10:12 04/04/2025

Các nhà đầu tư nước ngoài nói gì về thuế suất 46% Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam?

Thu Minh

Hầu hết các quỹ ngoại đều cho rằng mức thuế này vượt ngoài dự báo và kỳ vọng, một số khác cho rằng Mỹ dường như đang bất công với Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rạng sáng ngày 03/04/2025 (giờ Việt Nam), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.

Theo phân tích của VinaCapital, việc áp dụng mức thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam. Thị trường trước đó đều kỳ vọng mức thuế đối ứng chỉ 10% cho Việt Nam và VinaCapital thậm chí còn dự báo ở mức thấp hơn vì nhiều lý do, trong đó việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ, và những vấn đề kinh tế mà mức thuế này gây ra nếu được áp dụng có thể tạo ra rắc rồi cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới do lạm phát chắc chắn sẽ gia tăng.

Mức thuế 46% được đưa ra dựa trên đánh giá của Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) cho rằng Việt Nam đang áp mức thuế 90% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Con số này sau đó được giảm một nửa để ra mức thuế "đối ứng" cuối cùng là 46% đối với Việt Nam, theo công thức có thể tìm thấy trên trang web của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), trong đó có ước tính về độ co giãn giá của hàng nhập khẩu từ Mỹ và mức độ tác động của thuế quan đến giá tiêu dùng.

Đây cũng là phương pháp mà quỹ sử dụng để ước tính tác động dự kiến đến tăng trưởng GDP của Việt Nam do thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, vào ngày 01/04/2025, USTR đã công bố báo cáo đánh giá về chính sách thương mại, rào cản thương mại cũng như phi thuế quan... của gần 60 quốc gia, trong đó khẳng định rằng "phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế từ 15% trở xuống."

Ngoài ra, phân tích từ Bloomberg và các nguồn đáng tin cậy khác cũng cho rằng thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa từ Mỹ chỉ cao hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên hàng hóa từ Việt Nam - và mức chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa hai nước là tương đương nhau nếu tính tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu theo hàng hóa làm trọng số.

Phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng cho rằng mức thuế đối ứng 46% sáng nay chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này.

"Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25% - và điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay", quỹ này nhấn mạnh.

Nguồn: Dragon Capital.
Nguồn: Dragon Capital.

Các chuyên gia phân tích của Dragon Capital cũng cho rằng mức thuế vượt kỳ vọng của Dragon Capital. Chuyên gia của Dragon Capital cũng đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1 dưới chính sách thương mại quyết liệt từ Tổng thống Trump tăng trưởng GDP 6,5-7,5%. Kịch bản 2 nếu trong tương lai đàm phán có chính sách thuế quan mềm mại hơn tăng trưởng GDP có thể đi theo mục tiêu của Chính phủ là từ 7,5-9%.

Kịch bản xấu nhất là thuế suất 46%, tác động đến GDP từ 1,4-2%. Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đàm phán đưa mức thuế suất về 15-25%.

Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite nhấn mạnh rằng thuế quan của Mỹ dường như rất bất công với Việt Nam. Mức thuế này sẽ có tác động tiêu cực lớn đến xuất khẩu của Việt Nam, vốn 30% là sang thị trường Hoa Kỳ. Pyn Elite dự báo tổng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm trong năm nay do cả thuế quan và nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái. Các chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ phải được điều chỉnh giảm mạnh.

"Mức thuế quan của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ trung bình dưới 10%, nhưng Hoa Kỳ không áp dụng nguyên tắc đối ứng khi đặt ra các mức thuế của riêng mình. Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế 46% đối với Việt Nam, và việc tính toán này dựa trên tỷ lệ cân bằng thương mại giữa hai quốc gia và con số phần trăm thu được từ đó. Điều này cũng làm cho việc đàm phán trở nên khó khăn, vì vậy giải pháp cho tình huống này có vẻ như vô vọng", ông Petri Deryng nói. 

Trong khi đó, ở góc nhìn lạc quan hơn, Mirae Asset suy trì quan điểm lạc quan rằng Việt Nam sẽ thành công phần nào trong việc hạn chế tác động của thuế quan về mức tối thiểu (10%), nhằm hướng đến kịch bản cân bằng lợi ích giữa các bên.