14:31 15/03/2010

Các đội bóng Anh nợ như “chúa chổm”

Mai Phương

Dù đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhiều đội bóng đá hàng đầu của Anh đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất

Tiền đạo Wayne Rooney (áo đỏ) của Manchester United (MU) tả xung hữu đột trên sân cỏ. Tuy nhiên, tình hình tài chính của MU lại không tuyệt vời như những gì mà các cầu thủ của họ trình diễn - Ảnh: Getty.
Tiền đạo Wayne Rooney (áo đỏ) của Manchester United (MU) tả xung hữu đột trên sân cỏ. Tuy nhiên, tình hình tài chính của MU lại không tuyệt vời như những gì mà các cầu thủ của họ trình diễn - Ảnh: Getty.
Dù đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhiều đội bóng đá hàng đầu của xứ sở sương mù, trong đó có cả đội Manchester United (MU), đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất.

Trong số các câu lạc bộ bóng đá Anh, MU được xem là đội bóng có một đẳng cấp riêng biệt. Trong vòng 17 năm qua, “quỷ đỏ” đã 11 lần là chủ nhân của cúp Ngoại hạng.

Tuy nhiên, theo tờ BusinessWeek, tình hình tài chính của MU lại không tuyệt vời như những gì mà các cầu thủ của họ trình diễn trên sân cỏ. Vào năm 2005, tỷ phú người Mỹ Malcolm Glazer đã mua lại MU bằng con đường vay nợ. Tới nay, tiền lãi của những khoản vay này đã khiến bảng cân đối tài chính của MU còn “đỏ” hơn cả màu áo truyền thống của đội.

Tháng 1 vừa qua, MU hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 747 triệu USD để có tiền trả nợ. Doanh thu của đội bóng hiện đã tăng 72% kể từ sau vụ chuyển nhượng hồi năm 2005, lên mức 400 triệu mỗi năm, nhưng riêng trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/6 tới, số tiền lãi mà họ phải trả đã lên tới 102 triệu USD.

Thêm vào đó, MU lẽ ra còn có thể thua lỗ thêm hàng trăm triệu USD nữa nếu không bán lại được cầu thủ chơi hay nhất của đội là Cristiano Ronaldo để thu về 120 triệu USD.

Người hâm mộ của MU tỏ ra thất vọng khi biết số tiền này phải dùng để trả nợ, thay vì để mua cầu thủ mới. Do đó, nhiều người muốn MU đổi chủ và có khả năng họ sẽ toại nguyện.

Mới đây, một nhóm “đại gia” tài chính, trong đó có cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, ông Jim O’Neil, tuyên bố chào mua lại MU từ tỷ phú Glazer. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của MU là David Gill tuyên bố bất kỳ đề nghị chào mua nào đối với đội bóng này cũng sẽ bị từ chối.

Ngoài MU, hàng loạt đội bóng khác của Anh cũng đang ngập sâu trong rắc rối tài chính. Không giống như “quỷ đỏ”, nhiều đội bóng yếu hơn đã vung tay quá trán trong việc thu hút các chân sút hàng đầu.

Theo thống kê mới nhất từ hãng kiểm toán Deloitte, do không áp dụng mức lương trần đối với cầu thủ, chỉ có 9 trong số 20 đội bóng thuộc giải Ngoại hạng làm ăn có lãi. Ngoài ra, tổng số nợ mà làng bóng đá Anh đang gánh lên tới khoảng 4,8 tỷ USD, chiếm 56% tổng số nợ của làng bóng đá châu Âu.

Cuối tháng 2 vừa qua, đội Portsmouth đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi mất khả năng thanh toán 18 triệu USD tiền thuế. Năm 2008, Portsmouth đã chi tới 82 triệu USD, tương đương 3/4 doanh thu của đội, để trả lương cầu thủ. Theo giới phân tích, với mô hình kinh doanh “có vấn đề” như vậy, các câu lạc bộ khác, đặc biệt là các đội cuối bảng, có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự trong một hai năm tới.

Liverpool, đội á quân của mùa giải Ngoại hạng năm ngoái, không phải là một ngoại lệ. Hai tỷ phú Mỹ George Gillett và Tom Hicks, những ông chủ đồng thời sở hữu hàng loạt đội bóng chày và khúc côn cầu khác, đã mạnh tay vay nợ ngay ở thời kỳ bùng nổ tín dụng để mua Liverpool với giá 260 triệu USD.

Từ đó đến nay, tiền lãi cộng tiền gốc đã khiến Liverpool gánh khoản nợ lên tới 354 triệu USD. Các chủ nợ của đội bóng này yêu cầu đội phải thanh toán 149 triệu USD trong thời gian từ nay tới tháng 7. Đại diện của Liverpool cho hay, họ đang đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng để được rót vốn.

Tuy nhiên, tiền thu về nhiều hơn từ việc bán bản quyền truyền hình có thể sẽ giúp ích cho các đội bóng yếu. Nhà tổ chức giải Ngoại hạng hiện đang đàm phán bán bản quyền phát sóng các trận đấu với các đài truyền hình nước ngoài và có khả năng, doanh thu bản quyền từ nước ngoài sẽ tăng gấp đôi.