22:47 27/02/2009

Cần vốn cho vay kích cầu, lãi suất huy động VND tăng

Minh Đức

Sau gần 8 tháng thoái trào, và lần đầu tiên trong năm 2009, lãi suất huy động VND của hầu hết các ngân hàng có đợt tăng mới

Tại nhiều ngân hàng, mức lãi suất cao nhất phổ biến là 7,8%/năm.
Tại nhiều ngân hàng, mức lãi suất cao nhất phổ biến là 7,8%/năm.
Sau gần 8 tháng thoái trào, và lần đầu tiên trong năm 2009, lãi suất huy động VND của hầu hết các ngân hàng có đợt tăng mới.

Từ ngày 19/2 – 27/2, hầu hết các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Đây là lần đầu tiên kể từ đợt cắt giảm liên tiếp từ cuối tháng 6/2008, cũng là lần đầu tiên trong năm 2009, lãi suất huy động VND tăng trên diện rộng.

Tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), một trong những thành viên đầu tiên điều chỉnh trong đợt này, mức lãi suất cao nhất được ghi nhận ở 8,2%/năm, áp cho các kỳ hạn từ 9 – 60 tháng từ ngày 19/2. Đây cũng là mức cao nhất trong hệ thống tính đến ngày 25/2.

Tại các ngân hàng thương mại khác, cả quốc doanh lẫn cổ phần, mức cao nhất phổ biến là 7,8%/năm ở các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Và ngày 26/2, Ngân hàng Đại Á (DaiABank) trở thành thành viên có mức lãi suất huy động VND cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng với 8,3%/năm.

Khác với những đợt tăng lãi suất nóng bỏng những tháng đầu năm 2008, đợt điều chỉnh này tập trung mạnh hơn ở các kỳ hạn dài; “đường cong lãi suất” cũng đã được “uốn” theo hướng tăng dần từ các kỳ hạn thấp đến cao.

Nếu trong những tháng đầu năm 2008, lãi suất huy động VND liên tục tăng cao ở các kỳ hạn ngắn là để ứng phó với khó khăn thanh khoản, thì nay, sự hấp dẫn được đặt ở các kỳ hạn dài với mục đích gọi vốn để thúc đẩy cho vay kích cầu. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cuối ngày 27/2 cho biết, hiện số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), việc tăng lãi suất lần này là để phù hợp với diễn biến của thị trường, nhằm chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, đáp ứng kế hoạch giải ngân sắp tới theo định hướng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Đó cũng là nguyên nhân chính để các ngân hàng cùng điều chỉnh lãi suất gọi vốn lần này, tập trung ở các kỳ hạn dài để tạo nguồn tiền gửi ổn định, phục vụ cho nhu cầu dài hạn. Và cho vay kích cầu đang được các thành viên xác định là kế hoạch giải ngân trọng điểm của năm 2009.

Sau 20 ngày đầu tiên triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ, lượng vốn mà hệ thống ngân hàng đã giải ngân ước tính đã đạt gần 80.000 tỷ đồng. Và nếu giải ngân hết theo gói hỗ trợ trị giá khoảng 17.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề ra, lượng vốn tương ứng dự tính có thể lên tới 425.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng dư nợ của hệ thống trong năm 2008.

Cũng theo giải thích từ lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, việc điều chỉnh lãi suất huy động lần này còn nhằm mục đích bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, nhất là khi lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,49%.

Đặt trong bối cảnh lãi suất thấp từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh tăng lần này còn có thể xét đến mục đích cải thiện năng lực huy động. Trong tháng 1, lần đầu tiên sau một thời gian dài, số dư tiền gửi VND của hệ thống ngân hàng đã giảm 0,47%. Và từ trung tuần tháng 2 trở lại đây, lãi suất các kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng tăng trở lại.

Theo số liệu báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng đến ngày 24/2, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn; mức tăng chủ yếu dao động trong khoảng trên dưới 0,5%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng có mức tăng cao nhất lên tới 1,09%/năm. Riêng lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm, giảm 0,17%/năm so với tuần trước đó.