Cần đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, minh bạch
Đại biểu cho rằng những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 8/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định, cử tri và Nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Đại biểu cho biết trong thời gian qua, có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tôi, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Còn ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, nhiều loại tội phạm vẫn chưa phát hiện kịp thời.
Theo đại biểu, kết quả phát hiện tội phạm chưa phản ánh hết tình hình thực tế các loại tội phạm về công nghệ, tội phạm môi trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng, tội phạm gian lận thương mại, buôn lậu diễn ra nhiều nhưng chưa được xử lý tương xứng. Công tác quản lý có lúc, có nơi buông lỏng dẫn đến tội phạm có tổ chức nổi lên.
Đại biểu đề nghị phân tích để làm rõ một số số liệu quan trọng trong báo cáo, cụ thể, báo cáo nêu rõ số vụ phạm tội về quản lý kinh tế có chiều hướng giảm, số vụ phạm tội về tham nhũng, liên quan chất vụ tăng. Đại biểu cho rằng tình hình phạm tội về quản lý kinh tế và phạm tội về tham nhũng có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy cần làm rõ, phân tích thêm về sự gia tăng và giảm thiểu của hai loại tội phạm này trong báo cáo.
Đại biểu cho rằng, tới đây cần tiếp tục hoàn thiện lang pháp lý cho công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động phân tích tình hình từ sớm từ xa; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, tố giác về tội phạm; chủ động tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt phòng chống, tội phạm.
Đồng thời, cần tiến hành tổng kết công tác phòng chống, tội phạm và vi phạm pháp luật để rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp hợp lý làm tốt công tác này trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội nhấn mạnh cần tập trung hơn nữa trong phòng, chống “tham nhũng vặt”.
Bởi theo đại biểu, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân.
Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.