06:51 28/12/2012

Cần hay không hội đồng Hiến pháp?

Nguyên Vũ

Băn khoăn về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam khi Hiến pháp tối thượng và Quốc hội cũng là tối thượng

Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, từ 2/1/2013 đến 
31/3/2013, toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được lấy ý kiến
 nhân dân.
Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, từ 2/1/2013 đến 31/3/2013, toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được lấy ý kiến nhân dân.
Giới hạn nào mà các nhà thảo hiến đang gặp phải khi thiết kế mô hình bảo hiến ở Việt Nam là vấn đề được TS. Nguyễn Văn Cương, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đặt ra tại hội thảo "Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)" vừa diễn tại Hà Nội.

Băn khoăn này xuất phát từ hiện tượng mà ông Cương nói rằng ông đã quan sát được từ quá trình dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đó là mô hình hội đồng Hiến pháp cứ “thò ra thụt vào, hôm nay có mai không”.

Quan niệm về bảo hiến, theo nghĩa rộng, được vị diễn giả này giải thích là gồm các hoạt động phòng ngừa vi phạm Hiến pháp. Còn theo nghĩa hẹp, thuật ngữ bảo hiến được đồng nghĩa với thuật ngữ tài phán Hiến pháp.

Với quan niệm như thế, có thể khẳng định rằng, hiện nay ở Việt Nam đã tồn tại cơ chế bảo hiến (theo nghĩa rộng), tuy nhiên chưa có cơ chế tài phán Hiến pháp, ông Cương nhận định.

Song, đáng chú ý là, với cơ chế hiện nay, việc đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật chỉ đặt ra trong quá trình soạn thảo văn bản, và một khi dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua thì mặc định được hiểu là đã đảm bảo tính hợp hiến.

Không một thiết chế chính thức nào ở Việt Nam được quyền xác định một đạo luật đã được Quốc hội thông qua là vi hiến. Trong khi, việc Quốc hội ban hành đạo luật có dấu hiệu chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp là hoàn toàn có thể xảy ra, ông Cương lưu ý.

Cũng theo ông Cương, các dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn tiếp tục kế thừa trung thành quan điểm bên cạnh nguyên tắc về tính tối cao của Hiến pháp thì còn thừa nhận nguyên tắc đảm bảo vị trí cao nhất của Quốc hội trong bộ máy nhà nước. Và việc thiết kế thiết chế bảo hiến ở Việt Nam bị ràng buộc bởi hai nguyên tắc không phải luôn tương dung với nhau là: Hiến pháp tối thượng và Quốc hội là tối thượng.

Bởi ràng buộc đó, Việt Nam không có cơ sở để thiết lập một tòa án hiến pháp đứng độc lập với Quốc hội. Và việc thiết lập Hội đồng Hiến pháp như dự thảo với tư cách là cơ quan không có thẩm quyền phán quyết về tính hợp hiến và không làm mất an toàn hiệu lực của đạo luật đã được Quốc hội thông qua (dù vẫn có quyền kiến nghị với Quốc hội xem xét lại đạo luật đã được thông qua) là lựa chọn có thể chấp nhận được.

Viện phó Cương cũng tỏ rõ quan điểm Hội đồng Hiến pháp nên được thiết kế là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Và nên cho phép hội đồng này xem xét, đánh giá tính hợp hiến của các văn bản pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban hành.

Cũng liên quan đến Hội đồng Hiến pháp, có trong tay bản dự thảo Hiến pháp mới nhất (sẽ được Bộ Chính trị cho ý kiến vào ngày 28/12), TS. Dương Thị Thanh Mai (Bộ Tư pháp) bình luận, cơ quan này do Quốc hội bầu ra nhưng có tính độc lập tương đối, Hội đồng Hiến pháp có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của luật, nếu phát hiện vi hiến thì kiến nghị Quốc hội xem xét lại. Còn với các văn bản khác thì khi phát hiện vi hiến, Hội đồng này không những kiến nghị xem xét mà còn đề nghị sửa đổi bổ sung, nếu không được chấp nhận thì đề nghị Quốc hội bãi bỏ.

Cho dù đã được bàn khá nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây, theo nhận xét của TS. Nguyễn Văn Cương, thì cơ chế bảo hiến đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cả ở trong và ngoài nghị trường.

Một vị đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, ở hội thảo nói trên cho hay, ngay cả một vị phó thủ tướng đương nhiệm ban đầu cũng phản đối rất quyết liệt quy định Hội đồng Hiến pháp, mãi đến bây giờ mới chấp nhận.

Có hay không nên thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp cũng là vấn đề được thảo luận với lập luận nhiều chiều ở các phiên thảo luận của Quốc hội trong kỳ họp thứ tư vừa qua.

Khi thảo luận tại tổ các ý kiến cho rằng nên thành lập cơ quan này cũng ngang bằng ý kiến có quan điểm trái ngược. Còn ra hội trường, bên cạnh số ít ý kiến cho rằng không nên, nhiều vị đại biểu khẳng định sự cần thiết phải có hội đồng bảo hiến, như một cơ quan quan trọng giúp Quốc hội trong việc kiểm tra quyết định về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật do cơ quan Trung ương, của các cơ quan địa phương ban hành nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm Hiến pháp để có biện pháp xử lý.

Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, từ 2/1/2013 đến 31/3/2013, toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được lấy ý kiến nhân dân.