17:07 23/03/2011

“Cảm giác mạnh” với DVD

Nguyễn Hoàng

Hành trình chiết khấu rủi ro với DVD liệu đã kết thúc khi cổ phiếu này tăng trần 2 trong 3 phiên gần đây?

Rất nhiều đợt bắt đáy DVD đã thất bại trong suốt quá trình giảm giá
Rất nhiều đợt bắt đáy DVD đã thất bại trong suốt quá trình giảm giá
Hành trình chiết khấu rủi ro với DVD liệu đã kết thúc khi cổ phiếu này tăng trần 2 trong 3 phiên gần đây?

Dọc đường lao dốc của DVD đã khiến không biết bao nhiêu nhà đầu tư phải cay đắng vì lỡ bắt đáy sớm. Tính từ thời điểm DVD có thông tin xấu liên quan đến việc tạm giữ một số nhân vật chủ chốt và điều tra hoạt động kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo, cổ phiếu này đã giảm giá gần 70%.

Hôm nay, DVD tiếp tục được khớp lệnh với khối lượng lên tới trên 333.000 đơn vị, giá kịch trần lên mức 15.700 đồng/cổ phiếu. Riêng trong 4 phiên gần đây, DVD đã tích lũy gần 2,48 triệu cổ phiếu, giá bình quân giản đơn khoảng 15.300 đồng/cổ phiếu.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 6 tháng giảm giá liên tục, DVD mới có một đợt tích lũy dài như vậy. Một vài “chiếu nghỉ” trong hành trình đi xuống chỉ ghi nhận một đến hai phiên xuất hiện khối lượng giao dịch lớn. Hoạt động bắt đáy sớm đều nhanh chóng bị nhấn chìm trong áp lực bán sau đó.

Với mức giá “1x”, có vẻ DVD đã “vừa mắt” hơn và nhận được lực mua bền hơn. Trong khi hàng loạt cổ đông lớn tuyên bố bán ra mà lực mua vẫn tốt chứng tỏ một bộ phận nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.

Mới đây nhất là Deustch Bank AG tuy tuyên bố lướt sóng 800.000 DVD từ 4/3 đến 29/4/2011, nhưng mới đến 18/3 đã tranh thủ xả hết 711.650 cổ phiếu đang nắm giữ. BI Private Equity New Markets II KS của Đan Mạch cũng miệt mài xả DVD trong nửa đầu tháng 3, hạ khối lượng nắm giữ từ 2,6 triệu cổ phiếu xuống còn 1,6 triệu cổ phiếu. Quỹ này tiếp tục đăng ký xả nốt 1,6 triệu DVD còn lại, kể từ 16/3 và đến nay vẫn chưa có báo cáo kết quả.

Trong hai cổ đông nước ngoài lớn này, chỉ có Deustch Bank thực hiện chiến lược đỡ giá bằng việc có đăng ký cả mua lẫn bán. Trong tháng 1 và 2/2011, tổ chức này cũng có mua vào 124.780 cổ phiếu DVD. Thời điểm đó DVD vẫn đang trong khoảng 30.000 đồng – 40.000 đồng/cổ phiếu. Việc mua bán nhằm hạ giá vốn có thể coi là đã phá sản vì thời điểm bán ra của tổ chức này nửa đầu tháng 3, giá DVD giảm xuống rất thấp.

Cổ đông lớn trong nước là Ngân hàng An Bình – vốn có đại diện trong Hội đồng quản trị DVD – đã thoái vốn khá sớm từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2011. Giá DVD lúc đó cũng trên 24.000 đồng/cổ phiếu.

Việc các tổ chức nói trên bán ra đều được công bố thông tin trước. Do đó, lực mua tăng lên trong thời điểm tổ chức đăng ký bán đều ý thức được khả năng cung hàng sẽ lớn. Tuy nhiên thanh khoản của DVD tăng mạnh trong thời gian khá dài là điều bất thường, chứng tỏ nhu cầu mua đã tăng lên, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Đây là điểm khác biệt căn bản so với các đợt bắt đáy thất bại trước đó.

