Cần nghị quyết của Quốc hội để quản lý đất đai tại các đặc khu
"Lỗi" của nhà nước ở đây là nhìn thấy quy luật nhưng lại chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6.
Đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập, đất đai ở 3 khu vực dự kiến thành lập đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) hết sức phức tạp và sôi động. Bộ trưởng có biết việc đó không? Các địa phương giải quyết thế nào, đã thực sự yên tâm chưa?
Phần trả lời, Bộ trưởng "quên". Sau giải lao, được đại biểu nhắc, Bộ trưởng xác nhận tình trạng người dân khi nhìn thấy tiềm năng tại các đặc khu tương lai thì đổ dồn vào đầu tư đất đai. "Lỗi" của nhà nước ở đây là nhìn thấy quy luật đó nhưng lại chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này.
Theo Bộ trưởng, từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán "ngầm" vẫn diễn ra.
Vấn đề sốt đất, theo Bộ trưởng là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường.
Bình luận về việc một số địa phương đã ban hành chỉ thị thực hiện một số biện pháp cấp bách, chỉ đạo tạm dừng, "đóng băng" mọi giao dịch nhà đất tại các khu vực này, Bộ trưởng cho rằng "hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay. Quốc hội cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn".
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm "nhập nhoạng" như vừa qua.
Vẫn liên quan đến đất đai, đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) khái quát, việc giải phóng mặt bằng, dù là của địa phương nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm để tránh tình trạng công tác thu hồi đất kéo dài, "treo" vô hạn, ảnh hưởng đời sống người dân.
Với việc giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng trả lời, phương pháp xác định giá đất có vấn đề nên thực tế giá đất đền bù thường thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường. Việc xác định quỹ đất cũng chưa làm được đầy đủ, nhiều khu giải phóng mặt bằng chưa được làm hạ tầng đảm bảo đã bán đất. Vậy nên nhiều khu sau giải phóng mặt bằng với mức tiền được đền bù người dân không mua nổi đất ở khu tái định cư.
Bộ trưởng xác định các giải pháp là định giá sát thị trường và đưa hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất hiệu quả hơn để chuẩn bị đất sạch ở nơi tái định cư, để cuộc sống người dân tái định cư đảm bảo hơn.