Cách nào khai tử vấn nạn "xe dù, bến cóc" và lệnh vận chuyển giả?
Kể từ ngày 15/9, doanh nghiệp vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt được dùng Lệnh vận chuyển điện tử hoặc bản giấy mà không bị ép buộc chuyển đổi ngay lập tức. Tổng cục Đường bộ sẽ lên lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp số hoá, vừa góp phần dẹp vấn nạn "bến cóc, xe dù" và giấy tờ giả qua mặt cơ quan chức năng...
Theo quy định tại Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT ngày 15/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng Lệnh vận chuyển điện tử thay vì chỉ sử dụng bản giấy khi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ ngày 15/9.
HÀ NỘI CẦN PHẤN ĐẤU BỎ LỆNH VẬN CHUYỂN BẢN GIẤY
Cụ thể, khoản 3 và khoản 5 Điều 1 Thông tư 17 quy định: "Lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục 6.
Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của Lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình Lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu".
Theo quy định hiện hành, Lệnh vận chuyển là giấy tờ chứng minh việc các cơ quan có liên quan, đặc biệt là bến xe đã kiểm tra theo quy định và cho phép xe vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt xuất bến. Đồng thời, doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng Lệnh vận chuyển; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 3 năm. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp vận tải phải lưu trữ Lệnh vận chuyển giấy, gây tốn kém chi phí in ấn, photo tài liệu và gây nhiều bất tiện cho lái xe, doanh nghiệp vận tải.
Trao đổi về chính sách mới về Lệnh vận chuyển bản điện tử sẽ áp dụng từ ngày 15/9 tới đây tại tọa đàm "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách" chiều ngày 8/8, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho hay do yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu đến Tổng cục nên Tổng cục Đường bộ đề xuất và bổ sung quy định về Lệnh vận chuyển điện tử.
Về nội dung, thông tin trong Lệnh vận chuyển bản giấy và bản điện tử tương đồng nhau, chỉ khác về cách thức quản lý thông tin của Lệnh vận chuyển điện tử thông qua phần mềm, ứng dụng công nghệ. Lệnh vận chuyển điện tử cũng cho phép truyền dữ liệu về doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý bến xe, cơ quan quản lý.
Cũng theo bà Hiền, hiện nay đưa ra những quy định mở khi doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng hai hình thức, bản giấy và điện tử, chưa khắt khe bắt buộc toàn bộ doanh nghiệp phải chuyển đổi ngay.
"Các Sở Giao thông vận tải có khả năng các đơn vị ứng dụng mạnh mẽ nhất, có bước tiến tốt trong công nghệ thông tin như Hà Nội, có thể cố gắng ứng dụng 100%, dần dần bỏ hẳn lệnh giấy. Còn các địa phương khác có thể thực hiện dần dần theo năng lực doanh nghiệp", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ gợi ý.
Lệnh vận chuyển giấy để phục vụ những bến xe ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn khi chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải.
Theo thống kê, hiện doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số còn khá khiêm tốn. Đa số doanh nghiệp vận tải có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Thậm chí, có những doanh nghiệp rất nhỏ, chỉ có 1 - 2 đầu xe.
Cùng với đó, có tới hơn 1.600 doanh nghiệp hợp tác xã đường bộ, phân bố ở các tỉnh miền núi.
Vì vậy, "quy định cho phép thực hiện song song cả Lệnh vận chuyển điện tử và bản giấy; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dần, phù hợp với điều kiện, chứ không ép doanh nghiệp ngay lập tức chuyển đổi số", bà Hiền nói và nhấn mạnh - "Việc chuyển đổi này đòi hỏi từ cả phía cơ quan quản lý và người dân, không nên ép buộc. Chính phủ số nhưng cũng cần người dân số. Hơn nữa, nếu chúng ta làm không đồng bộ thì đầu tư ban đầu lãng phí".
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan và có kế hoạch triển khai. Cùng với đó, các Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn một cách mạnh mẽ nhất.
LIỆU CÓ DẸP ĐƯỢC VẤN NẠN "XE DÙ, BẾN CÓC"?
Trả lời thắc mắc về việc áp dụng Lệnh vận chuyển điện tử liệu có thể xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc", ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, cho hay chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và với lệnh vận chuyển điện tử nói riêng cũng là biện pháp hiệu quả xử lý vấn nạn này.
"Trước đây, khi sử dụng Lệnh vận chuyển giấy, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí Lệnh vận chuyển giả", ông Tùng nêu rõ thực tế.
Tuy nhiên, hiện nay, khi ứng dụng công nghệ số thì Lệnh vận chuyển giả rất khó xảy ra, sẽ góp phần hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc". Dù vậy, sẽ cần nhiều giải pháp căn cơ về cơ chế chính sách để đánh giá tổng thể việc thực hiện, những bất cập phát sinh. Đây cũng là một trong những nội dung mà Bộ Giao thông vận tải cũng đang nghiên cứu để sửa đổi bổ sung trong Luật thay thế Luật Giao thông Đường bộ 2008.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nêu quan điểm mỗi giải pháp đều có những hiệu quả nhất định, đóng góp cho mục tiêu chung là lập lại trật tự trong công tác quản lý vận tải, ngăn "bến cóc, xe dù".
Lệnh vận chuyển điện tử sẽ theo thời gian thực. Doanh nghiệp xuất lệnh vận chuyển sẽ lên được truyền lên hệ thống. Trên cơ sở thông tin, doanh nghiệp tự khai báo trên hệ thống, từ biển số, họ tên tài xế, hành trình, tuyến đi…, bến xe sẽ nhận được các thông tin và thông tin này cũng lên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó, bến xe sẽ cho xuất bến.
Dù vậy, bà Hiền cho rằng đây không phải là chìa khóa để giải quyết tình trạng "xe dù, bến cóc".
"Bởi việc giải quyết "xe dù, bến cóc" đòi hỏi nhiều yếu tố, từ sự tuân thủ của doanh nghiệp, việc chuyển đổi số, giám sát hành trình, thanh tra kiểm tra… Khi đó, những vi phạm sẽ được giải quyết một cách triệt để", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Cuối năm 2021, Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố nhiều đối tượng liên quan đến vụ án làm giả Lệnh vận chuyển ô tô. Dù không còn tham gia hợp tác xã, nhưng chủ xe Hiền Hà vẫn cho xe hoạt động và làm giả 66 giấy Lệnh vận chuyển bằng phương pháp in phun màu trên các thiết bị điện tử. Nhờ đó, đối tượng có thể dễ dàng qua mặt sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông và trốn đóng thuế, thu lợi bất chính.