10:54 13/06/2022

Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Thu Hằng

Do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, đối với khối tư nhân cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang quan tâm về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang quan tâm về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh - Quochoi.vn.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT GIÁ DỊCH KHÁM CHỮA BỆNH Ở KHỐI TƯ NHÂN

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới Quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân.

Theo đại biểu, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. “Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhìn nhận.

Liên quan đến vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, tại Khoản 5 Điều 51 của dự thảo Luật quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết.

“Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”, đại biểu dẫn chứng.

Do vậy, vị đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

KHUYẾN KHÍCH TƯ NHÂN ĐẦU TƯ XÃ HỘI HÓA Y TẾ 

Nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật về việc Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, song đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh - Quochoi.vn. 

Đại biểu chỉ rõ, Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị ra soát lại quy đinh này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến chính sách tự chủ trong lĩnh vực y tế, bởi các cơ sở y tế chưa được tự quyết định giá dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật ban hành từ năm 2012 không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Cũng quan tâm về vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền y tế nước nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh - Quochoi.vn. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, cần quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.