19:17 11/05/2023

Sạt lở bờ biển trong 10 năm qua đã khiến Cà Mau mất đi diện tích tương đương một xã

Chu Khôi

Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở bờ biển trong 10 năm qua đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250 ha; sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26 km lộ giao thông và 237 căn nhà; tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng...

Đoàn công tác do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đi thị sát đê biển tại tỉnh Cà Mau.
Đoàn công tác do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đi thị sát đê biển tại tỉnh Cà Mau.

Ngày 11/5/2023 tại UBND tỉnh Cà Mau, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu.

Tham gia Đoàn công tác Chính phủ có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía tỉnh Cà Mau, có Bí thư Tỉnh Ủy Nguyễn Tiến Hải, Phó Bí thư- Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt…

THỦY SẢN ĐANG BỊ CÁC “ĐẦU NẬU” THAO TÚNG

Báo cáo Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết GRDP Quý 1/2023 của Cà Mau tăng 9,05% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng với 15,43%.

Tuy tăng trưởng cao, nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, phần lớn dựa vào tăng trưởng tại Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm, mà ở đây là sản lượng điện khí được huy động trong những tháng mùa khô, khả năng thời gian tới sẽ giảm khi mùa mưa sắp bắt đầu.

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Cà Mau.
Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay tình trạng lạm phát đã ảnh hưởng sức mua của nhiều thị trường lớn, đơn hàng tại các thị trường truyền thống giảm sút mạnh làm cho hàng thuỷ sản tồn kho nhiều.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến ngày 30/4 đạt 380 triệu USD, bằng 29% kế hoạch, giảm 23,5% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 337 triệu USD, bằng 28% kế hoạch, giảm 13%; xuất khẩu phân bón 43 triệu USD, bằng 45% kế hoạch, giảm 61%.

 

"Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, nút thắt trong quy hoạch và phát triển của tỉnh Cà Mau, nhất là kinh tế biển - một thế mạnh của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cần khai thác. Việc thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao từ việc xây dựng hạ tầng cảng cá trong phát triển kinh tế biển..."

Ông Nguyễn Tiến Hải Bí thư tỉnh ủy Cà Mau.

Về mặt hàng cụ thể, ông Sử cho biết cua Cà Mau được đánh giá là sản phẩm đặc sản, có chất lượng vượt trội và được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao; cua cũng là sản phẩm chủ lực, góp phần thu nhập chủ yếu cho người nuôi thuỷ sản (chỉ đứng sau con tôm). Tuy nhiên, sản phẩm cua của Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Vì xuất tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. “Cua Cà Mau đang bị thao túng. Giá bán ra cao hay thấp là do các đầu nậu ở biên giới, khi sang thị trường bên ngoài được đóng gói, bán lại với giá cao gấp 5-7 lần so với mức giá mua ban đầu”, ông Sử nêu thực tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho thủy sản, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo tăng cường kiểm soát giá vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất thủy sản để góp phần giảm giá thành phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đa dạng hơn các hình thức xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm các thị trường mới…

CẦN KHẨN CẤP BẢO VỆ BỜ BIỂN

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho hay do nước biển dâng và thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp, đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông bờ biển ở tình Cà Mau rất nghiêm trọng.

Thống kê từ năm 2011 - 2022, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trong tổng số 254km bờ biển của tỉnh. Sạt lở đã làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương diện tích của một xã). Ngoài ra, sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà, tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng.

Qua kiểm tra tình hình sạt lở thực tế của đoàn công tác Chính phủ tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) và xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) cho thấy, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân vốn quen với tập quán xây cất nhà ở và kinh doanh ven các tuyến sông, nhất là tại những khu vực đông dân cư…

Cùng với đó, vị trí gần biển, nhiều tuyến sông lớn, nên khi triều cường dâng cao đã tạo nên dòng chảy xiết, đặc biệt tại những vị trí giao nhau của các nhánh sông, gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau đã xây dựng hoàn thành 56,7km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2km, với kinh phí 1.285 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Tuy nhiên, do tốc độ sạt lở diễn ra quá nhanh và phức tạp, nên nhiều đoạn đê vẫn chưa đủ sức chống đỡ, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra. Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng mà còn ảnh hưởng đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.

"Kết quả rà soát cho thấy hiện nay bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, sạt lở bờ sông khoảng 365km, với các mức độ khác nhau. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển".

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long, bán đảo Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó Cà Mau là vùng trọng điểm ảnh hưởng. Cà Mau đang phải gồng gánh hai tay, vừa lo bờ Đông lại trăn trở đê Tây. Muốn giải quyết các thách thức, cần thống nhất cần có tầm nhìn chiến lược, đa dạng nguồn lực, phân kỳ đầu tư hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.

“Việc này, chúng ta cần có tầm nhìn, vừa tìm ra những giải pháp công trình, giải pháp phi công trình. Kết hợp đầu tư tuyến đê chống sạt lở, kèm theo đó là các giải pháp phi công trình bảo vệ tuyến đê: Trồng rừng, tái tạo hệ sinh thái rừng cũng như quy hoạch lại không gian sống, sản xuất của người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đứng trước bối cảnh, thách thức mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoa cho biết trong thời gian sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa ra những giải pháp phòng chống sạt lở ở vùng bán đảo Cà Mau nói chung, trong đó có tỉnh Cà Mau nói riêng vào chương trình trọng điểm quốc gia.

Ngoài những dự án được Trung ương đầu tư mang tính chất khẩn cấp cho tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ cho phép xây dựng kế hoạch với tầm nhìn dài hạn hơn đối với việc phòng chống sạt lở tại tỉnh Cà Mau.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử đoàn công tác và mời các chuyên gia ở các nước như: Hà Lan, Nhật Bản… có kinh nghiệm về phòng chống thiên tai, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông để nghiên cứu các giải pháp khắc phục.