12:15 29/08/2022

Các hãng hàng không đang phải trả chi phí kỷ lục để thuê máy bay

Tường Bách

Tình trạng khan hiếm nguồn cung máy bay đang khiến các hàng hàng không phải trả giá cao hơn để thuê máy bay. Các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, như Air Lease, Avolon và AerCap đang gặt hái được nhiều lợi ích…

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Hỗn loạn có lẽ là những gì đúng nhất để mô tả khung cảnh tại các sân bay lớn từ châu Âu trong những ngày này, khi các du khách phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, hoặc thậm chí bỏ lỡ chuyến bay. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, nơi nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã tăng gần bằng mức trước đại dịch và các chuyến bay cũng đã dần chật kín như hồi năm 2019.

Trong quý 2, 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ đã đạt doanh số 46 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Trong tháng 6, các hãng hàng không ghi nhận số lượng đặt vé du lịch cho thời gian còn lại của mùa hè cao kỷ lục. Giữa bối cảnh ấy, năng lực phục vụ của các hãng hàng không lại có hạn, chi phí để thuê máy bay cũng tăng cao “ngất ngưởng”, kéo theo việc hành khách phải chịu một gánh nặng không nhỏ ngay trong giá vé.

Theo công ty tư vấn hàng không Cirium, hơn 51% trong số gần 23.000 máy bay phản lực bao gồm cả loại 1 và 2 trên thế giới được sở hữu hoặc quản lý bởi các công ty cho thuê máy bay. Trong khi nhiều hãng hàng không có tài chính dồi dào sẽ lựa chọn sở hữu các máy bay của riêng mình, một số khác lựa chọn hình thức đi thuê hoặc kết hợp cả hai.

Có nhiều lý do dẫn đến chi phí thuê máy bay cao hơn hiện tại, bao gồm mức xếp hạng tín dụng yếu các hãng hàng không, nhu cầu bảo tồn tiền mặt thay vì mua máy bay mới, với giá của mỗi chiếc có thể lên đến hơn 100 triệu đô la.

Giá thuê máy bay đang tăng gần bằng hoặc trong một số trường hợp vượt qua cả giá thuê vào năm 2019.
Giá thuê máy bay đang tăng gần bằng hoặc trong một số trường hợp vượt qua cả giá thuê vào năm 2019.

Tất nhiên, chi phí đối với hành khách sử dụng dịch vụ máy bay hiện đang tăng ở hầu hết các thị trường khi các hãng hàng không cũng phải đối mặt với lạm phát tăng mạnh dẫn đến các phí bị tính vào giá vé. Giá thuê máy bay đang tăng gần bằng hoặc trong một số trường hợp vượt qua cả giá thuê vào năm 2019 và dự kiến sẽ còn cao hơn nữa. Giá dầu tăng vọt trong năm nay khiến các loại máy bay mới hơn, tiết kiệm nhiên liệu trở nên hấp dẫn hơn các máy bay cũ và lãi suất cao hơn cũng có thể làm tăng giá thuê.

Theo ước tính của công ty tư vấn hàng không IBA Group, giá thuê một chiếc Boeing 737 Max mới đã tăng hơn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 7 năm nay lên 316.000 USD/tháng. Chiếc Airbus A320neo cũng đã tăng lên mức 324.000 USD/tháng, tăng hơn 14% so với tháng 4/2020 và là mức giá cao nhất kể từ trước đại dịch. Với máy bay cỡ lớn hơn như A321neo, giá thuê cũng ở ngưỡng 375.000 USD/tháng vào tháng 7 vừa qua.

Theo CNBC, lãnh đạo các công ty cho thuê máy bay tiết lộ rằng nhiều khách hàng của họ đang gia hạn hợp đồng thuê những chiếc máy bay mới, vốn rất khó tìm. Steven Udvar-Hazy, Chủ tịch điều hành của Công ty cho thuê máy bay Air Lease, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), cho biết tỷ lệ gia hạn hợp đồng thuê của khách hàng đạt 90%, mức cao chưa từng thấy trước đây vì tỷ lệ này thường chỉ dao động trong khoảng 65%  - 75%.

Ông Udvar-Hazy cho biết: “Từ một năm trước chúng tôi đã nhận thấy khả năng mở rộng thị trường cho thuê máy bay, và việc chúng tôi cần làm là thiết lập lại thị trường, điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ không phải lo lắng về các chi phí chuyển đổi và điều đó sẽ mang lại một nguồn thu nhập ổn định”. Xu hướng này là kết quả của sự phục hồi việc đặt vé máy bay trở lại trong khi cả Boeing và Airbus vẫn chưa thể tăng cường sản xuất nhiều như họ mong muốn bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng sau khi đại dịch tạm lắng.

Nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã tăng gần bằng mức trước đại dịch và các chuyến bay cũng đã dần chật kín như hồi năm 2019.
Nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã tăng gần bằng mức trước đại dịch và các chuyến bay cũng đã dần chật kín như hồi năm 2019.

Andy Cronin, Giám đốc điều hành Avolon có trụ sở tại Dublin, cho biết: “Hiện tại, các hãng bay đều đang kỳ vọng việc triển khai nhiều máy bay hơn, và điều đó khiến chúng tôi chắn chắn rằng sự thiếu hụt nguồn cung máy bay cũng như nhu cầu thuê tăng nhanh hơn so với những gì mà chúng tôi mong đợi ở thời điểm này”. Cronin cho biết giá thuê Boeing Maxes và Airbus A320neos đã tăng 10% -15% trong năm nay.

Trước đó, hồi tháng 5, hơn 400 máy bay cho thuê trị giá gần 10 tỉ đô la đã bị mắc kẹt ở Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đã trả đũa bằng cách cho phép các hãng bay trong nước giữ lại tài sản của hãng cho thuê và đăng bạ với chính quyền địa phương. Các hãng cho thuê lâm vào thế khó: hoặc vác đơn đi đòi bồi thường từ các hãng bảo hiểm hoặc xóa giá trị của những máy bay này trên sổ sách. Hệ quả là các hãng cho thuê lỗ nặng trong quý 1 khi phải xóa đi món tiền khổng lồ đang bị “cầm giữ” ở Nga.

“Nhiều thập niên chung sống trong nền kinh tế thời bình đã giúp hàng không toàn cầu phát triển và thịnh vượng, đặc biệt là dịch vụ cho thuê máy bay. Cuộc chiến ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt của quốc tế đã khiến mọi thứ trong tương lai rất khó dự đoán”, CEO Mike Inglese của Aircastle phát biểu trong một buổi họp báo về vấn đề này.