Các nhà sản xuất phải nhanh chóng chuyển đổi số để nắm bắt đầy đủ các cơ hội kinh doanh mới
Mặc dù Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong hành trình chuyển đổi số nhưng rõ ràng vẫn còn một số khoảng trống cần phải thu hẹp. Với nền kinh tế đang phát triển, điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để nắm bắt các cơ hội kinh doanh rộng lớn toàn cầu...
Đưa ra nhận xét này, ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách Bán hàng khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Kênh khu vực APJeC, Zebra Technologies nhấn mạnh, thách thức chính cản trở các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng rãi chính là nhận thức sai lầm khi cho rằng: áp dụng công nghệ đồng nghĩa với việc phải đầu tư nhiều vốn ban đầu. Thực tế có nhiều giai đoạn chuyển đổi số và mỗi giai đoạn yêu cầu một loại công nghệ khác nhau. Điều quan trọng, doanh nghiệp cần chọn đúng điểm để bắt đầu.
Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất thiết yếu trong khu vực bằng cách thu hút nhiều nhà đầu tư mới trên các lĩnh vực. Những cơ hội mới nào đã mở ra cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu? Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này thế nào, thưa ông?
Hơn một thập kỷ qua, ngành sản xuất ở Việt Nam là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của đất nước. Năm 2023, lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 24% GDP của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong cân bằng thương mại, thu hút đáng kể vốn đầu tư FDI.
Mặc dù Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là lựa chọn hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng đi cùng với đó là nhiều thách thức mới.
Sức hấp dẫn của quốc gia này bắt nguồn từ nhiều lợi ích thương mại mà Việt Nam đã thiết lập gần đây, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do với các đối tác toàn cầu. Các hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, ủng hộ việc giảm thuế thương mại, cũng là một phần của sự kết hợp này.
Tuy nhiên, những rào cản lạm phát, các vấn đề địa chính trị, triển vọng kinh tế ảm đạm với một số đối tác thương mại của Việt Nam và áp lực phải theo kịp tiến bộ công nghệ trong sản xuất có thể làm giảm lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam.
Do đó, để tiếp tục duy trì sự phù hợp và cạnh tranh trong môi trường đầy thách thức, tôi cho rằng các nhà sản xuất cần phải tự chuyển đổi số để đạt được năng suất và hiệu quả cao hơn.
Ông đánh giá thế nào về mức độ chuyển đổi số, ứng dụng tự động hóa của các nhà sản xuất Việt Nam hiện nay?
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 46 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) năm 2023, cải thiện hai bậc so với năm ngoái. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia đã tăng 48% trong ba năm, từ 0,48 năm 2020 lên 0,71 vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 0,75 vào cuối năm nay.
Mặc dù Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong hành trình chuyển đổi số nhưng theo tôi, vẫn còn một số khoảng trống cần phải thu hẹp trước khi khẳng định mọi nhà sản xuất đã thực sự chuyển đổi số.
Cần chú ý, có nhiều giai đoạn chuyển đổi số, từ áp dụng mã vạch, máy quét và máy tính di động cơ bản đến các giải pháp tiên tiến và phức tạp hơn như RFID. Thực tế, không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả mô hình kinh doanh và điều này phụ thuộc vào giai đoạn tự động hóa mà doanh nghiệp đang triển khai. Đương nhiên, các giải pháp tiên tiến sẽ đòi hỏi đầu tư lớn hơn. Đây là yếu tố cản trở các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận công nghệ nhanh chóng.
Do đó, điều quan trọng là các nhà sản xuất phải nhận thức rõ tư duy “nghĩ lớn và bắt đầu nhỏ”. Bằng cách trang bị công nghệ phù hợp, các doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất thông qua tăng hiệu quả, độ chính xác cao hơn và tiết kiệm chi phí, từ đó mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn.
Theo ông đâu là vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đang gặp phải trong hiện đại hóa và tự động hóa hoạt động quản lý?
Thách thức chính cản trở các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện chuyển đổi số một cách rộng rãi chính là nhận thức sai lầm khi cho rằng áp dụng công nghệ đồng nghĩa phải đầu tư nhiều vốn ban đầu. Có nhiều giai đoạn chuyển đổi số và mỗi giai đoạn yêu cầu công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là các giải pháp có thể được mở rộng quy mô linh hoạt khi kinh doanh phát triển. Vì vậy, chúng ta cần chọn đúng điểm để bắt đầu.
Những vấn đề khác như danh tiếng của nhà cung cấp, dịch vụ hỗ trợ hậu mãi khi thiết bị ngừng hoạt động, tính bảo mật và hỗ trợ bản vá; đặc biệt là tính dễ sử dụng. Ví dụ nếu thiết bị chạy trên Hệ điều hành Android, điều đó sẽ giảm thời gian cài đặt không cần thiết, cải thiện đáng kể Tỷ suất hoàn vốn (ROI) vì nhân viên sẽ sớm bắt nhịp và sử dụng công nghệ mới dễ dàng hơn.
Là đơn vị tiên phong về công nghệ in, quét mã vạch, RFID, định vị và kiểm kho, Zebra có giải pháp hỗ trợ gì để đồng hành cùng các nhà sản xuất trong nỗ lực đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất toàn cầu?
Zebra đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp tuyến đầu, gồm cả các nhà sản xuất trong hơn 50 năm qua. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với hơn 10.000 đối tác trên 185 quốc gia để hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng trước khi cung cấp các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu.
Chúng tôi tái đầu tư tới 10% doanh thu hàng năm cho R&D (519 triệu USD năm 2023) và đã mở rộng danh mục sản phẩm thông qua các thương vụ mua lại chiến lược những năm gần đây.
Zebra hợp tác chặt chẽ với mạng lưới đối tác kênh rộng khắp của mình để cung cấp các giải pháp phù hợp với ngành để hóa giải những thách thức mà khách hàng đối mặt.
Các giải pháp công nghệ cho ngành sản xuất của Zebra có thể cung cấp cho các nhà sản xuất khả năng hiển thị thông tin tốt hơn để đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát, mang lại độ chính xác cao hơn, tiết kiệm chi phí và kết quả kinh doanh tổng thể tốt hơn.
Bằng cách áp dụng các giải pháp từ Zebra, các nhà sản xuất Việt Nam có thể hợp lý hóa hoạt động, tối ưu hóa quy trình làm việc, cải thiện kết quả kinh doanh.
Với nền kinh tế đang phát triển, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để nắm bắt các cơ hội kinh doanh rộng lớn trên trường quốc tế.