10:59 28/06/2021

Cân nhắc thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, tránh gây “sốc” cho người lao động

Nhật Dương

Việc đề xuất giải pháp chính sách mới cần tính đến yếu tố ổn định và có sự kế thừa, tránh gây “sốc” cho người lao động, dẫn đến việc phải xử lý tình huống khi có sự chênh lệch lương hưu của người lao động nghỉ hưu ở các giai đoạn giáp ranh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp vừa hoàn thành báo cáo thẩm định đối với đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của đề xuất thay đổi cách tính tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội, tránh gây “sốc” cho người lao động.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định, chế độ hưu trí chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Do đó, Bộ đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Hướng sửa đổi là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được tính theo mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu mới này có thể xung đột với nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội là “đóng - hưởng”.

Người lao động đang tham gia ở mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên mức trung bình có thể bị giảm quyền lợi thụ hưởng.

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động về kinh tế, xã hội. “Việc đề xuất giải pháp chính sách mới cần tính đến yếu tố ổn định và có sự kế thừa, tránh gây “sốc” cho người lao động, dẫn đến việc phải xử lý tình huống khi có sự chênh lệch lương hưu của người lao động nghỉ hưu ở các giai đoạn giáp ranh", Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Mặt khác, một số nhận định nêu tại chính sách này còn chung chung, cần làm rõ. Ví dụ như nhận định “khoảng cách về lương hưu giữa người có lương hưu cao nhất và người có lương hưu thấp nhất là tương đối cao”. 

Đồng thời, theo Bộ Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động chính sách của cơ quan soạn thảo chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến mức lương hưu thấp, là do người lao động đóng thấp hay do quy định đóng - hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay, dẫn đến người lao động có mức hưởng bảo hiểm xã hội thấp.  

Trong khi đó, đối với người lao động có mức đóng - hưởng bảo hiểm xã hội cao, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có cơ chế, giải pháp xử lý, theo hướng quy định mức tiền lương tháng cao nhất đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở (Điều 87, Điều 89).

Về đề xuất sửa đổi căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo mới chỉ nêu vấn đề.

Đồng thời, chưa đề xuất được phương án cụ thể để sửa đối căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở, trong trường hợp từ ngày 1/7/2022 không còn quy định mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương. 

Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm.

 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.