Cần không khí mới cho tăng trưởng 2024
“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều. Chúng ta hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”"...
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về “Thúc đẩy Cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 11/1/2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh năm 2023 thực sự là một năm rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Những điểm tối năm 2023 trong bức tranh doanh nghiệp lại đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Chúng ta có thể nhìn thấy qua rất nhiều con số. Như: mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp lại thấp so với nhiều năm gần đây.
Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục (số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trầm lắng, xuất khẩu giảm nhất là với nhiều ngành có vai trò của doanh nghiệp tư nhân rất lớn. “Có thể thấy, năm 2023 rất khó khăn”, ông Tuấn nhận định.
Vì vậy, sang năm 2024, theo ông Tuấn, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ đó là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
“Tôi không thích từ “tháo gỡ khó khăn”, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều”, ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng chúng ta hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”. Đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Dưới khía cạnh doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Tuấn cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Nhưng điều rất quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.
Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương hiện nay đó là đang có tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.
“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh lần nữa. Có rất nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.
Nói thêm, đại diện đến từ VCCI chia sẻ, Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiếm có quốc gia nào như Việt Nam vừa làm ăn, quan hệ tốt với châu Âu, với Hoa Kỳ vừa làm ăn tốt với Trung Quốc, hợp tác tốt với Nga, Ukraina, kể cả với Israel và Palestine. Tức là thành quả của chúng ta là đã mở cửa với các thị trường, nên việc chủ động khai thác các thị trường này là hết sức quan trọng.
Song để nắm bắt, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đó là đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực thi. Đây là yếu tố thực sự quan trọng trong năm 2024 cũng như thời gian tới.