09:25 11/03/2007

"Cần đề phòng kinh doanh nội gián có tổ chức"

Vai trò của cơ quan quản lý cần thể hiện như thế nào trong việc xử lý các thông tin không chính xác trên thị trường chứng khoán?

"Khả năng phát triển của thị trường còn rất lớn, và phụ thuộc nhiều vào việc có thêm các công ty công chúng ghi danh hay không".
"Khả năng phát triển của thị trường còn rất lớn, và phụ thuộc nhiều vào việc có thêm các công ty công chúng ghi danh hay không".
Vai trò của cơ quan quản lý cần thể hiện như thế nào trong việc xử lý các thông tin không chính xác trên thị trường chứng khoán?

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Hiện nay thông tin trên thị trường chứng khoán rất đa dạng, có nguồn từ các cơ quan công quyền, từ doanh nghiệp, và nhiều kênh khác nữa. Để hạn chế những tác động tiêu cực trong hoàn cảnh thị trường đang nóng như hiện nay, về mặt quản lý Nhà nước, theo ông, nên phản ứng thế nào cho thích hợp?

Các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán cần chủ động hơn trong vấn đề thông tin, và có trách nhiệm giải đáp các tin đồn.

Thời gian qua có những thông tin trong các dự thảo của ngân hàng, của Bộ Tài chính được đưa ra cho các ngân hàng bên ngoài gây nên những tin đồn, trong khi thực tế các dự thảo đó không được phê duyệt. Rõ ràng, các thông tin đó rõ ràng từ nội bộ đưa ra.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần chủ động trong những việc cung cấp thông tin, nếu có tin đồn cần chủ động giải thích để đảm bảo thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng công khai, minh bạch hơn.

Khi đó, chỗ đứng, giới hạn phạm vi tác động của các tin đồn giảm đi. Sự kiện ngày thứ ba đen tối của thị trường chứng khoán Thượng Hải vừa rồi, cũng xuất phát từ tác động của những tin đồn thất thiệt về việc thay Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như khả năng hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một bài học.

Đã có một số chuyên gia đánh giá rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ duy trì được mức tăng trưởng cao như hiện nay chỉ trong năm 2007 này. Bình luận của ông là gì?

Sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển thuận lợi. Khả năng phát triển của thị trường còn rất lớn, và phụ thuộc nhiều vào việc có thêm các công ty công chúng ghi danh hay không. Tôi cho rằng đây là phần việc phải được làm nhanh, làm sớm, để đảm bảo cân bằng của thị trường.

Tôi vẫn khẳng định đây là kênh đầu tư rất tốt. Các công ty đều là các doanh nghiệp hoạt động có quá trình tốt. Nếu họ thu hút được vốn, thì vốn đó đã có phương án phát triển, có thể chuyển được ngay vào các hoạt động đầu tư và khi đó, nó sẽ tác động với một vòng quay rất nhanh trong nền kinh tế. Đây là điều mà các nguồn vốn đầu tư trực tiếp không có được.

Một vấn đề nữa, như mọi người thấy là sự kiện “ngày thứ Ba đen tối” của thị trường chứng khoán Thượng Hải tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam là ngắn hạn và không tiêu cực.

Tóm lại tôi nghĩ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển cao nếu như có thêm hàng mới và có các biện pháp bảo đảm hữu hiệu. Như vậy, tốc độ phát triển của thị trường sẽ được duy trì không chỉ hết năm 2007 mà còn sau đó nữa.

Nhưng rõ ràng nhiều tổ chức quốc tế, và ngay cả các chuyên gia tài chính trong nước đã lo ngại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang ở trạng thái quá nóng?

Với sự mất cân đối cung cầu như hiện nay thì thị trường chứng khoán Việt Nam có biểu hiện quá nóng thật, nhất là chỉ số P/E của một số công ty mà tôi không muốn nêu tên ở đây là quá đà.

Vấn đề là cần thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cẩn trọng hơn đối với các biện pháp an toàn của thị trường chứng khoán.

Theo tôi, có mấy vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất, cần tăng cường giám sát những giao dịch kinh doanh không đúng Luật Chứng khoán. Những trường hợp thông tin, giao dịch không đúng với luật phải được xử lý bằng biện pháp mạnh.

Chúng ta cũng phải đề phòng khả năng kinh doanh nội gián có tổ chức như thị trường chứng khoán New York vừa phát hiện được. Nếu điều này xảy ra tác động sẽ rất xấu.

Thứ hai, phải chú ý đến các nhà đầu tư ngắn hạn. Các nhà đầu tư trong nước này ít vốn và hoạt động một cách quá năng động. Điều này chứng tỏ họ muốn nhằm vào các lợi ích ngắn hạn. Hành vi của họ không khác hành vi đầu cơ bao nhiêu.

Một số nhà đầu tư buôn bán cổ phiếu ở thị trường OTC, sau đó lại dùng các cổ phiếu đó buôn bán trên thị trường chính thức. Đây là hành vi bị cấm ở các thị trường chứng khoán thế giới. Chúng ta phải xem xét những hành vi đó diễn ra ở Việt Nam như thế nào, và tại sao có thể làm như vậy vì hai loại thị trường này rất khác nhau. Theo tôi, nên tăng cường thị trường chính thức và nên có quy định hạn chế, đưa các luật chơi rành mạch, công khai vào thị trường OTC.

Về các nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng chúng ta không nên quá chú trọng tới họ, vì phần lớn đều tỏ ra muốn làm ăn lâu dài.