14:46 11/12/2020

Các bang Mỹ “đấu khẩu” vì đề nghị xem lại kết quả bầu cử tổng thống

Bình Minh

4 tiểu bang gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin kêu gọi Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện của bang Texas về xem lại kết quả bầu cử

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xuống đường ở Lansing, Michigan hôm 8/12 - Ảnh: Reuters.
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xuống đường ở Lansing, Michigan hôm 8/12 - Ảnh: Reuters.

4 tiểu bang Mỹ gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin ngày 11/12 kêu gọi Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện của bang Texas đòi đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020. Các bang này cho rằng đơn kiện của Texas không có căn cứ thực tế và pháp lý và chỉ đưa ra những cáo buộc không có thật.

"Việc mà bang Texas đang làm là đề nghị Tòa án Tối cao một lần nữa xem xét những cáo buộc vô căn cứ về cuộc bầu cử. Những cáo buộc đó đã được xem xét và bị bác bỏ bởi Tòa án Tối cao và các tòa án khác từ trước rồi", tổng chưởng lý Josh Shapiro của bang Pennsylvania, một nhân vật thuộc Đảng Dân chủ, viết trong lá thư gửi 9 vị thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang.

Hôm thứ Ba tuần này, Texas đâm đơn lên Tòa án Tối cao để kiện 4 bang chiến trường nói trên, đề nghị xem lại kết quả bầu cử tại các bang này, trên cơ sở cho rằng 4 bang đã thay đổi thủ tục bầu cử cho phép một lượng lớn phiếu bầu được bỏ qua đường bưu điện.

Trước khi Texas thể hiện sự ủng hộ đối với ông Trump bằng đơn kiện trên, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các đồng minh của ông đã có nhiều đơn kiện khác nhằm tước chiến thắng khỏi tay ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, nhưng không thành công. 17 tiểu bang khác đã đứng về phía ông Trump, lên tiếng ủng hộ đơn kiện của Texas.

Trong thư của bang Michigan gửi Tòa án Tối cao, tổng chưởng lý Dana Nessel, một người Dân chủ, nói rằng ông Trump và những người ủng hộ ông đã thua. "Động thái thách thức này là chưa từng có tiền lệ, chẳng có một căn cứ cụ thể hay một nền tảng pháp lý nào", bà Nessel viết.

Ông Chris Carr, tổng chưởng lý bang Georgia và là một người Cộng hòa, nói Texas không thể chứng minh được rằng bang này chịu ảnh hưởng tiêu cực vì kết quả bầu cử ở các bang khác. "Những cáo buộc mới lạ và xa vời mà Texas đưa ra, cùng với những đòi hỏi khác thường của họ, là điều không thể khớp với các quy định của pháp luật", ông Carr viết trong thư của Georgia.

Tổng chưởng lý Josh Kau của Wisconsin, một người Dân chủ, nhấn mạnh rằng ông Trump đã nhận được kết quả kiểm phiếu lại tại hai hạt có phần đông cử tri là người ủng hộ Đảng Dân chủ ở bang này, và kiểm phiếu lại cho thấy kết quả kiểm phiếu lần đầu không có vấn đề gì.

"Chẳng có dấu hiệu gian lận nào hết, hay bất cứ điều gì khác có thể đặt ra nghi vấn về tính trung thực của kết quả bầu cử", ông Kaul viết trong lá thư của Wisconsin gửi tòa án tối cao.

Hôm thứ Tư, ông Trump đề nghị Tòa án Tối cao cho ông được can thiệp và trở thành một nguyên đơn trong vụ kiện của Texas. Tổng chưởng lý Texas, ông Ken Paxton, người dẫn đầu vụ kiện, là một nhân vật Cộng hòa và là đồng minh của ông Trump.

Ngày thứ Năm, ông Trump đã có cuộc gặp với ông Paxton và tổng chưởng lý 17 bang ủng hộ vụ kiện. Cùng ngày, hơn 100 hạ nghị sỹ Cộng hòa ra tuyên bố chung ủng hộ ông Trump.

Ở phe bên kia, 21 tiểu bang ngày 10/12 đã lên tiếng ủng hộ 4 bang bị Texas kiện.