Các thắng tích đặc biệt quốc gia chuẩn bị lễ hội sau 3 năm gián đoạn
Sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh, năm 2023, hàng loạt di tích cấp đặc bệt quốc gia đang chuẩn bị tổ chức lễ hội trở lại với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân…
Cùng với Lễ hội Yên Tử, thì lễ hội Xuân Tây Yên Tử luôn được nhiều du khách mong chờ trong những năm gần đây, bởi được khám phá nhiều bí ẩn lịch sử trên sườn núi Yên Tử. Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng năm Quý Mão) tại các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.
DU KHÁCH MONG CHỜ LỄ HỘI TÂY YÊN TỬ
Lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần lễ Văn hoá - Du lịch tỉnh Bắc Giang có nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như: Trưng bày chuyên đề “Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử - Di vật từ lòng đất”; lễ rước bộ mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” lên chùa Thượng; Hội Báo Xuân và trưng bày ảnh đẹp về các thành tựu KT-XH; giải vô địch kéo co, đẩy gậy tỉnh…
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết cùng với việc phối hợp tổ chức Lễ hội Xuân Tây Yên Tử, huyện Sơn Động cũng chủ trì tổ chức nhiều sự kiện như: Hội trại văn hóa - du lịch huyện; hội thi vẽ tranh về Tây Yên Tử; trưng bày sản phẩm OCOP, đặc trưng của các địa phương trong tỉnh và giải chạy marathon chinh phục đỉnh thiêng Tây Yên Tử.
"Xác định công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông góp phần quan trọng đến thành công của lễ hội, Công an huyện Sơn Động huy động hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ, duy trì gần 30 tổ công tác với nhiệm vụ cụ thể".
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Ngoài thành lập 4 tiểu ban triển khai các nội dung, UBND huyện giao cụ thể từng nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương.
Phần lễ và phần hội được chú trọng, đặc biệt, huyện Sơn Động đã yêu cầu 100% xã, thị trấn có tiết mục tham gia vào các chương trình văn nghệ, biểu diễn tại các hoạt động lễ hội, trong đó khuyến khích các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Được xác định là điểm nhấn đáng chú ý tại lễ hội, 17 xã, thị trấn cũng đang tập trung cao làm cổng trại, tường rào xung quanh trại và trang trí, trưng bày nội dung văn hóa truyền thống theo bản sắc dân tộc vùng miền.
Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Sơn Động, cho biết để tạo điểm nhấn, chúng tôi sẽ thiết kế, làm 17 trại chính cùng các gian trại phụ cho 17 xã, thị trấn. Tại các trại, mỗi địa phương sẽ trưng bày hiện vật, trình diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm nét truyền thống độc đáo của địa phương”,
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc điều hành Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Công ty dành hơn 1 tỷ đồng để chỉnh trang, tạo điểm nhấn thu hút du khách; bố trí 2 tỷ đồng chuẩn bị sân khấu cũng như các điều kiện tổ chức. Doanh nghiệp mở rộng khu vực bãi đỗ xe ô tô lên gấp đôi, bảo đảm chỗ đỗ cho khoảng 2 nghìn ô tô cùng lúc.
“Để có thể tiếp đón nhiều đoàn khách, chúng tôi vừa tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ, công nhân đang làm việc tại đây và tăng cường thêm gần 10 hướng dẫn viên du lịch. Theo dự kiến đến trung tuần tháng 1/2023, công tác chuẩn bị hoàn tất, bảo đảm đủ điều kiện đón 10 nghìn lượt khách/ngày”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
NHIỀU NÉT MỚI Ở LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vừa hoàn thành việc triển khai kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023.
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho biết Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn trong 3 tháng, từ ngày 23/1/2023 đến 23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Lễ khai hội sẽ diễn ra vào ngày 27/1/2023, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão.
"Điểm nổi bật của lễ hội Chùa Hương năm 2023 là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan lễ hội từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội".
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo ông Cảnh, Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2023 sẽ có nhiều đổi mới để đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Năm nay, Ban tổ chức sẽ thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan vẻ đẹp của xã Hương Sơn. Huyện Mỹ Đức cũng chú trọng công tác quảng bá hình ảnh Chùa Hương thân thiện, mến khách. Người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp.
“Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên dòng Suối Yến được quan tâm. Kiên quyết xử lý hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của Ban Tổ chức lễ hội, các tuyến đường phải thông thoáng, an toàn, xanh sạch, đẹp.
Cùng với đó, xã Hương Sơn rà soát các cửa hàng kinh doanh, khách sạn, bãi đỗ xe bảo đảm tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối về phòng, chống cháy nổ. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”, ông Đặng Văn Cảnh khẳng định.
Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cũng đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành; thông qua quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tiểu ban. Cùng với đó, yêu cầu các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo xong trước ngày 11/1/2023.
NAM ĐỊNH: NHIỀU NGHI THỨC ĐẶC SẮC TẠI LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN
Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định cho hay Lễ hội Đền Trần 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão).
Lễ hội có nhiều hoạt động như. Cụ thể, ngày 11 tháng Giêng tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa tháp Phổ Minh, nơi tương truyền chứa một phần xá lị của Phật Hoàng) sang đền Trần với ý nghĩa để Ngài bái yết tổ tiên thủy tổ nhà Trần, chứng lễ ban Ấn.
Ngày 12 tháng Giêng là Lễ rước Nước - tế Cá nhắc nhớ nguồn cội thuyền chài sông nước của thủy tổ họ Trần. Vào đêm khai Ấn (ngày 14 tháng Giêng), từ 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 40 bắt đầu diễn ra nghi lễ dâng hương các vị vua Trần, do UBND TP.Nam Định chủ trì. Sau đó là lễ rước kiệu Ấn từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường và đặt kiệu trước ban thờ Trung Thiên.
Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23 giờ 15 với 14 cụ cao niên P.Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai Ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá Ấn này sau đó được dâng lên các đền: Thiên Trường, đền Cổ Trạch, đền trùng Hoa, chùa Phổ Minh, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường đình và lưu tại hòm đựng Ấn nhà đền.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23 giờ 55 cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày rằm tháng giêng bắt đầu phát “lộc Ấn” cho nhân dân và du khách thập phương. Ngày 15 tháng Giêng thực hiện lễ hồi kiệu Ấn về đền Cố Trạch. Ngày 16 tháng Giêng Tế, lễ tiết Thượng nguyên Tế tiên Tổ Triều nhà Trần.
Bà Nguyễn Thị Như cũng cho biết thêm: Sau 3 năm không tổ chức, Lễ Khai Ấn năm nay diễn ra vào thứ 7 nên Ban tổ chức dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận Ấn. Lượng Ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu Xuân.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Như, lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai Ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.