19:46 31/01/2023

Các cơ quan Thương vụ đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó

Vũ Khuê

Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam dự báo bị thu hẹp do tác động của những bất ổn kinh tế, chính trị thế giới… Do đó giữ vững, duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm và phát triển những thị trường mới là mục tiêu của Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ, doanh nghiệp trong năm 2023...

Xuất khẩu năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn.
Xuất khẩu năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn.

Ngày 31/01, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 01/2023.

SẼ CÓ NHIỀU THÁCH THỨC CHO XUẤT KHẨU

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt trên 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng theo ông Phú, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Bên cạnh đó, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Sang năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng đầu tiên năm 2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,08  tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định, việc giảm về con số xuất nhập khẩu tháng 1/2023 là do trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.  

Các dự báo đưa ra, năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng… Do đó, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Như với thị trường truyền thống Hoa Kỳ, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiều khó khăn đặt ra cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này do chính sách tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định của chính quyền liên bang và bang phức tạp, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động…

Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ. Ngoài ra, cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thuỷ sản, dệt may, da giày, trong khi năng lực sản xuất ở một số ngành khó có khả năng tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thiếu phương án kinh doanh linh hoạt, dự phòng rủi ro, hiểu biết về pháp luật dẫn đến khả năng cạnh tranh bị hạn chế.

CẦN CÓ SỰ SÁNG TẠO

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng tình, năm 2023 dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, do đó, ông Diên chỉ đạo hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phải tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò công tác trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xây dựng thương hiệu mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị cần đưa ra những kịch bản, giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng… với phương châm giữ vững duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm và phát triển những thị trường mới. Đồng thời, có những giải pháp cho những rào cản mới ở các thị trường, nắm bắt những chính sách mới ở các nước sở tại; thay đổi quan điểm cũng như phương thức xúc tiến một cách hiệu quả…

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết lạm phát cao tác động tới tiêu dùng nước này. Vì vậy, năm 2023 Thương vụ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác lợi thế từ Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, tổ chức các hoạt động xúc tiến mua hàng, tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Trước những khó khăn trên, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico nhận định, thuỷ sản, nông sản chế biến của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vào nước này khá lớn nhưng các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tạo ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người địa phương.

Cà phê nguyên liệu cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài xuất khẩu thô, cà phê hòa tan, các doanh nghiệp còn có thể nghiên cứu tìm cơ hội liên doanh hoặc đầu tư sản xuất cà phê hòa tan để bán tại Mexico và xuất khẩu sang khu vực khi phí vận tải đang cao và bất ổn.

Ngoài ra, Mexico là nước sản xuất ô tô lớn thứ 7 trên thế giới, nên “một trong những mục tiêu đặt ra của Thương vụ Việt Nam tại Mexico là phối hợp với các thương vụ bờ tây Bắc Mỹ tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại về phụ tùng ô tô đi các nước Mỹ, Canada và Mexico”, ông Khang cho biết.

Để giữ vững thị trường xuất khẩu, ông Ngô Xuân Tỵ, Thương vụ Braxin kiêm nhiệm Peru cho rằng cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các hội chợ, trung tâm triển lãm.

Kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông sở tại như tivi, các trung tâm thương mại, các nơi tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư tại các bang, các thành phố lớn.

Mặt khác, hợp tác, kết nối với các Hiệp hội, Liên đoàn các Bang và các thành phố phối hợp chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.

Đặc biệt, các doanh nghiệp, Hiệp hội và địa phương của Việt Nam nên phối hợp Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,…

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng xúc tiến thương mại cần có sự sáng tạo, đưa ra các biện pháp xúc tiến phù hợp. Xúc tiến thương mại không chỉ là những hoạt động đã làm mà còn có xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu; không chỉ hội chợ, triển lãm mà cần có kết nối, nâng cao năng lực, trình độ cho các doanh nghiệp; cung cấp thông tin; xúc tiến đầu tư; tổ chức hội nghị giao ban từng ngành hàng, từng thị trường; rút ra kinh nghiệm, bài học ; dựa vào các đề xuất của hiệp hội, ngành hàng… để có những giải pháp hiệu quả.