08:49 29/06/2011

Cải cách hành chính: Cần thêm những bước đột phá

Anh Minh

Nhiều chuyên gia có chung nhận định là cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn nặng về giải pháp tình thế

Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Có tới 81 vị chuyên gia cùng tham gia vào một hội thảo khoa học về cải cách hành chính được tổ chức hôm qua tại Hà Nội, cho thấy sự “hấp dẫn” đáng kể của chủ đề này. Sau 10 năm tiến hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước, giữa rất nhiều việc đã làm được, cũng còn đó nhiều việc khác cần làm tiếp.

Thay đổi đáng kể

Mười năm trước, khi ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, Chính phủ đặt mục tiêu rất cụ thể là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, theo đánh giá của các chuyên gia, công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số thành tựu nhất định trong các lĩnh vực như thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; đầu tư trực tiếp nước ngoài; xuất, nhập khẩu; xuất, nhập cảnh; cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đô thị; cấp phát vốn ngân sách nhà nước; khiếu nại, tố cáo; công chứng, hộ tịch, hộ khẩu.

Ông Lê Hồng Sơn, Viện nhà nước và pháp luật cho rằng thủ tục hành chính đã bước đầu được cải cách theo hướng phục vụ nhân dân, vì sự thuận tiện của nhân dân.

“Trong hầu hết các lĩnh vực có cải cách, nói chung thủ tục hành chính được đổi mới theo hướng vì sự thuận tiện cho nhân dân và doanh nghiệp, từng bước xoá bỏ tình trạng thủ tục hành chính chỉ dành sự thuận lợi cho cơ quan nhà nước, đẩy khó khăn cho nhân dân”, ông Sơn nhận xét.

Không chỉ vậy, trong nhiều trường hợp, nhà nước đã bãi bỏ nhiều thủ tục, nội dung kiểm soát không hợp lý, đặt niềm tin về sự làm ăn chân chính của công dân và đội ngũ doanh nghiệp, nâng cao ý thức tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của công dân và doanh nghiệp về công việc làm ăn của mình.

“Điều này thể hiện một tư duy mới về quản lý nhà nước, lấy sự thuận tiện cho dân làm mục đích thay cho cách quy định trước đây là sao cho thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan nhà nước. Cho đến nay, nhà nước đã bãi bỏ hàng trăm "giấy phép con", ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng vụ pháp luật thuộc Văn phòng chính phủ cho rằng cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tốt trên phương diện cải cách bộ máy hành chính.

Theo ông Khải, sau 10 năm cải cách, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 đã giảm xuống còn 30; từ 118 Hội đồng, Ủy ban thuộc Thủ tướng Chính phủ (trước 2000), đến nay còn 103; các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 19-27 đầu mối xuống còn 17-20 và cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 12-15 đầu mối xuống chỉ còn 12-13.

“Chúng ta đã xây dựng bộ đa ngành, đa lĩnh vực; bộ chuyên ngành và bộ tổng hợp; làm rõ và xây dựng tổ chức sự nghiệp trực thuộc Chính phủ; việc phân cấp giữa trung ương và địa phương cũng đã có bước tiến bộ đáng kể; hạn chế chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong nội bộ các đơn vị thuộc bộ; thu hẹp và tiến tới không còn tổng cục, cục trực thuộc Chính phủ; làm rõ chức năng quản lý nhà nước với loại hình đơn vị sự nghiệp và sản xuất kinh doanh…”, ông Khải nhận xét.

Tuy nhiên, cải cách hành chính sẽ khó lòng đạt được những kết quả nói  trên nếu như không có điểm nhấn thực sự là Đề án 30.

Tính đến thời điểm này, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30. Theo tính toán sơ bộ của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, có đến 90% thủ tục hành chính được rà soát cần được sửa đổi.

Cụ thể có gần 5.000 thủ tục hành chính trong tổng số trên 5.400 thủ tục hành chính được rà soát cần được đơn giản hoá. Theo đó, các cơ quan trung ương phải sửa đổi trên 1.000 văn bản, từ luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, đến Quyết định của Bộ trưởng… Địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản.

Nếu phương án đơn giản hoá này được thực thi, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được trên 37% chi phí, tương đương với khoảng 30.000 tỷ đồng/năm!

