Cần những cải cách thực chất để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Chính phủ cần quyết liệt tháo gỡ những rào cản của thị trường để tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp
Mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không phải lúc nào cũng cần những hỗ trợ, ưu đãi mang tính "bầu sữa".
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mở cửa cho doanh nghiệp Việt hội nhập sâu rộng hơn.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân có cơ hội vươn lên và phát triển bền vững, Chính phủ cần quyết liệt tháo gỡ những rào cản của thị trường để tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Cơ chế chính sách phải ổn định
Chia sẻ về những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ nông nghiệp An Đô không ngại ngần đề nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý đang đè nặng lên các doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí kinh doanh, mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Bà cho biết, đối với những công ty nhập khẩu vải quy mô nhỏ như của bà, số lượng mỗi lần nhập rất ít, chỉ khoảng 1-2 tấn với nhiều loại khác nhau. Theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT (Thông tư 21) ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, mỗi lần nhập khẩu ứng với mỗi loại vải khác nhau, bà sẽ cần các mẫu hợp quy tương ứng. Điều này là rất tốn kém và không cần thiết.
"Có những lô hàng nhập khẩu lên tới hàng nghìn mã sản phẩm thì phải cần tới hàng nghìn mẫu hợp quy hay sao?", bà Tú Anh đặt câu hỏi và cho rằng, quy chuẩn theo Thông tư 21 của Bộ Công Thương đề ra chỉ nên áp dụng với nhà máy sản xuất, không áp dụng với doanh nghiệp thương mại.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HMC Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đang xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang thị trường Nhật Bản. Để tiếp cận được thị trường, doanh nghiệp phải tự "bơi", tự khảo sát thị trường và tìm kiếm đối tác, nguồn hàng và giá phải có sức cạnh tranh hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân muốn cạnh tranh và đứng vững trên thị trường rất cần cơ chế chính sách ổn định để yên tâm đầu tư và xúc tiến thị trường.
"Doanh nghiệp cần nhất là mọi thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành được cải thiện, thủ tục nào không cần thiết nên cắt bỏ, giảm tải cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các khâu được vận hành nhanh gọn, xử lý triệt để, chứ không phải chỉ tỉa cắt ngọn trong khi dưới không thực thi thì cái khó chỉ đẩy cho doanh nghiệp, khó vẫn hoàn khó", bà Hạnh chia sẻ.
Trên thực tế, những năm qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản gia nhập thị trường, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan và những thách thức về quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn... Thách thức là vậy, nhưng nếu doanh nghiệp không nỗ lực, tự "bơi", tự đổi mới thì rất khó tồn tại.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) cho biết, hiện chủ trương chính sách thì tương đối tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng, tiềm lực của kinh tế tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thì thiệt thòi hơn rất nhiều. doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho GDP chỉ chiếm hơn 10% khối kinh tế tư nhân (Doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình...) lại giải quyết cho hơn 40% lực lượng lao động.
Theo ông Hưng, khó khăn thường trực của doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực, vốn, công nghệ. doanh nghiệp hiện phải chịu lãi suất 8-10%, lãi suất đầu vào lớn hơn các nước ASEAN (4-5%), nên rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, lại yếu về quản trị và kỹ năng và thái độ làm việc. Về công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải sử dụng công nghệ đi sau các nước. Trong nước, số vốn đăng ký của doanh nghiệp tư nhân kiêm tốn chỉ từ 10-20 tỷ đồng. Từ đó đưa đến hiệu suất và hiệu quả khiêm tốn.
"Nhưng chúng tôi không cần hỗ trợ mang tính "bầu sữa" mà cần sự cải cách thể chế, môi trường đầu tư, quỹ đất đai, nguồn lực và vốn. Cần phải cải cách thể chế cần quyết liệt hơn, có sự thay đổi về chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Cần phải giải quyết triệt để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", để tạo nên một môi trường đầu tư bình đẳng, công bằng để doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh", ông Hưng bày tỏ.
