09:00 15/07/2022

Cần tháo điểm nghẽn tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu

Tùng Thư

Đứng dưới góc độ ngân hàng thương mại trực tiếp xử lý nợ xấu, một số ý kiến chỉ ra hai vướng mắc lớn cần được tháo gỡ sau 5 năm thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đó là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và việc bán nợ xấu, tài sản đảm bảo.

Các khách mời tham gia đối thoại cùng VnEconomy/Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Các khách mời tham gia đối thoại cùng VnEconomy/Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Trao đổi tại Đối thoại “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đã thừa nhận có không ít bất cập trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo trên thực tế.

TÀI SẢN ĐẢM BẢO KHÓ THU GIỮ, KHÓ BÁN

Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết hiện nay quy định về thu giữ tài sản đảm bảo còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Dân sự và Nghị quyết 42. Điều này gây ra chồng chéo, gây khó cho quá trình thực hiện.

Vì vậy, đại diện Agribank đề xuất nên có luật hoá các vấn đề về thu giữ tài sản đảm bảo để quá trình này được diễn ra thông thoáng, không phụ thuộc vào luật khác cũng như các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm.

Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng ban Pháp chế Agribank/Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng ban Pháp chế Agribank/Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Cũng theo ông Vũ Việt Hưng, hiện chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thực tế, phía ngân hàng cũng gặp vướng mắc do ngôn ngữ sử dụng trong các văn bản pháp luật còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm: “Chúng tôi đề xuất khi mà luật hóa việc xử lý nợ xấu thì nên dùng từ ngữ trực quan, dễ hiểu không gây tranh cãi, tranh luận cũng như việc áp dụng, hiểu biết khác nhau của các cơ quan tổ chức có liên quan trong xử lý tài sản đảm bảo”, Phó trưởng ban Pháp chế Agribank nói.

Bên cạnh những khó khăn mà ông Vũ Việt Hưng đã nêu, Tiến sĩ Cấn Văn Lực bổ sung thực trạng tài sản đảm bảo khó bán hoặc không bán được: “Tài sản đảm bảo bán 4-5 lần mà vẫn chưa được. Một trong những rào cản hiện nay là quy định không cho phép lần bán sau thấp hơn lần bán trước bao nhiêu phần trăm. Định giá cũng rất phức tạp. Định giá nợ xấu rồi định giá tài sản đảm bảo, định giá những tài sản khác gắn với nợ xấu còn chưa nhất quán giữa các công ty định giá với nhau. Và cơ bản hiện nay chúng ta cũng chưa có nhiều công ty định giá có năng lực để làm những việc này”.

CẦN ĐẨY NHANH VIỆC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN CHO DOANH NGHIỆP

Theo các chuyên gia, muốn xử lý nợ xấu tốt thì khung khổ pháp luật giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam phải tốt hơn.

“Ở Việt Nam chúng ta rõ ràng chuyện giải quyết phá sản quá chậm chạp. Đây cũng là rào cản đối với xử lý nợ xấu vì doanh nghiệp người ta không chịu phát mãi tài sản, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực để trả nợ”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia đánh giá, hiện nay, còn tình trạng thiếu nhất quán giữa các cơ quan nhà nước trong xử lý nợ xấu.  

Ví dụ liên quan đến thứ tự dùng tiền nợ thu hồi. Cơ quan thuế thì cho rằng phải thu thuế trước, bên ngân hàng thì cho rằng phải thu nợ trước.

Thủ tục rút gọn từng được kỳ vọng là đột phá trong xử lý nợ xấu nhưng trong suốt nhiều năm qua, chỉ có 2-3 hồ sơ được xử lý theo dạng này. Đây cũng là hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Cuối cùng, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Thị trường này phải mua bán cả nợ xấu lẫn nợ bình thường. Có như vậy, mới tăng được thanh khoản, thu hút tiền của nhà đầu tư.