Các dự án triệu, tỷ USD liên tục “đổ bộ” vào Thái Bình
Thái Bình đang thu hút thành công nhiều dự án đầu tư lớn. Địa phương này có vị trí địa lý thuận lợi, Khu kinh tế với diện tích siêu lớn, hơn 30.583 ha đang được tích cực triển khai xây dựng sẵn sàng đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Ngày 26/11, tại Cụm Công nghiệp Quý Ninh (Quỳnh Phụ), diễn ra lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi gai 30.000 cọc sợi của Công ty TNHH Sợi Golden Eagle Việt Nam. Dự án nhà máy sản xuất sợi gai triển khai trên diện tích hơn 78.000m², với tổng mức đầu tư trên 51 triệu USD.
Công suất dự án 5.400 tấn sợi/năm. Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 600 - 800 lao động, doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 40 triệu USD.
Cũng trong tháng 11, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Bình cũng vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Yuan Long International Limited (Thái Lan) để triển khai dự án xây dựng nhà máy Yuan Long Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Dự án mới này từ nhà đầu tư Thái Lan là nhà máy chuyên sản xuất quạt trần và các linh kiện liên quan khác. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 15,6 ha, với tổng mức đầu tư lên tới 120 triệu USD.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hơn 10 tháng qua, địa phương này đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 986 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 10.407,5 tỷ đồng và 464 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Hai năm gần đây, Thái Bình là địa phương đang thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.
Năm 2023, địa phương này đã thu hút được các dự án tiêu biểu: Dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; Dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất rượu soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; Dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman và dự án nhà máy tập trung sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện của đèn LED với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD của Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn...
Theo dự kiến, năm 2025, một siêu dự án với mức đầu tư gần 2 tỷ USD sẽ chính thức được khởi công tại Thái Bình.
Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình do Tập đoàn Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là nhà đầu tư. Nhà máy có tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.
Dự kiến dự án được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành thương mại, trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, Thái Bình có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư FDI. Địa phương này có Khu kinh tế với diện tích 30.583 ha, trong đó có 22 Khu công nghiệp với diện tích 8.020 ha đất công nghiệp đang được tích cực triển khai xây dựng sẵn sàng đón nhà đầu tư.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km... cũng giúp Thái Bình ghi điểm với các nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình những năm vừa qua đã quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực...
Đây là những yếu tố giúp Thái Bình “kéo” thành công nhiều doanh nghiệp FDI lớn tới đầu tư, sản xuất tại địa phương này.