12:11 10/02/2009

Cạnh tranh rạp chiếu phim

Nhu cầu của người dân Tp.HCM đối với lĩnh vực giải trí cao cấp, bao gồm rạp chiếu phim, đang tăng rất cao

Rạp Galaxy Cinema - Ảnh: Lê Toàn.
Rạp Galaxy Cinema - Ảnh: Lê Toàn.
Thị trường rạp chiếu phim ở Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Từ doanh nghiệp nước ngoài

Một vài năm trở lại đây, người dân Tp.HCM, đặc biệt là giới trẻ, đã khá quen thuộc với các rạp chiếu phim Megastar Cineplex của Công ty Truyền thông Megastar. Đây là một liên doanh giữa Envoy Media Partners Limited của British Virgin Islands và đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam.

Cuối năm ngoái, liên doanh này cũng đã khai trương rạp Megastar CT Plaza tại quận Tân Bình. Đây là rạp Megastar thứ 2 tại Tp.HCM và thứ 6 trên cả nước, bao gồm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng và Tp.HCM.

Tọa lạc trên tầng 10 của khu mua sắm Parkson CT Plaza nằm ngay trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, Megastar CT Plaza có bảy phòng chiếu với tổng cộng 871 ghế. Tại đây, Megastar cũng thiết kế 9-10 cặp ghế đặc biệt dành cho các đôi tình nhân.

Trong những ngày Tết Kỷ sửu vừa qua, rạp Megastar thứ ba ở Tp.HCM cũng đã được khai trương tại cao ốc Saigon Paragon ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ông Brian Hall, Chủ tịch Công ty Megastar, cho biết nhu cầu của người dân Tp.HCM đối với lĩnh vực giải trí cao cấp, bao gồm rạp chiếu phim, đang tăng rất cao, “do vậy các rạp Megastar thứ hai, thứ ba ra đời để đáp ứng một phần nhu cầu đó”.

Theo thông tin từ công ty, kể luôn rạp chiếu phim tại Phú Mỹ Hưng, Megastar đã đầu tư 25 triệu Đô la Mỹ cho bảy rạp Megastar trên toàn quốc. “Chúng tôi đang tìm thêm hai địa điểm nữa ở Tp.HCM để mở các rạp thứ 4 và thứ 5 tại đây”, ông Hall nói và cho biết thêm Megastar muốn trở thành thương hiệu rạp chiếu phim phổ biến nhất trên cả nước.

Mở cửa vào tháng 9-2007, trong năm 2008 rạp Megastar đầu tiên của thành phố - Megastar Cineplex Hùng Vương Plaza, đã thu hút gần 1 triệu lượt khách. Doanh thu từ tiền bán vé của các rạp Megastar trên toàn quốc trong năm 2008 đạt 7 triệu Đô la Mỹ.

So với các doanh nghiệp trong nước, Megastar được nhận định là có những ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này cũng đang phải cạnh tranh với một hãng chiếu phim nước ngoài khác vừa mới xuất hiện tại Việt Nam là Lotte Cinema của Hàn Quốc.

Lotte Cinema có hai rạp chiếu phim tại Tp.HCM và Đà Nẵng, trong đó rạp đầu tiên nằm trong khu mua sắm Lotte Mart mới khai trương ở quận 7 có sáu phòng chiếu với tổng cộng 1.400 ghế.

Đến doanh nghiệp trong nước

Các doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng đã có những chuyển động để không bị tụt lại phía sau.

Rạp Thăng Long nằm trên đường Cao Thắng, quận 3, hoạt động từ năm 1975 và đã từng là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa giải trí lớn của Tp.HCM. Tuy nhiên, trong khoảng hơn năm năm trở lại đây, rạp này phải cố gắng hết sức để theo kịp các rạp khác trong thành phố với những cải thiện về cơ sở vật chất lẫn dịch vụ, bao gồm cả lần sửa chữa lại toàn bộ vào đầu năm ngoái tiêu tốn khoảng 4 tỉ đồng. Hiện nay rạp Thăng Long có ba phòng chiếu với tổng cộng hơn 1.400 ghế.

Thăng Long là một trong ba rạp chính thuộc sự quản lý của Công ty Truyền thông Sài Gòn. Hai rạp còn lại là Toàn Thắng nằm trên đường Châu Văn Liêm và Đống Đa trên đường Trần Hưng Đạo. Mặc dù chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2006, tuy nhiên nói theo khía cạnh nào đó, công ty hiện vẫn hoạt động theo cơ chế nhà nước vì cổ đông lớn nhất (chiếm 51% vốn) là Công ty Điện ảnh Tp.HCM - một doanh nghiệp quốc doanh.

