Các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam
Số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam giảm so với năm 2019, lần lượt giảm 14,2% và 27,8%
Mặc dù tình hình an ninh mạng vẫn diễn ra phức tạp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và môi trường học tập làm việc trực tuyến, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực về an ninh mạng.
SỐ LƯỢNG CÁC MỐI ĐE DOẠ TRỰC TUYẾN GIẢM
Các nghiên cứu gần đây đã ghi nhận, số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến, an ninh website của Việt Nam trong năm qua đã có những bước cải thiện, giảm đáng kể so với năm trước.
Số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam giảm so với năm 2019, lần lượt giảm 14,2% và 27,8%. Theo báo cáo mới nhất từ Kaspersky Security Network công bố ngày 9/3, trong giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, đã phát hiện 64.354.130 các mối đe dọa mạng khác nhau tại Việt Nam. Số liệu này năm 2019 là 75.004.388. Tỷ lệ người dùng tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa mạng trong năm 2020 là 39,1%, tương ứng vị trí thứ 19 trên toàn cầu năm 2020, giảm 2 bậc so với năm 2019.
Trong năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 268.515.947 sự cố ngoại tuyến (ngắt mạng, không kết nối). So với cùng kỳ năm 2019, số lượng này đã giảm từ 371,979,051 sự cố, tương ứng khoảng 27,8%. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 64,6% người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa ngoại tuyến, tương ứng với vị trí thứ 8 trên thế giới về các mối nguy hiểm liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD và DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số lượng mối đe dọa ngoại tuyến.
Trong số các quốc gia trong khu vực, Singapore là nước có số lượng sự cố ngoại tuyến thấp nhất trong năm 2020 với 4.414.623 mối đe dọa. Malaysia và Philippines có số lượng mối đe dọa mạng cao với lần lượt 48.751.943 và 44.420.695 mối đe dọa. Chia sẻ về thực trạng này, các chuyên gia nghiên cứu cho biết, trong năm qua đã ghi nhận nhiều sự cố lừa đảo và thủ pháp kỹ thuật xã hội nhắm vào tâm lý người dùng để đánh cắp tiền bạc hoặc thông tin của họ; trong đó, phần lớn đã lợi dụng bối cảnh Covid-19 để trục lợi.
Cùng nhận định này, trong năm qua, theo ghi nhận của Công ty an toàn thông tin CyStack, Việt Nam đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh website so với năm ngoái. Cụ thể, số cuộc tấn công trong 3 quý đầu năm 2020 giảm tới 64,8% so với cùng kỳ năm 2019, từ 8.418 về mức 3.041 vụ. Số liệu thống kê cho thấy xu hướng các vụ tấn công tại Việt Nam và toàn cầu có xu hướng giảm. Ngược lại, số vụ tấn công website tại châu Á tăng nhẹ ở mức 4,1%.
Báo cáo của CyStack cũng chỉ rõ trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đứng thứ 18 trên bản đồ tấn công website toàn cầu. Xét trong 5 quý gần nhất, Việt Nam đã cải thiện đáng kể an ninh mạng website, đặc biệt là quý I năm 2020 với chỉ 838 vụ và xếp thứ 19 trên thế giới. Số lượng cuộc tấn công website tại Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ vào quý II và quý III lần lượt là 27,3% và 7,5% so với quý trước đó. Tính trung bình mỗi ngày có 10 vụ tấn công website tại Việt Nam. Trong số các web, 85% các trang web bị hack tại Việt Nam sử dụng tên miền .com và .vn. Ngoài ra, các tên miền phổ biến khác bao gồm .net, .info, .top, .org.
TỘI PHẠM MẠNG KHÔNG BAO GIỜ "NGỦ"
Từ những con số giảm tích cực ghi nhận được, các chuyên gia đánh giá, kết quả này cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam nhằm tạo ra không gian mạng an toàn trong bối cảnh số lượng người dân phải làm việc ở nhà tăng cao vì đại dịch Covid-19. Nhờ thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tấn công mạng, Việt Nam đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh website so với năm 2019.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky Đông Nam Á nhận định, bất chấp tình hình đầy thách thức do đại dịch gây ra, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực về an ninh mạng nhờ nỗ lực phối hợp của Chính phủ và các đối tác tư nhân trong chiến dịch "Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020" do Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp; cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chiến dịch hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, và giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến và không còn nằm trong báo cáo của các hãng bảo mật, công nghệ thông tin lớn trên thế giới về tỉ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định.
Theo số liệu thực tế, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong Danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn. Chiến dịch này triển khai chủ yếu phục vụ khối doanh nghiệp tư nhân và hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình, nhóm đối tượng này chiếm phần lớn số lượng địa chỉ IP trên. Nhờ chiến dịch, số lượng IP Botnet đã giảm gần một nửa. Và trong số hơn 1,2 triệu máy tính đã được quét, phát hiện hơn 400.000 trong số đó bị nhiễm phần mềm độc hại.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đã tiếp tục được đẩy mạnh. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ghi nhận 326 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 1/2021, tăng 3,49% so với tháng 12/2020 và tăng 15,19% so với cùng kỳ tháng 1/2020. Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo để người dùng biết và phòng tránh.
Khi khu vực công trong nước tiếp tục nỗ lực hướng tới xây dựng một không gian mạng an toàn hơn, ông Yeo Siang Tiong cho rằng, các cá nhân và doanh nghiệp vẫn cần ghi nhớ rằng tội phạm mạng không bao giờ ngủ. Do đó, hệ thống phòng thủ trực tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp phải được tự động hóa, chủ động và hoạt động dựa trên thông tin tình báo.
Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thói quen học tập, làm việc từ xa, trao đổi thông tin qua mạng tiếp tục được duy trì và ngày càng phổ biến hơn. Điều này được các chuyên gia an ninh mạng dự báo sẽ "thúc đẩy" các hoạt động phạm tội của tin tặc, kéo theo các vụ tấn công người dùng và an ninh mạng năm 2021. Vì vậy, người dùng cần cảnh giác, đề phòng các đe dọa tấn công mạng.
Theo các chuyên gia an ninh mạng Bkav, cùng với tấn công giao dịch trên điện thoại tiếp tục diễn ra, lừa đảo trên Facebook có thể gia tăng thì mã độc tàng hình, mã độc mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp theo dõi người dùng và đánh cắp thông tin sẽ là những loại mã độc hoành hành trong năm 2021.