10:25 16/05/2023

Các hãng hàng không tập trung đưa sự xa xỉ lên bầu trời

Tường Bách

Các chi phí liên quan đến ghế hạng nhất rất đắt đỏ. Trung bình thực phẩm ở khoang hạng nhất đắt hơn 20 lần so với các bữa ăn phổ thông, theo cuốn sách "Bí mật đằng sau thực đơn hàng không" của Mike Arnot...

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Với nhiều hãng hàng không, khoang hạng nhất luôn có một tuyệt chiêu nào đó để thu hút nhóm khách siêu giàu. Chẳng hạn Singapore Airlines khoang hạng nhất sẽ có giường đôi cho khách, Cathay Pacific Airways (Hong Kong), ANA (Nhật)… thì phòng chờ cho khách hạng nhất được thiết kế như một căn hộ riêng… Nhưng xét về sự xa xỉ thì có vẻ hai hãng hàng không đều của Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE) là Emirates (Dubai) và Etihad Airways (Abu Dhabi) đang dẫn đầu, thậm chí còn so kè nhau về khoản mang cả phòng tắm lên máy bay.

Emirates là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ phòng tắm trên các chuyến bay tầm xa của mình. Số lượng khoang hạng nhất phụ thuộc vào từng loại máy bay khác nhau. Đối với máy bay A380 - có 14 khoang hạng nhất, một chiếc Boeing 777-300ER có thể có 8 khoang hạng nhất và mỗi chiếc máy bay có khoang hạng nhất sẽ được thiết kế 2 phòng tắm. Theo các chuyên gia, để có cải tiến quan trọng và xa xỉ này, máy bay sẽ phải mang thêm 500 lít nước. Khi khách vào sử dụng, nước sẽ chảy trong vòng 5 phút và mỗi hành khách có 20 phút dùng phòng tắm của máy bay.

Theo CNTraveler, nằm ở vị trí phía trước của máy bay Airbus A380, khoang hạng nhất của hãng hàng không Etihad Airways (Abu Dhabi) được ví như một căn hộ. Tại đây có ghế ngồi và giường riêng, đủ rộng để làm việc, dùng bữa và thậm chí tập thể dục một cách thoải mái. Hệ thống tường di động có thể được thu lại để tạo ra một không gian rộng rãi gấp đôi dành cho hai người. Cabin hạng nhất cũng được trang bị phòng tắm riêng với vòi sen để hành khách trải nghiệm cảm giác thư giãn ở độ cao 12.000m. 

Emirates là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ phòng tắm trên các chuyến bay tầm xa của mình...
Emirates là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ phòng tắm trên các chuyến bay tầm xa của mình...
... và Etihad Airways là hãng bay thứ hai trang bị phòng tắm riêng với vòi sen.
... và Etihad Airways là hãng bay thứ hai trang bị phòng tắm riêng với vòi sen.

Không chịu thua kém, Singapore Airlines hay Etihad đã đưa sự xa xỉ thường thấy trên các khoang hạng nhất lên một tầm cao mới. Cụ thể, khách hàng bay hạng nhất của Singapore Airlines sẽ bắt đầu với phòng chờ có tên "Phòng Riêng tư" tại sân bay. Trên máy bay, có bàn làm việc và giường ngủ riêng. Hành khách có thể điều khiển mọi thứ từ bật - tắt đèn, thay đổi ánh sáng đèn, giải trí qua máy tính bảng và trên màn hình TV 32 inch. Một điểm đặc biệt nữa là các cabin hạng nhất của Singapore Airlines có thể được thông với nhau tạo thành một không gian rộng gần 10 mét vuông, như một cung điện trên không.

Có thể nói, các khoang hạng nhất ngày càng giống phòng khách sạn hạng sang. Hoạt động đầu tư để đưa các dịch vụ xa xỉ lên bầu trời đã diễn ra bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi phí sinh hoạt bị siết chặt. Các hãng hàng không đang hi vọng rằng có đủ người sẵn sàng vung tiền để bay theo phong cách mới sau một thời gian dài dịch Covid-19 khiến công chúng bị hạn chế cơ hội đi du lịch.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính rằng các hãng hàng không đã thiệt hại khoảng 200 tỷ USD trong 3 năm qua do hệ lụy chưa từng có của dịch Covid-19. Họ rất cần thu lại một phần lỗ đó và khoang hạng nhất đã trở thành một mỏ vàng tiềm năng. Theo IATA, du lịch cao cấp, bao gồm cả hạng thương gia, đã phục hồi được tới 86% mức của năm 2019, trong khi tổng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, bao gồm cả hạng phổ thông, ở mức 81%.