Bà Trần Nhựt Ánh Loan, Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông Sài Gòn, cho biết sự đổi mới tại các rạp chiếu phim của công ty diễn ra quá chậm, một phần vì các chính sách về tài chính và thủ tục. “Chúng tôi đã đánh mất những ưu thế từng có trong quá khứ”, bà Loan nói. “Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2007 đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại”.

Bà Loan cho biết năm 2008, doanh thu của công ty tăng 100% trong khi lượng khách tăng gấp năm lần so với năm trước đó, đặc biệt là tại rạp Thăng Long. Bình quân, mỗi rạp thu hút hơn 100.000 lượt khách mỗi năm. Theo bà Loan, với cơ sở vật chất và tình hình cạnh tranh như hiện nay thì con số này là tạm chấp nhận được.

Công ty Truyền thông Sài Gòn đang lên kế hoạch nâng cấp hai rạp Toàn Thắng và Thăng Long thành các khu trung tâm thương mại phức hợp trong đó có cụm rạp chiếu phim.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân trong nước mới thâm nhập thị trường này vài ba năm trở lại đây cũng đang có kế hoạch cải thiện dịch vụ và mở rộng mạng lưới.

Tại Tp.HCM hiện nay, Galaxy, Cinebox và Diamond là ba rạp chiếu phim tư nhân được nhắc đến nhiều nhất. Đây cũng được xem như là những doanh nghiệp tiên phong trong việc hình thành khái niệm cineplex - nơi không chỉ để xem phim mà còn có dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đang gặp không ít khó khăn. Nằm tại trung tâm mua sắm Diamond Plaza, rạp Diamond chỉ có ba phòng chiếu với khoảng 400 ghế và không thể mở rộng vì thiếu không gian. Galaxy Nguyễn Trãi, thuộc Công ty Thiên Ngân, thì gặp nhiều trở ngại trong việc nâng cấp vì trung tâm mua sắm Citimart nơi rạp đang cư ngụ có diện tích quá nhỏ.

Bắt đầu mở rạp Galaxy đầu tiên vào năm 2005, Thiên Ngân hiện có hai cụm rạp Galaxy nằm trên đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, quận 1, Tp.HCM.

Trong khi đó, mở cửa từ tháng 9/2003, rạp Cinebox 212 trên đường Lý Chính Thắng cũng có lượng khách riêng ổn định tuy chỉ với hai phòng chiếu với lượng ghế ngồi chưa tới 400. Ngoài ra Cinebox còn có một rạp tại nhà hát Hòa Bình trên đường Ba Tháng Hai, quận 10.

Theo ông Brian Hall, sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp giải trí với sự tham gia của tất cả các thành phần từ nhà nước đến tư nhân và nước ngoài sẽ trở nên khốc liệt hơn, và người được lợi hơn cả là người tiêu dùng vì họ có nhiều lựa chọn hơn.

Bà Ánh Loan, Công ty Truyền thông Sài Gòn, cũng cho biết thêm rằng hiện nay khuynh hướng đi xem phim của người dân đã thay đổi. “Người ta đến rạp không chỉ để xem phim mà còn để được hưởng các dịch vụ tiện ích kèm theo, vì vậy đây được xem là thời điểm phát triển khái niệm cineplex”.

* Một số rạp chiếu phim tại Tp.HCM:

- Thăng Long - 19 Cao Thắng, quận 1.

- Đống Đa - 890 Trần Hưng Đạo, quận 5.

- Toàn Thắng - 102 Châu Văn Liêm, quận 5.

- Galaxy Nguyễn Du - 116 Nguyễn Du, quận 1.

- Galaxy Nguyễn Trãi - 230 Nguyễn Trãi, quận 1.

- Cinebox 212 - 212 Lý Chính Thắng, quận 3.

- Cinebox Hòa Bình - 240 Ba Tháng Hai, quận 10.

- Megastar Hùng Vương Plaza - 126 Hùng Vương, quận 5.

- Megastar CT Plaza - 60A Trường Sơn, quận Tân Bình.

- Megastar Saigon Paragon - Nguyễn Lương Bằng, quận 7.

Trung Châu (TBKTSG)