10:33 11/03/2017

Cải thiện môi trường kinh doanh: Kết quả mới chỉ là phép cộng

Hà Minh

Nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động thì sẽ không đạt mục tiêu

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.</span>
Kết quả hàng năm đạt được chỉ mới là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Nhận định này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông nêu tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngày 10/3.

Ông Đông nói, 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết 19 nhằm nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. 

Bằng nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu, đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Ông Đông phân tích: các nghị quyết 19 ban hành năm 2014 và 2015 sử dụng phương pháp và đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Nghị quyết 19/2016 sử dụng phương pháp, bảng xếp hạng của WB đồng thời bổ sung thêm trụ cột thể chế và một số chỉ tiêu về hiệu quả thị trường của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Lần này, nghị quyết 19/2017 tiến thêm một bước, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu: đánh giá, xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của WB; đánh giá, xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; đánh giá, xếp hạng về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.

Cách làm nói trên, theo ông Đông là đã mang lại sức sống cho các nghị quyết 19, giúp Việt Nam đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực.

Song, ông Đông cho rằng tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm. Kết quả hàng năm đạt được chỉ mới là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. Mục tiêu đề ra chưa đạt được, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Đồng tình với nhận xét này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhìn nhận, Việt Nam mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN 4 thôi. 

Ông Cung cho rằng, phải có kết quả theo cấp số nhân thì mới thành công, chứ nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm đếm được trên đầu ngón tay thì sẽ không đạt mục tiêu.

Khuyến nghị cụ thể từ Viện trưởng CIEM là cần giải quyết từng vướng mắc cụ thể tại các văn bản cụ thể; có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng, của người đứng đầu; nâng cao vai trò của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội ngành hàng .

Nhất là cần phát huy vai trò của báo chí và truyền thông trong việc làm sống động quá trình triển khai thi hành nghị quyết 19, làm cho nó luôn “nóng” và thu hút sự quan tâm của xã hội, khích lệ thêm sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp...

Tinh thần Chính phủ kiến tạo, đổi mới và quyết liệt cải cách dường như còn chậm lan tỏa tới các cấp thực thi, kết quả triển khai nghị quyết 19 chưa đồng đều cả về chất và lượng ở mọi ngành và cấp cũng là nhận xét được nêu tại hội nghị, từ đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.

Từ kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn thông tin, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý (chiếm 25% số doanh nghiệp tham gia khảo sát). 

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật “rất có vấn đề”, nhất là các thông tư hướng dẫn, ông Tuấn cho biết.

Cùng nhận định, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn chứng: ngành dệt may có lưu lượng xuất nhập khẩu rất lớn, hàng năm phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông, xuất nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn xơ sợi, hàng trăm ngàn container hàng may mặc, nguyên phụ liệu… Các thủ tục hành chính, pháp lý vẫn gây nhiều khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan quy định các biểu mẫu rất phức tạp, nếu mã hàng nhiều màu, nhiều size thì số biểu mẫu có thể lên đến 500. Một số quy định mới lại mang tính “thụt lùi” so với quy định cũ. 

Ngoài ra, vẫn theo ông Trường thì sự thay đổi một số chính sách, việc ban hành thu một số loại phí không nhất quán, mang tính tự phát, chồng chéo bất hợp lý tại các địa phương đang khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”… 

Doanh nghiệp hy vọng các nút thắt chính sách dần được gỡ bỏ, thay vì cởi nút này thì lại xuất hiện nút khác, vị đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.