08:24 22/03/2024

Cần mở rộng chính sách visa cho các thị trường mục tiêu

Tường Bách

Ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu này sẽ rất cần tới chính sách về visa mang tính cởi mở và thuận tiện cho du khách nước ngoài…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch vẫn ở giai đoạn khó khăn chồng chất; tín hiệu khởi sắc nhất là lượng khách quốc tế tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đang tăng tốc trên đường đua "nới" visa nhằm hút khách quốc tế, trong đó có những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Thái Lan, Malaysia và Singapore.

THÍCH ỨNG VỚI THỰC TẾ HẬU COVID-19

Tại tọa đàm "Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá", ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cũng nêu thực trạng: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, số liệu thống kê rất tốt nhưng các công ty lữ hành, công ty du lịch vẫn "đói" khách. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý ngành du lịch phải có nghiên cứu kỹ trong số khách quốc tế đang đến Việt Nam, có bao nhiêu là khách du lịch thuần túy, bao nhiêu dòng khách có thể đem lại nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch.

Theo Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Lê Hồng Thái, những chính sách nới lỏng về thị thực trong thời gian vừa qua đã giúp ngành du lịch bước vào giai đoạn mới có tính cạnh tranh quốc gia so với các nước láng giềng. “Các đối tác thị trường xa của chúng tôi trước đây thường yêu cầu chào tour phù hợp từ 12 ngày lưu trú ở Việt Nam thì nay đã nâng lên tour 19 - 20 ngày nối với Campuchia. Đây chính là giá trị của công cụ điều tiết, nâng giá trị của du lịch Việt Nam”, ông Thái nói.

Chính sách nới lỏng về thị thực trong thời gian vừa qua đã giúp ngành du lịch bước vào giai đoạn mới có tính cạnh tranh quốc gia so với các nước láng giềng.
Chính sách nới lỏng về thị thực trong thời gian vừa qua đã giúp ngành du lịch bước vào giai đoạn mới có tính cạnh tranh quốc gia so với các nước láng giềng.

Tham luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham), cho rằng trong lĩnh vực du lịch, chính sách visa của Việt Nam chưa điều chỉnh nhanh như các đối thủ cạnh tranh. Để thích ứng với thực tế hậu Covid-19, Việt Nam cần miễn thị thực cho các thị trường mục tiêu chính, như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada và Mỹ.

"Chúng ta cũng cần xem xét thị thực lưu trú dài hạn để nghỉ hưu và thị thực nghỉ hưu cho những người muốn nghỉ hưu ở Việt Nam," ông Denzel Eades kiến nghị.

Cần mở rộng chính sách visa cho các thị trường mục tiêu - Ảnh 1

Cũng gửi tới VBF 2024 đề xuất với vấn đề này, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh cần miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thành viên EU, ban hành các loại thị thực đặc biệt trong các dịp hội nghị, triển lãm hoặc sự kiện thể thao và hợp lý hóa các thủ tục nhập cư nói chung sẽ thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho du khách và nhà đầu tư, tối quan trọng trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup, cho biết: “Chúng tôi tha thiết kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới, bù đắp những thị trường truyền thống lớn đang bị hao hụt như Trung Quốc, Nga”. Bà Dung cũng cho rằng trước mắt, chúng ta có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…

GÓP PHẦN ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG

Tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch...

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông...

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, chia sẻ: "Hội đồng Tư vấn Du lịch đã gửi thư cho Bộ Ngoại giao để đề xuất nên mở rộng thêm 33 quốc gia nữa vào diện được miễn thị thực đơn phương dài hạn, cung cấp thị trường khách du lịch mạnh mẽ cho Việt Nam thì có thể cân nhắc để áp dụng miễn thị thực đơn phương trong thời gian ngắn hạn".

Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương.
Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương.

Theo đó, Hội đồng đã phân tích kỹ lưỡng các tiêu chí để đề xuất miễn thị thực cho các nước. Đó là các tiêu chí: Có nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ; khách du lịch có khả năng hoặc có tiềm năng chi tiêu cao tại Việt Nam, là nước hoặc khối nước (như Liên minh châu Âu) được nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực miễn thị thực; không có khả năng phương hại đến an ninh và trật tự an toàn xã hội Việt Nam; có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam; có giao dịch thương mại phát triển tốt và có tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể vào Việt Nam, góp phần đa dạng hóa thị trường.

Từ đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương, trong đó có 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia) và 13 nước khác gồm:  Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argnetina, Ả rập Xê út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất. Ngoài ra, Hội đồng đề xuất Chính phủ cân nhắc xem xét 4 thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, chính sách miễn thị thực tốt hơn sẽ góp phần mở rộng cánh cửa chào đón du khách. Đây là giải pháp ngắn hạn để mở rộng cánh cửa để thu hút các thị trường khách quốc tế bên cạnh những giải pháp trung hạn, dài hạn cho những vấn đề nội tại của ngành Du lịch như xúc tiến quảng bá, tiếp thị số, đa dạng sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực...