Cần nhanh chóng hiện thực hóa những cam kết đầu tư
Là thị trường hấp dẫn nhờ quy mô dân số đông và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài...
“Việt Nam không phải là một thị trường nhỏ mà Việt Nam là một thị trường hàng không rất quan trọng. Chỉ trong vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hàng không lớn cũng như đối tác quan trọng trong ngành”, ông Michael A.Arthur, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch phụ trách Boeing toàn cầu, cho biết.
VIỆT NAM SẼ LÀ MẮT XÍCH QUAN TRỌNG
Với hơn 80% người dân chưa từng đi máy bay, Việt Nam được xem là thị trường có nhiều dư địa để phát triển hàng không. Vì vậy, không khó để lý giải về quyết định mở rộng hợp tác với Việt Nam của Boeing thông qua việc thiết lập văn phòng đại diện và mở các trung tâm kỹ thuật, trung tâm đào tạo và trung tâm sản xuất linh kiện…
“Hiện nay đã có rất nhiều nhà cung cấp linh kiện cho máy bay Boeing đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc làm việc trực tiếp với Boeing, hoặc gián tiếp thông qua các đối tác ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng chúng tôi không muốn chỉ dừng lại ở đây mà muốn mở rộng hơn nữa. Việc tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội hợp tác sẽ giúp Boeing xác định cách thức mở rộng tương ứng”, ông Arthur nói.
Theo đó, cùng với việc đầu tư vào các hoạt động đào tạo, kỹ thuật hay chuyển đổi số trong ngành hàng không, Boeing dự định phát triển nhiên liệu hàng không bền vững từ nhiên liệu sinh học hoặc thông qua công nghệ khác tại Việt Nam.
“Boeing không sản xuất nhiên liệu hàng không nhưng chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác ngành năng lượng. Chúng tôi mong muốn cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tại Việt Nam tìm hiểu các cơ hội hợp tác để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững trong tương lai. Đây là con đường mà chúng tôi dự định theo đuổi”, đại diện Boeing bày tỏ.
Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, với lợi thế về quy mô dân số, sự ổn định về chính trị - xã hội và vĩ mô, những cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh,… Việt Nam nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đã lựa chọn Việt Nam là thị trường chiến lược, một mắt xích quan trọng trong chiến lược đầu tư và kinh doanh.
Đơn cử như mới đây, sau dự án 1,3 tỷ USD đầu tư vào nhà máy sản xuất đồ chơi cho trẻ em tại Bình Dương, Tập đoàn LEGO tiếp tục đề xuất làm trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50MW, dự kiến sẽ được triển khai ngay cạnh nhà máy sản xuất đồ chơi ở Bình Dương để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO phụ trách dự án LEGO tại Việt Nam cho biết dự án không chỉ nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của tập đoàn, mà còn phù hợp với định hướng đầu tư – kinh doanh của LEGO trong việc xác định Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng.
Báo cáo về tình hình kinh tế những tháng đầu năm được Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố mới đây cũng nhận định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
VỐN ĐĂNG KÝ MỚI TIẾP TỤC GIẢM
Không khó để nhận ra những cam kết đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, báo cáo FDI 5 tháng đầu năm 2022 được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy những điểm đáng lưu tâm.
Đó là trái ngược với đà tăng của vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam lại khá đuối. Trong tổng số 11,71 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam, vốn đăng ký mới đạt 4,12 tỷ USD (giảm 53,4% về số vốn so với cùng kỳ), vốn điều chỉnh tăng thêm là 5,61 tỷ USD (tăng 45,4%) và vốn góp mua cổ phần là 1,98 tỷ USD (tăng 51,6%).
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh trong những tháng đầu năm là do so sánh với nền vốn cao của cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng top 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2021 (Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II trị giá 3,1 tỷ USD, Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II 1,31 tỷ USD, Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD, Dự án Nhà máy Polytex Far Eastern Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD và Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD), tổng vốn đầu tư đã lên tới 6,268 tỷ USD.
Song, nếu so với con số 7,44 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký mới những tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn gần 45%. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần lưu tâm đến vấn đề này cho dù Việt Nam vẫn luôn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bởi một điểm tích cực là cho dù vốn đăng ký giảm, vốn thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục tăng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,86 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 686,1 triệu USD, chiếm 8,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 639,8 triệu USD, chiếm 8,3%. “Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
HIỆN THỰC HÓA CAM KẾT
Dù vậy, trước thực tế vốn đăng ký đang giảm, vấn đề lúc này của Việt Nam là phải nhanh chóng đưa những hứa hẹn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trở thành hiện thực, đặc biệt là đối với những dự án quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao...
Để làm được điều này, Việt Nam phải nhanh chóng có chính sách phù hợp và thích ứng với sự thay đổi, vận động của dòng vốn FDI toàn cầu trước những biến động khó lường về địa chính trị cũng như sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI giữa các nước, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… Việt Nam cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, dự án ưu tiên và đối tượng ưu tiên với những tiêu chí rõ ràng và cụ thể.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, ông Phan Hữu Thắng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng “bộ lọc” để rà soát, sàng lọc dự án FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, “bộ lọc” này không có nghĩa là dựng “rào cản” để “làm khó” nhà đầu tư nước ngoài, mà đây chính là cơ sở để xác định dự án cần theo đuổi, nhà đầu tư cần theo đuổi.
“Đặc biệt, trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, phía cơ quan bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để thúc đẩy dự án sớm được đưa vào triển khai”, ông Phan Hữu Thắng khuyến nghị.