Cũng trong thời gian này, DVD liên tiếp xuất hiện thông tin xấu. Trước hết là thông tin lỗ trước thuế hơn 16 tỷ đồng quý 4/2010. Tiếp đó là áp lực nợ thuế 25,6 tỷ đồng. Mới nhất là thông tin DVD sẽ phải bán bớt tài sản để trả nợ ngân hàng.

Trường hợp bán tài sản của DVD khá giống TRI khi tạo được hiệu ứng tốt về cơ hội thu về một khoản tiền mặt lớn. Tài sản dự kiến bán đa phần là bất động sản với giá mua thấp. Tuy nhiên gánh nợ ngắn hạn quá lớn, tới trên 913 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý 4, trong đó phần lớn là nợ ngân hàng có thể sẽ chiếm phần lớn tài sản được bán. Riêng khoản vay ngân hàng và lãi vay đến ngày 31/12/2010 là 728 tỷ đồng. Việc định giá tài sản vẫn đang diễn ra và chỉ sau khi đại hội cổ đông ngày 30/3 tới đây thông qua mới có thể xúc tiến bán.

Việc có một bộ phận lớn nhà đầu tư chấp nhận đánh cược với triển vọng của DVD là điều bình thường. Từ khi DVD gặp “hạn” hồi tháng 11 nắm ngoái, không ít nhà đầu tư đã đánh cược với rủi ro để bù lại bằng một cơ hội lợi nhuận cao. Với mức giá 1x hiện tại, có vẻ như rủi ro đã thấp hơn nhiều, trong khi cơ hội lại tăng lên.

Liệu những người mua vào gần đây đánh cược với cơ hội ngắn hạn của biến động giá hay triển vọng phục hồi dài hạn của doanh nghiệp? Lượng tiền mặt có được do bán tài sản sau khi cơ cấu lại nợ sẽ được bổ sung vốn lưu động. Nguồn vốn còn lại là bao nhiêu đến lúc này vẫn là ẩn số. Mặt khác, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh cần có thời gian. 

Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị, kể từ DVD “có chuyện”, các ngân hàng chủ nợ chưa thống nhất phương án bán hàng ở miền Nam, dẫn đến hoạt động kinh doanh bị đình trệ,  doanh thu các tháng đầu năm 2011 giảm xuống  thấp. Công ty đã phải cắt giảm tối đa các chi phí, giảm nhân sự, nhà máy Lili of France phải tạm dừng sản xuất từ cuối tháng 2/2011 để đảm bảo sự tồn tại của công ty. Ngay trong giải trình kết quả kinh doanh quý 4, DVD cũng thừa nhận uy tín của doanh nghiệp giảm sút nên các ngân hàng và đối tác đều thu hẹp mối quan hệ kinh doanh. 

Mặt khác, DVD vẫn còn nhiều gánh nặng, cả về mặt tài chính lẫn pháp lý. Việc hoàn tiền cho cổ đông đã mua trong đợt phát hành thêm thất bại vẫn chưa được thực hiện. Các cam kết về chương trình cổ phiếu tri ân (48 tỷ đồng) và trái phiếu công đoàn (41 tỷ đồng) vẫn chưa được giải quyết. Ngày 7/3 vừa qua, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam từ chối tiếp tục kiểm toán báo cáo tài chính niên độ 31/12/2010 và DVD cũng mới thỏa thuận được với đơn vị kiểm toán khác. Đặc biệt, đến nay cơ quan điều tra vẫn đang kiểm tra và xác minh tình hình tài chính của công ty và chưa có kết luận cuối cùng.

DVD có lẽ xứng đáng là cổ phiếu đem lại “cảm giác mạnh” nhất trên thị trường đối với cả giới đầu cơ lẫn nhà đầu tư. Đến thời điểm này, rất hiếm nhà đầu tư nào đánh cược với “sự kiện DVD” được hưởng cảm giác có lợi nhuận.