Cần những cải cách thực chất
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet cho rằng, Chính phủ đưa ra các nghị quyết, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển nhưng quan trọng là người thực hiện và sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Dưới góc độ lữ hành, ông Đạt kiến nghị Nhà nước, Chính phủ cần giữ vai trò nhạc trưởng, điều phối các nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Theo ông, xây dựng hạ tầng kết nối như hạ tầng giao thông và các điểm đến phải Nhà nước đầu tư chứ tư nhân không thể làm được. Đơn cử, khi có dự án đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn, việc đi lại thuận tiện hơn và giảm thời gian lưu thông, du khách đến nhiều hơn. Khách du lịch và địa phương sẽ là người hưởng lợi, thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hóa các điểm đến, khu du lịch cũng phải tính đến sự cân bằng lợi ích giữa lợi ích của người dân và Nhà nước, doanh nghiệp. Khi đầu tư xây dựng, người dân bị mất đất, mất nghề thì cần có sự hỗ trợ, đền bù và chuyển đổi nghề nghiệp và làm du lịch, tạo cuộc sống ổn định cho người dân.
Để cho doanh nghiệp tư nhân lớn được, ông Hưng đề nghị cần có sự đối thoại giữa các cấp để tháo gỡ nhưng vướng mắc trong quá trình thực tiễn doanh nghiệp hoạt động và căn cứ trên nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, cơ khí thường thiếu mặt bằng sản xuất nhưng do nguồn lực yếu và thiếu nên không thuê được mặt bằng để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI lại "tốt vốn, tốt công nghệ và tốt thị trường đầu ra" thì lại thuê được mặt bằng tốt, giá lại được ưu đãi.
"Công nghiệp hỗ trợ của chúng ta tại sao chưa phát triển? Đó là vì các cơ sở cơ khí của Việt Nam hiện vẫn làm ở quy mô hộ gia đình, chỉ khoảng 10 người, không có địa bàn hoạt động, không có nguồn lực nên mãi chẳng lớn được. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI chọn các nhà cung cấp, mời chào sang Việt Nam, thì vẫn là những doanh nghiệp FDI với rất nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân vốn là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Lúc đó, cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mất đi, doanh nghiệp đã yếu lại không có "cơ" lớn", ông Hưng phân tích.
Vì vậy, ông đề xuất, với những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của từng tỉnh, khu, vùng có thể địa phương sẽ xây dựng những cụm công nghiệp hỗ trợ, hay các khu công nghiệp họp lại đề xuất các cụm công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó với mặt bằng của mỗi doanh nghiệp từ 1.000 -2.000m2. Giá thuê mặt bằng, chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm đi, được như vậy thì doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội phát triển.
"Để làm được điều này, các bộ, cấp có thẩm quyền phải cởi trói về quy định thành lập cụm công nghiệp tối thiểu 50ha mới được xây dựng cụm công nghiệp mà có thể 20-30ha cũng thành lập được. Khi doanh nghiệp lớn thì có khả năng lựa chọn sự phát triển. Chứ đợi doanh nghiệp đủ vốn, lớn mạnh đầu tư vào khu công nghiệp thì sẽ rất lâu và thui chột ý tưởng đầu tư, kinh doanh", ông Hưng đề xuất.
Cũng theo ông Hưng, nếu làm được sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà rộng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt lớn lên. Một doanh nghiệp tư nhân hoạt động tốt họ chỉ cần 10 - 50 nhân viên như ngành công nghiệp chế tạo liên kết với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sẽ giải quyết được việc làm, Chính phủ thu được thuế, môi trường đầu tư khởi nghiệp tạo sức lan toả.
"Đặc biệt, khi doanh nghiệp hoạt động có địa bàn, cùng nhau sản xuất, kinh doanh, sự quản lý của cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng hơn. An ninh, phòng cháy chữa cháy sẽ được quản lý tốt hơn. Khi tập trung vào cụm thì dần dần doanh nghiệp sẽ có môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng đỡ cùng nhau lớn lên", ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, bà Tú Anh cũng kiến nghị cần phải cải cách và cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế minh bạch, công bằng để phát triển. Trong đó, có cơ chế về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp. Tháo gỡ về vốn vay là vấn đề quan trọng nhất hiện nay để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Đặc biệt, cần phải xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực mang tính chuyên nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.
Cần phải cải cách và cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế minh bạch, công bằng để phát triển. Trong đó, có cơ chế về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp. Tháo gỡ về vốn vay là vấn đề quan trọng nhất hiện nay để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Đặc biệt, cần phải xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực mang tính chuyên nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.