Singapore Airlines đã đưa sự xa xỉ thường thấy trên các khoang hạng nhất lên một tầm cao mới.
Singapore Airlines đã đưa sự xa xỉ thường thấy trên các khoang hạng nhất lên một tầm cao mới.

Và ngay cả khi giá vé hạng nhất cao hơn gấp 10 lần so với hạng phổ thông tiêu chuẩn, nhu cầu vẫn có. Vẫn có người trả đặt chỗ bằng tiền mặt hoặc hiện là cơ hội hiếm có để họ sử dụng hết số dặm bay tích lũy trong thời kỳ đại dịch. Giám đốc điều hành hãng Deutsche Lufthansa Carsten Spohr chia sẻ với các nhà đầu tư vào tuần trước: "Khách du lịch giải trí vẫn tiếp tục đặt các chuyến bay hạng thương gia hoặc hạng nhất". Hãng hàng không Đức đang đầu tư 2,7 tỷ USD trong vòng 2 năm để cải tiến máy bay đường dài theo chương trình Lufthansa Allegris. Qantas Airways cũng giới thiệu khoang hạng nhất mới sang trọng – nơi thường nằm ngoài tầm với của hành khách bình thường.

Trong khi đó, những chiếc Boeing 787 và Airbus A350 mới nhất của Lufthansa sẽ có hai dãy phòng đơn ở khoang hạng nhất cũng như một dãy phòng đôi có tên là Suite Plus có đủ cho một vài khách. Những hạng phòng này có tường cao đến trần, cửa có thể đóng được và sẽ được ra mắt vào năm 2024. Là một phần của cuộc cải tổ đội bay, hạng thương gia của Lufthansa cũng sẽ có các dãy phòng với tường cao ngang ngực và cửa trượt.

Giá vé dường như không phải là điều những khách hàng giàu có quan tâm. Một chuyến bay khứ hồi Sydney-Los Angeles ở khoang hạng nhất của Qantas có giá gần 18.000 USD, trong khi chuyến bay Frankfurt-Tokyo của Lufthansa là khoảng 15.000 USD. Con số đó vẫn thấp hơn đáng kể so với những gì mà một số khách du lịch cực kỳ giàu có bỏ ra để mua máy bay phản lực tư nhân.

Những chiếc Boeing 787 và Airbus A350 mới nhất của Lufthansa sẽ có hai dãy phòng đơn ở khoang hạng nhất.
Những chiếc Boeing 787 và Airbus A350 mới nhất của Lufthansa sẽ có hai dãy phòng đơn ở khoang hạng nhất.

“Ăn theo” sự xa xỉ của các hãng hàng không, Bijoux là một dịch vụ ăn uống được điều hành bởi Rachid Benboudy, chuyên cung cấp suất ăn dành riêng cho các chuyên cơ. Benboudy từng là một đầu bếp có tay nghề, làm việc tại nhiều nhà hàng 2, 3 sao Michelin tại Mỹ và Pháp. Do đó, thực đơn VIP mà Benboudy làm cho các chuyến bay bằng chuyên cơ trông chẳng khác nào một bữa ăn 3 sao Michelin, với các món sườn bò wagyu, đùi vịt om hẹ tây và sinh tố có giá 220 USD.

Một bữa trưa khác mà Benboudy phục vụ trên máy bay riêng có thể bao gồm: bánh sandwich tôm hùm, khoai tây nướng kèm nấm truffle, tôm càng biển đỏ, sò điệp Pháp với rượu sâm banh sabayon, phi lê bò tái, nấm truffle đen từ Périgold, bánh mì mini và những bông hồng bơ nhỏ xinh. Chất lượng của các món ăn đó phải nói là tuyệt hảo - xứng đáng với giá tiền 1.000 USD mà khách hàng phải bỏ ra.

Mức giá này còn cao hơn nhiều so với số tiền mà các hãng hàng không thương mại bỏ ra để phục vụ cho toàn bộ khách hạng thương gia và hạng phổ thông của mình. Một bữa ăn hạng nhất trên các chuyến bay thương mại thường có giá khoảng 28 USD.