Theo các chuyên gia, đây chính là điểm nhấn quan trọng nhất trong cải cách hành chính 10 năm qua, tạo ra bước ngoặt thực sự cho công việc này.

Điều này cho thấy cải cách hành chính chỉ có thể được làm tốt nếu có quyết tâm chính trị rõ ràng và mạnh mẽ.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ nói rằng từ bài học của đề án 30, việc triển khai thực hiện cải cách thể chế cần có sự tham gia của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần xác định rõ các mục tiêu, kết quả của cải cách cùng với một kế hoạch với các lộ trình cụ thể.

Cần thêm những bước đột phá

Ở chiều ngược lại, vẫn còn quá nhiều công việc liên quan đến cải cách hành chính cần được giải quyết.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định là cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn nặng về giải pháp tình thế, thiếu tính tổng thể.

“Thủ tục hành chính nhìn chung chưa ổn định, chưa đủ mức hấp dẫn, giải phóng và khai thác mọi nguồn lực trong nước, trong dân và quốc tế, luôn bị động trước yêu cầu phát triển nhanh của đời sống thực tiễn. Trong nhiều trường hợp cải cách thủ tục mang tính đối phó, hình thức”, ông Lê Hồng Sơn nhận xét.

Dẫn câu chuyện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Sơn nói nhiều thủ tục rườm rà, phiền hà sách nhiễu vẫn tồn tại, thậm chí phát sinh. Nếu trước đây chỉ cần một loại giấy do một cơ quan nhà nước cấp thì quá trình cải cách lại muốn chia ra thành ba loại giấy do ba cơ quan nhà nước khác nhau quản lý, với lý do là như vậy nhà nước mới dễ quản lý.

“Thực chất đây là tư tưởng muốn dành thuận lợi cho sự quản lý của nhà nước, đẩy khó khăn, phiền hà cho dân, tư tưởng quản lý - cai trị chứ không phải là phục vụ, tư tưởng muốn tranh giành và khi không được thì phân chia quyền lực giữa các cơ quan nhà nước”, ông kết luận.

Hệ thống thủ tục hành chính, dù đã được cải cách mạnh mẽ, nhưng hiện nay vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, chẳng hạn một số luật, pháp lệnh đã ban hành nhưng các nghị định và thông tư hướng dẫn triển khai chậm được ban hành.

Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước vẫn có xu hướng giữ thuận lợi cho hoạt động quản lý của mình nhiều hơn là đáp ứng nhu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Từ góc nhìn của một chuyên gia về quản lý nhà nước, ông Diệp Văn Sơn, Nguyên phó vụ trưởng Cơ quan thường trú miền Nam của Bộ nội vụ, nói đã đến lúc cần hướng tới việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, hơn là chỉ tập trung “cải cách” như trước.

Theo ông Sơn, đã đến lúc bắt tay vào xây dựng dần một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại hoá. Nền hành chính chuyên nghiệp phải bắt đầu xây dựng một công nghệ hành chính tiên tiến, theo đó việc áp dụng tin học hoá quản lý hành chính nhà nước cần được phát huy tối đa.

Trong khi đó, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh rằng thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế hiện nay sẽ giúp giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Phan dẫn các kết quả nghiên cứu trên thế giới nói rằng cải cách thể chế sẽ giúp giảm lạm phát theo 2 cách là tăng năng suất thông qua việc cắt giảm chi phí hành chính và tăng tính linh hoạt của sản xuất, cho phép đất nước phục hồi nhanh và mạnh hơn sau các cú sốc và khủng hoảng kinh tế.

Tại Việt Nam, theo tính toán của đề án 30, tổng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước chiếm khoảng 3.65% GDP mỗi năm. Chi phí thực tế tuân thủ các quy định hành chính có thể cao hơn rất nhiều, vì đề án 30 chưa tính đến các thủ tục trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, thanh tra, các quy định hành chính không mang tính chất thủ tục.

“Như vậy, một phần đáng kể nguồn lực đang bị lãng phí, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Các chi phí này được chuyển vào giá làm cho người tiêu dùng phải trả giá cao hơn, người lao động nhận lương thấp hơn và nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận ít hơn, do đó làm tăng các đầu tư ngắn hạn và đầu cơ so với đầu tư dài hạn”, ông Phan nói.