Cần luật hóa Nghị quyết 42 để phá “tảng băng chìm” nợ xấu
Trải qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, Nghị quyết số 42 giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Tuy nhiên hiện còn không ít bất cập vì Nghị quyết này vẫn chưa được luật hóa một cách chính thức. VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xung quanh những bất cập đang còn tồn tại và hướng đi tiếp theo sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm.
Thưa ông, trong 5 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 42 thực hiện thí điểm, VAMC đã xử lý được bao nhiêu nợ xấu cho hệ thống các tổ chức tín dụng? Đâu là những tín hiệu tích cực mà Nghị quyết 42 đã tạo ra cho thị trường tài chính Việt Nam?
Tổng số nợ xấu mà chúng tôi đã xử lý qua 5 năm là 125 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần so với 5 năm trước đây. Có thể nói kết quả xử lý nợ xấu trong 5 năm qua là rất tích cực đối với VAMC nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.
Thứ nhất, Nghị quyết 42 khẳng định quyền của các chủ nợ của các tổ chức tín dụng cũng như VAMC khi mua các khoản nợ bằng trái phiếu đặc biệt cũng như mua bằng giá trị thị trường.
Thứ hai, Nghị quyết này cũng tạo ra ý thức trả nợ rất cao đối với các khách hàng, kể cả các doanh nghiệp hay người dân khi vay vốn của các tổ chức tín dụng, họ luôn phải xác định sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó có thể trả gốc, trả lãi đúng hạn.
Thứ ba, Nghị quyết 42 tạo ra động lực để các cấp, các ngành, các bộ và các địa phương chung tay vào hỗ trợ tháo gỡ những cái nút thắt của nợ xấu của nền kinh tế, làm sao khơi thông các nút thắt này, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục cung ứng vốn, phục hồi cho phát triển kinh tế của đất nước.
Vậy còn những bất cập, khó khăn trong việc triển khai thu hồi nợ xấu thông qua Nghị quyết 42 là gì?
Kết quả tích cực của Nghị quyết 42 đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành ghi nhận. Tuy nhiên về mặt bất cập thì còn khá nhiều.
Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng cũng như VMAC xử lý các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng vướng nhiều vấn đề về thuế.
Ví dụ như tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, nếu không đóng thuế thì không được chuyển tên chủ sở hữu dự án, cũng không được cấp sổ đỏ. Vấn đề này Bộ Tài chính, ngành thuế cũng đã hướng dẫn. Nhưng khi triển khai thực hiện ở các địa phương thì hiểu rất khác nhau.
Tiếp nữa, Nghị quyết 42 cũng nói về tranh chấp dân sự thông qua các hợp đồng tín dụng vay vốn ở các tổ chức tín dụng thì được áp dụng theo các thủ tục rút gọn tại tòa.
Tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng tại tòa cũng có những vướng mắc. Vướng mắc ở đây là, khi có tình tiết mới thì tất cả các thủ tục rút gọn lại chuyển sang thủ tục thông thường nên kéo dài mất rất nhiều thời gian.
Trong các hợp đồng tín dụng có rất nhiều quyền lợi và nghĩa vụ đan xen, khi có một tình tiết mới ví dụ như thay đổi lãi suất hoặc với bất cứ lý do nào khác, thì có thể chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường, vì vậy, kết quả xử lý nợ xấu bằng thủ tục rút gọn tại tòa thông qua Nghị quyết 42 rất hạn chế, gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài trường hợp xử lý được sau 5 năm.
Vấn đề tiếp theo là việc phối hợp giữa các tổ chức tín dụng cũng như VAMC với các địa phương và các ngành chức năng thì rất tốt, nhưng khi khách hàng chống đối khi thu giữ các tài sản đảm bảo, thì rất khó khăn vì vướng nhiều điều luật.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để phá được “tảng băng chìm” nợ xấu, thì hành lang pháp lý cần được xây dựng chặt chẽ hơn nữa, cụ thể, cần nhanh chóng luật hóa Nghị quyết 42. Ông có nhìn nhận như thế nào về việc luật hóa Nghị quyết này?
Vừa qua, Quốc hội đồng ý kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Việc kéo dài này cũng là bước đệm cần thiết để Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ trình Quốc hội về luật hóa trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Tất nhiên khi luật hóa Nghị quyết 42 gắn với các chế tài điều chỉnh liên quan đến nghị quyết này, thì nó có quan hệ mật thiết đến rất nhiều luật, như Bộ luật Dân sự, thuế, đất đai… Đó là một khối lượng công việc khổng lồ cần phải xử lý, từ nay đến tháng 5/2023 đã phải trình lần thứ nhất.
Thực tế, nếu theo thông lệ quốc tế thì việc xử lý rất bình thường, ví dụ như việc khách hàng vay vốn mua nhà, khi anh đã quá hạn một tuần thì các tổ chức tín dụng phối hợp với địa phương, đến niêm phong ngay. Ở các nước, những khách hàng vay như vậy họ rất tự nguyện, tuy nhiên ở Việt Nam thì có rất nhiều vướng mắc cần phải luật hóa để giải quyết.
Được biết, VAMC đã triển khai sàn giao dịch nợ, đề nghị ông cho biết sàn giao dịch này đã và đang hoạt động như thế nào?
Sàn giao dịch nợ của VAMC mới chính thức hoạt động được mấy tháng nay. Thành viên giao dịch của sàn có hơn 100 thành viên, chúng tôi cũng đã triển khai các bước để kết nạp thêm thành viên mới và cũng đã triển khai các nhiệm vụ tư vấn, môi giới.
Vừa qua hội đồng thành viên VAMC cũng đã quyết định cho sàn giao dịch các món nợ dưới 5 tỷ đồng, những món nhỏ lẻ, đây là những khoản nợ mà ở các mảng nghiệp vụ khác người ta chưa có nguồn lực, thời gian, con người để quan tâm.
Sàn giao dịch nợ cũng là bước đầu tiên cho việc hình thành thị trường mua bán nợ tập trung của Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta cũng đã có sàn giao dịch nợ, nhưng có một khó khăn lớn đang tồn tại đó là định giá trị khoản nợ, muốn chứng khoán hóa khoản nợ thì chúng ta phải định giá trị khoản nợ.
Hiện quy định của pháp luật mới chỉ là định giá trị các tài sản chứ chưa có định giá trị khoản nợ, vì thế cần có cơ chế về định giá trị khoản nợ, từ việc định giá trị khoản nợ, sau đó mới chứng khoán hóa được các khoản nợ xấu và sẽ giao dịch thông qua chứng khoán hóa. Từ cơ sở nêu trên, chúng ta mới có một thị trường mua bán nợ một cách đúng nghĩa.
Về định giá trị tài sản thì có những hướng dẫn rất cụ thể, ví dụ như bất động sản, hay động sản thì có quy định rất rõ. Tuy nhiên định giá trị khoản nợ, thì nó phải thông qua định giá trị các doanh nghiệp đó, nếu đó là doanh nghiệp, hoặc định giá trị khoản nợ thông qua khách hàng cá nhân, vì vậy phải xem người ta đang làm ăn ra sao, tài sản đảm bảo khoản nợ đó là những gì… thì mới tính toán được ra giá trị khoản nợ, từ đó mới có được giá trị khoản nợ đúng, xác thực, chính xác. Mà khoản nợ này phải đảm bảo mọi yếu tố pháp lý mới được giao dịch trên sàn giao dịch nợ tập trung.
Xin trân trọng cám ơn ông!