Các ETF tại Việt Nam bị rút ròng 2.500 tỷ đồng từ đầu tháng 8
Tính từ đầu tháng 8 tới nay, các ETF bị rút ròng 2.500 tỷ đồng, trong khi tháng 7 dòng vốn ETF vẫn rất tích cực khi có thêm 16 triệu USD...
Trong tuần từ ngày 21-25/08/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Xu hướng rút ròng ở các quỹ ETF nước ngoài tập trung chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF hơn 341 tỷ đồng và quỹ Ishares MSCI Frontier and Select EM ETF rút ròng gần 112 tỷ đồng.
Các quỹ ETF trong nước rút ròng hơn 607 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là quỹ VFM VN30 ETF và quỹ VFMVN Diamond ETF rút ròng lần lượt hơn 199 tỷ đồng và 391 tỷ đồng. Riêng trong ngày 22/08/2023, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF rút ròng mạnh hơn 71 tỷ đồng. Quy VFMVN Diamond ETF rút ròng gần 26 tỷ đồng. Top các cổ phiếu bị bán ròng gồm FPT, HPG, VHM, VIC, VNM, TCB, MSN.
Trước đó, theo thống kê từ FiinTrade, trong tuần từ ngày 14-18/08/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 975 tỷ đồng. Trong tuần trước đó từ ngày 07/08-11/08/2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 504 tỷ đồng. Các quỹ ETF nước ngoài rút ròng hơn 206 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và quỹ Premia MSCI Vietnam ETF rút ròng lần lượt gần 176 tỷ đồng và 32 tỷ đồng.
Trong tuần từ 31/7 đến 4/8, các quỹ ETF vào ròng nhẹ không đáng kể. Như vậy, tính từ đầu tháng 8 tới nay, các ETF bị rút ròng 2.500 tỷ đồng.
Trong tháng 7, dòng vốn ETF vẫn rất tích cực. Việt Nam thu hút 16 triệu USD thông qua các quỹ ETF chủ đạo trong tháng 7, gấp đôi so với tháng liền trước và là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á về thu hút dòng vốn. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 254 triệu USD thông qua các quỹ ETF chủ đạo, theo dữ liệu từ Chứng khoán KIS.
Hoạt động của dòng vốn lan rộng trên các quỹ ETFs. Cụ thể, hoạt động của dòng vốn hiện hữu trên 60% ETF tại Việt Nam. Trong đó, 25% quỹ ETFs chịu áp lực rút vốn như Fubon Vietnam (7.2 triệu USD), VFMVN Diamond (2.9 triệu USD), và VNFin Lead (1.9 triệu USD). Tuy nhiên, hơn 35% quỹ ETF nhận được lực cầu. Cụ thể, VanEck Vietnam (14.7 triệu USD) và Kim Growth VN30 (10.5 triệu USD) thu hút dòng vốn ở mức cao. Ngoài ra, hoạt động của dòng vốn cũng xuất hiện trên SSIAM VN30, VFMVN30 ETF, và FTSE Vietnam nhưng ở mức thấp.
Lực cầu trên các quỹ ETFs ngoại dẫn dắt dòng vốn tại Việt Nam trong bảy tháng đầu năm. Mặc dù Việt Nam chịu áp lực rút vốn trong tháng 4 và tháng 5 2023, dòng vốn đã quay trở lại kể từ tháng 6. Trong 7 tháng, 80% quỹ ETFs tại Việt Nam thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, 90% lực cầu tập trung trên các quỹ ETF ngoại, dòng vốn được thu hút chủ yếu bởi VanEck và FTSE Vietnam ETF. Dòng vốn đổ vào Việt Nam được dẫn dắt bởi 15% quỹ ETFs chủ đạo, điều này hàm ý rằng dòng vốn vẫn chưa bền vững.
Đáng chú ý, các ETF đóng góp chủ đạo cho hoạt động hút vốn tại Việt Nam trong năm 2022 như Fubon và VFMVN Diamond lại không nhận được sự quan tâm từ dòng vốn và thậm chí còn chịu áp lực rút vốn. Trong trường hợp này, dòng vốn tại Việt Nam vẫn chưa ổn định và áp lực rút vốn có thể quay trở lại khi hoạt động của dòng vốn chỉ tập trung trên số ít ETFs.