19:56 19/06/2007

“Cần xem lượng ngân hàng hiện tại đã “vừa” chưa?”

"Với đặc thù của ngành ngân hàng, không dễ mở ra như nhiều ngành nghề kinh doanh khác"

Bà Dương Thu Hương.
Bà Dương Thu Hương.
Báo giới vừa có cuộc trao đổi với bà Dương Thu Hương - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội - về hai vấn đề “nóng” của ngành ngân hàng hiện nay.

Đó là quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; và việc khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng của tổ chức tín dụng.

Bà Dương Thu Hương nói:

- Tôi cho rằng chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có nội dung quy định cho vay chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ của ngân hàng, là một trong những biện pháp để tạo ra sự ổn định, lành mạnh cho thị trường chứng khoán.

Bà nghĩ sao về ý kiến cho rằng mức trần khống chế cho vay 3% là quá thấp?

Vay tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán là rất rủi ro, cho nên nếu việc cho vay lớn quá thì khó đảm bảo tính ổn định của những lĩnh vực rất nhạy cảm này. Nếu chúng ta đi sâu vào phân tích những số liệu về dư nợ của các chứng khoán thì sẽ thấy được tính “mong manh” của nó như tôi đã nói.

Hơn nữa, tôi tin rằng chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đã được tính toán dựa trên những số liệu thống kê cần thiết, ví như số liệu thống kê về dòng tiền từ ngân hàng “chảy” sang thị trường chứng khoán.

Tôi được biết mức cho vay cầm cố chứng khoán ở các ngân hàng thương mại quốc doanh (hiện chiếm 70% tổng thị phần tín dụng) chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ này ở các ngân hàng thương mại cổ phần còn cao hơn.

Có ý kiến cho rằng với chỉ thị nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã quá lo xa, can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ngân hàng thương mại?

Chúng ta không nên loại trừ việc có những ngân hàng thương mại cổ phần chạy theo lợi nhuận, cứ cho vay được là cho vay. Rõ ràng trong khi các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ có tốc độ tăng trưởng tín dụng trên dưới 20%, thì các ngân hàng thương mại cổ phần lại có tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn nhiều.

Từ thực tế như vậy, cần phải có hành động gì đó để đảm bảo an toàn cho thị trường tiền tệ cũng như thị trường vốn trong dài hạn, hơn nữa đó phải là một biện pháp kịp thời chứ không phải lúc “bùng” lên vấn đề thì mới đề ra biện pháp.

Dĩ nhiên khi đã có biện pháp rồi, Ngân hàng Nhà nước nên theo dõi xem diễn biến thị trường thế nào, xem diễn biến nhu cầu xã hội ra làm sao, để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay nhiều quốc gia ở châu Á đang có hiện tượng “thừa ngân hàng” và so với nhiều quốc gia khác thì số lượng ngân hàng ở Việt Nam hiện tại là tương đối nhiều?

Chắc chắn là những điều kiện thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo như quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước mới ban hành sẽ khắt khe, nhằm tạo ra rào cản để việc thành lập mới ngân hàng là không dễ dàng, nhất là những ngân hàng có quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cũng nên tính toán lại, với nền kinh tế của đất nước như hiện nay, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang có, với số lượng ngân hàng hiện tại, thì xem đã “vừa” chưa? Nếu “vừa” rồi thì chúng ta cũng cần phải có những biện pháp phù hợp.

Đã có tình trạng “nhà nhà làm ngân hàng” và tình trạng doanh nghiệp hoặc địa phương xin lập ngân hàng để huy động vốn, phục vụ đầu tư cho chính mình, bà nghĩ sao?

Tôi rất lo ngại vấn đề đó. Các hồ sơ xin lập ngân hàng mới cần phải được xem xét kỹ lưỡng, chỉ nên xem xét những ngân hàng có quy mô vốn lớn và có đội ngũ cán bộ đảm bảo chuyên môn.

Rõ ràng, với đặc thù của ngành ngân hàng, không dễ mở ra như nhiều ngành nghề kinh doanh khác, nếu không rồi đến lúc chúng ta sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, trong khi chúng ta vừa mới thực hiện xong việc tái cơ cấu như vậy.

Đặc biệt lo ngại nhất là những ý tưởng thành lập ngân hàng theo kiểu “khép kín”, nghĩa là thành lập để huy động vốn cho vay trong “nội bộ”. Khi tôi còn công tác ở Ngân hàng Nhà nước, thì Ngân hàng Nhà nước rất cân nhắc với việc xin thành lập ngân hàng “khép kín” trong một tổng công ty.