07:56 08/10/2015

Các nước đua nhau “xả” trái phiếu kho bạc Mỹ

Diệp Vũ

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đặc biệt đẩy mạnh bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ

Một người công nhân đẩy xe qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Một người công nhân đẩy xe qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: EPA/WSJ.<br>
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ với tốc độ mạnh nhất từ trước đến nay, theo tờ Wall Street Journal.

Tờ báo này nói rằng, đây được xem là sự dịch chuyển mạnh mẽ nhất trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 12,8 nghìn tỷ USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Việc Trung Quốc, Nga, Brazil và Đài Loan đồng loạt bán ròng nợ Mỹ là tín hiệu mới nhất về sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi. Sự giảm tốc này đang đe dọa tác động tới nền kinh tế Mỹ.

Trước đây, 4 nền kinh tế này đều là khách mua nợ chính phủ Mỹ với khối lượng lớn.

Ông Torsten Slok chuyên gia kinh tế trưởng công ty Deutsche Bank Securities cho biết, trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 7 năm nay, mức bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ trước ngày đáo hạn từ một năm trở lên của các ngân hàng trung ương đạt 123 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi vào năm 1978.

Trong vòng một năm trước đó, các ngân hàng trung ương nước ngoài mua ròng 27 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ.

Trong vòng một thập kỷ qua, thặng dư thương mại lớn hoặc nguồn tiền từ xuất khẩu hàng hóa cơ bản cho phép nhiều nền kinh tế mới nổi tích lũy dự trữ ngoại hối lớn. Nhiều nước trong số này mua nợ Mỹ để dự trữ bởi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ là thị trường có độ thanh khoản cao nhất và đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Trong vòng một năm tính đến tháng 1/2013, các ngân hàng trung ương nước ngoài mua ròng tới 230 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tuy vậy, khi tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm và đồng USD tăng giá do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất, các dòng vốn đã chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, buộc một số ngân hàng trung ương phải tung ngoại tệ để mua vào đồng nội tệ. Trong trường hợp đó, bán ra trái phiếu Mỹ là một lựa chọn.
                          
Trong mấy tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đặc biệt đẩy mạnh bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ.

Sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ đầy bất ngờ hôm 11/8, Trung Quốc đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá nội tệ sụt giảm quá sâu. Theo một số nguồn tin nội bộ, PBoC đã chi khoảng 120-130 tỷ USD trong tháng 8 để giữ giá Nhân dân tệ.

Còn theo số liệu chính thức, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 43 tỷ USD trong tháng 9, xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, sau khi giảm kỷ lục gần 94 tỷ USD trong tháng 8. Điều này cho thấy Trung Quốc đã liên tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối để đỡ tỷ giá đồng nội tệ.

Trung Quốc không phải là nền kinh tế duy nhất bán ròng nợ Mỹ. Mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Nga đã giảm 32,8 tỷ USD trong vòng 1 năm tính đến tháng 7 năm nay, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ. Mức nắm giữ của Đài Loan cũng giảm 6,8 tỷ USD. Na Uy, quốc gia phát triển chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm, bán ròng 18,3 tỷ USD nợ Mỹ trong khoảng thời gian trên.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, những nước nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lâu năm như Trung Quốc sẽ không bán ra tài sản này tới mức gây gián đoạn thị trường.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua nợ Mỹ của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài vẫn đang mạnh. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7 năm nay, nhóm này mua trái phiếu kho bạc Mỹ với tốc độ mạnh nhất trong hơn 3 năm.