Cảnh giác trước chiêu lừa đảo hỗ trợ sớm xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Cơ quan quản lý lao động khuyến cáo người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, như hỗ trợ để sớm được chủ sử dụng lao động lựa chọn, xuất cảnh nhanh...
Theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), từ ngày 5/3 đến ngày 6/8/2024, đơn vị này đã phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề cho 44.983 người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ GIAN LẬN
Đây là kỳ thi có số lượng người lao động đăng ký dự tuyển đông nhất kể từ kỳ khi Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) áp dụng phương thức thi tiếng Hàn trên máy tính. Kỳ thi diễn ra trong thời gian dài nhất kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về Chương trình EPS.
Trong kỳ tuyển chọn lần này, Hàn Quốc công bố chỉ tiêu tuyển chọn là 15.734 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngư nghiệp 3.033 người.
Trước tình hình người lao động có nguyện vọng đăng ký đông, trong khi cả nước chỉ có 4 phòng thi tiếng Hàn tại Hà Nội (1), Đà Nẵng (2), TP.HCM (1), Trung tâm Lao động ngoài nước đã đề nghị HRD Korea lắp đặt và đưa vào vận hành các phòng thi tiếng Hàn trên máy tính mới, phục vụ kỳ thi Đợt 1/2024.
Cụ thể, lắp đặt mới hoàn toàn 1 phòng thi tại Hà Nội với công suất 50 máy tính. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa cải tạo 2 phòng thi máy tính có sẵn của trường để phù hợp với các tiêu chuẩn của phòng thi EPS- Topkik, với số lượng 70 máy tính/phòng thi, phục vụ riêng cho kỳ thi tiếng Hàn Đợt 1/2024.
Vì vậy, trong kỳ thi tiếng Hàn 2024, có 7 phòng thi tiếng Hàn trên máy tính thay vì 4 phòng thi như các năm trước đây. Việc kịp thời lắp đặt thêm phòng thi đã hỗ trợ người lao động của các tỉnh Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng không phải di chuyển vào Đà Nẵng, TP.HCM để dự thi tiếng Hàn như các năm trước đây. Qua đó, tiết kiệm cho hơn 10.000 người lao động các chi phí đi lại, ăn ở và thời gian di chuyển.
Bên cạnh đó, trong kỳ thi lần này, đã tăng cường thêm các biện pháp để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống gian lận, trong đó có những biện pháp lần đầu tiên được áp dụng như sử dụng thiết bị đọc thẻ căn cước công dân để xác thực sinh trắc học.
Theo đó, khi làm thủ tục kiểm tra thông tin, thẻ căn cước công dân của người lao động sẽ được đưa máy đọc dữ liệu, hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ thông tin người lao động, cho kết quả so sánh, đối chiếu khuôn mặt của người dự thi và dữ liệu trong chip căn cước công dân, để xác nhận đúng người lao động dự thi. Các trường hợp thi hộ, máy sẽ thông báo thông tin không trùng khớp để kiểm tra xử lý.
Người lao động khi dự thi cũng được yêu cầu phải đăng ký định danh điện tử cấp 2 để kiểm tra, xác thực thông tin khi dự thi nhằm phòng ngừa các trường hợp sử dụng giấy tờ giả.
Đây là các biện pháp lần đầu tiên áp dụng trong các kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề, là giải pháp công nghệ hiện đại đáp ứng việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo lộ trình Chính phủ, Bộ Công an xây dựng trong nhiều năm qua.
CHƯA TỔ CHỨC THÊM KỲ THI TIẾNG HÀN MỚI TRONG NĂM 2024
Với các biện pháp nêu trên, các kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề đã được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng, minh bạch, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực.
Trong đó, kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề đã phát hiện 20 người có hành vi gian lận, thi hộ. Những người lao động lao động này sẽ bị cấm tham dự Chương trình EPS trong thời gian 4 năm.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, việc đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, chỉ là điều kiện cần để gửi hồ sơ giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc, không đảm bảo chắc chắn sẽ được sang Hàn Quốc làm việc.
Do việc bảo mật thông tin, cũng như quy trình tuyển chọn ngẫu nhiên, nên không có cá nhân, tổ chức nào tác động được vào quy trình này. Người lao động cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, như hỗ trợ để sớm được chủ sử dụng lao động lựa chọn, xuất cảnh nhanh.
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, người lao động cần tiếp tục duy trì công việc và sinh hoạt bình thường, tránh tâm lý chờ đợi, nóng ruột muốn xuất cảnh nhanh, dễ dấn đến bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.
Trong giai đoạn cuối năm 2024, Trung tâm sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ gửi hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động trúng tuyển trong kỳ thi vừa qua, để kịp thời giới thiệu chủ sử dụng lao động gia tăng cơ hội được tuyển chọn cho người lao động Việt Nam. Theo thống kê, đến nay đã có 15.367 người lao động trúng tuyển.
Theo thông tin từ phía HRD Korea, từ nay đến cuối năm 2024, phía Hàn Quốc sẽ chưa tổ chức thêm các kỳ thi tiếng Hàn mới.
Người lao động có ý định đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần lưu ý kỹ về quy trình, quy định, và các thông tin đặc thù của Chương trình. Từ đó cần xây dựng phương án, bố trí thời gian học tiếng Hàn phù hợp.
Đơn vị cũng khuyến cáo người lao động nên duy trì việc làm hiện có của bản thân song song với việc học tiếng Hàn, như bố trí thời gian học ngoài giờ, học tiếng Hàn trực tuyến trên các website, kênh youtube dạy tiếng Hàn miễn phí.
Đặc biệt, cần cẩn trọng trong việc đăng ký học tiếng tại các Trung tâm không có uy tín, đưa ra các thông tin không rõ ràng, thiếu minh bạch về Chương trình EPS như bao đỗ, hỗ trợ xuất cảnh nhanh, thu học phí cao.
Kỳ thi tiếng Hàn năm 2024 được tổ chức theo sự thống nhất giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Theo Bản ghi nhớ giữa hai Bộ, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Tham gia chương trình, người lao động chỉ phải nộp các khoản chi phí như: Kiểm tra tiếng Hàn (tương đương 28 USD); chi phí phái cử khi được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, lệ phí xin cấp visa, đào tạo định hướng, tương đương 630 USD); và ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh.