý rác thải nhựa, đồng thời chứng tỏ rác thải nhựa không thể tái chế có thể trở thành tài nguyên cho ngành công nghiệp xi măng. Dự án này giúp giải quyết được vấn đề xử lý rác thải nhựa ngăn không cho chúng đổ ra biển, đồng thời giảm phát thải khí CO2, và giảm lượng tiêu thụ than. Hy vọng, OPTOCE sẽ truyền cảm hứng cho các công ty và nhà máy khác trong ngành công nghiệp xi măng tham gia xử lý rác thải nhựa không thể tái chế theo cách này.

Để đảm bảo sự quản lý hiệu quả rác thải nhựa, phải có sự chung tay của khu vực tư nhân. Các công ty phải nhìn thấy lợi ích kinh tế để tham gia. Nhà nước, khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu và tổ chức xã hội dân sự đều phải có vai trò quan trọng như nhau và phải hợp tác cùng nhau để thành công.

Xin trân trọng cảm ơn bà.