07:23 04/03/2013

Cà phê trong cơn đại hạn

Chu Khôi

Hiện nay 70% diện tích trồng cà phê không có nước tưới, càng khiến nguy cơ sản lượng cà phê sụt giảm

Khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên chỉ
 38.000-39.000 đồng/kg, thì hiện nay đã lên mức 42.000-42.100 đồng/kg, 
là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ đến nay.
Khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên chỉ 38.000-39.000 đồng/kg, thì hiện nay đã lên mức 42.000-42.100 đồng/kg, là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ đến nay.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng thu hoạch cà phê niên vụ 2012-2013 giảm trên 25% so với niên vụ trước. Tây Nguyên đang gặp đại hạn lớn nhất trong vòng 10 năm qua, hiện nay 70% diện tích trồng cà phê không có nước tưới, càng khiến nguy cơ sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng trong niên vụ 2013-2014.

Ông Lê Thế Chỉ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa năm 2012 tại khu vực Tây Nguyên chỉ bằng 50% so với bình quân các năm, khiến cây cà phê sinh trưởng kém, quả nhỏ, chín sớm. Sản lượng cà phê thu hoạch của Vinacafe giảm 22% so với niên vụ 2011-2012.

Các doanh nghiệp thành viên của Vinacafe ở khu vực Việt Đức - Đắk Lắk, năng suất giảm 30-35%. Các công ty vùng Krông Buk - MĐrắc; Eaka - Đắk lắk giảm nặng nhất, phổ biến khoảng 40-50%. Ở Gia Lai, Kon Tum năng suất giảm phổ biến khoảng 10-15%.

Do vậy, sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 của Vinacafe chỉ được 29.144 tấn cà phê nhân, bằng 78% so với năm 2011. Do bị hạn hán, quả cà phê phát triển kém, một số vùng tỷ lệ loại R1 đạt dưới 25%, trong khi các niên vụ trước luôn đạt trên 30%.

Các doanh nghiệp thiệt hại như vậy, nông dân trồng cà phê còn khốn khổ hơn. Tây Nguyên đang trong thời kỳ tưới đợt 2 nhưng mực nước ở tất cả các sông, hồ đang xuống rất thấp, suối và giếng đào đều trơ đáy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh này hiện có 643 công trình thủy lợi lớn nhỏ, có nhiệm vụ tưới tiêu cho trên 25.000 ha lúa đông xuân, 39.000 ha lúa mùa, 45.000 ha cà phê. Hiện nguồn nước chỉ đáp ứng cho hơn 72% diện tích cây trồng trong tỉnh.

Cả Đắk Nông, còn hàng nghìn hécta cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu ở các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô cần nước tưới.

Tại những vùng có diện tích cà phê lớn như Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Chư Jút các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng tưới khoảng 20.000ha cà phê, với hơn 56.000 ha cà phê còn lại, người dân phải tự “gồng mình” chống hạn, lấy nước tưới từ các giếng khoan, sông, suối.

So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực sụt giảm khoảng 3-5m. Nông dân ở nhiều nơi đã phải khoan giếng xuống độ sâu 40 m, nhưng vẫn không có nước tưới có cà phê. Với mức khô hạn như mùa khô năm nay, công sức, tiền bạc mà nhà nông đổ ra cho việc tưới cà phê sẽ tăng cao, mà năng suất cà phê vẫn khó đảm bảo.

Một nghịch lý là dù thiếu nước, nhưng người trồng cà phê Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới nhiều lần trong mùa khô, mỗi lần lên tới 600-700 lít/gốc, gây lãng phí lớn. Để khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, bảo đảm cà phê không bị khô héo và rụng quả, các địa phương đã huy động người dân tăng cường bơm nước, kịp thời đáp ứng nhu cầu tưới, đồng thời nạo vét kênh, mương và hồ chứa để trữ nước; phân chia, điều tiết lịch bơm để bảo đảm cho các sông, hồ, đập không bị kiệt nước; hướng dẫn thực hiện các biện pháp giữ ẩm cho cây.

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, vận động người dân tiết kiệm nước, tập trung đẩy mạnh các biện pháp khắc phục hạn hán. Hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về biện pháp tưới tiết kiệm đảm bảo đủ nước tưới trong niên vụ này.

Diễn biến những năm gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt, do biến đổi khí hậu và do tập quán canh tác của người trồng cà phê.

Diễn biến thị trường cà phê Robusta trên thế giới đang dõi theo tình hình hạn hán diễn ra tại Việt Nam.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, vừa trả lời phỏng vấn của Dow Jones, cho biết tình hình hạn hán ở khu vực Tây Nguyên rất nghiêm trọng, khoảng một nửa số cây cà phê ở đây đang thiếu nước tưới. Dự kiến sản lượng vụ 2013/14 sẽ càng giảm mạnh.

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa đưa ra báo cáo cho thấy kết quả xuất khẩu cà phê tháng 2/2013 giảm tới 54,3% so với tháng trước, bởi nguồn cung yếu.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 2 xuất khẩu cà phê ước đạt 196 ngàn tấn, giá trị đạt 339 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm ước đạt 415 ngàn tấn, kim ngạch 884 triệu USD, tăng tới 38,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 2.130 USD/tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.

Thông tin thời tiết khô hạn đang xảy ra tại Tây Nguyên, khiến các nhà rang xay chế biến cà phê trên thế giới lo lắng, trong khi tồn kho của Liffe vẫn tiếp tục ở mức thấp.

Bởi vậy, các nguồn quỹ và nhà đầu cơ đang lao vào đổ tiền để mua tích trữ cà phê, khiến thị trường trong nước đã điều chỉnh giá tăng theo. Khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên chỉ 38.000-39.000 đồng/kg, thì hiện nay đã lên mức 42.000-42.100 đồng/kg, là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ đến nay.

Trong tuần vừa qua, giá cà phê giao dịch trên thị trường thế giới đã tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA nhận định, giá cà phê sẽ tăng vọt trong thời gian tới. VICOFA khuyến cáo nông dân không nên vội vàng bán ra ồ ạt, mà nên bán ra từ từ để điều tiết giá bán và giá xuất khẩu cà phê sao cho đạt lợi nhuận tốt nhất.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)