08:59 26/05/2008

Cấp phép 3G cho Giàu - Giỏi - Gắng

Thanh Hà

“Những doanh nghiệp được cấp phép phải đạt tiêu chuẩn “3G” = Giàu một tí - Giỏi một tí - Gắng một tí”

Đây là thời điểm phù hợp để triển khai 3G tại Việt Nam.
Đây là thời điểm phù hợp để triển khai 3G tại Việt Nam.
Việc triển khai 3G tại Việt Nam đang trở thành một đề tài nóng được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong giai đoạn thực hiện việc thi tuyển giấy phép 3G dành cho các nhà cung cấp thông tin di động ở Việt Nam.

Đây cũng chính là đề tài được bàn thảo sôi nổi tại buổi toạ đàm: “3G và những cơ hội cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức tại Hà Nội ngày 22/5/2008.

Không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động của Việt Nam như MobiFone, Viettel, S-Fone... chủ đề này còn thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như France Telecom, Qualcomm, Ericsson...

Sự hỗ trợ hiệu quả cho 2G

Đa số các doanh nghiệp đều chung quan điểm khi cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để triển khai 3G tại Việt Nam. Đại diện Tập đoàn France Telecom nhận định: giá trị của 3G khác với 2G ở 2 điểm quan trọng, đó là giúp người dùng khi ở nhà cũng như khi ở ngoài đường đều có thể sử dụng dịch vụ đồng thời mang tới cho họ cơ hội sử dụng những dịch vụ đa phương tiện.

Một trong những điểm quan trọng nhất của mạng 3G là phục vụ không giới hạn, do đó đòi hỏi dung lượng của mạng băng rộng phải lớn, chất lượng cao. Ngoài ra, 3G cũng đặc biệt chú trọng đến vai trò đóng góp của người dùng, tức là phải cá nhân hóa dịch vụ.

Còn theo đại diện Qualcomm, thiết bị đầu cuối 3G dành cho thị trường Việt Nam hiện đã sẵn sàng. Tính đến thời điểm tháng 3/2008, đã có hơn 800 các loại thiết bị đầu cuối của hơn 100 nhà cung cấp trong đó riêng chuẩn dành họ HSPA đã có tới khoảng 80 nhà sản xuất với hơn 400 thiết bị hợp chuẩn.

Ông Marc Einstein, đại diện Tập đoàn chuyên nghiên cứu về dữ liệu Frost & Sullivan cho rằng tiềm năng phát triển của 3G của thị trường Việt Nam là rất lớn và cũng sẽ có mức giá cạnh tranh trong tương lai.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty VMS - MobiFone dự báo rằng trong giai đoạn đầu, thị trường 3G của Việt Nam sẽ chỉ phát triển ở mức thăm dò. Trong năm đầu tiên, 3G sẽ vẫn chỉ được xem như là sự hỗ trợ của 2G về dung lượng thoại, đường truyền, các dịch vụ giá trị gia tăng tốc độ cao...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Viettel, cho rằng việc triển khai mạng 3G thành công hay không phụ thuộc vào vấn đề có nhiều người dùng không và vấn đề chi phí. Đại diện doanh nghiệp này cũng công bố: sau 1 năm được cấp phép, Viettel sẽ xây dựng 2000 trạm trên cả nước (cấp huyện, xã) đồng thời hướng đến cung cấp dịch vụ Internet di động băng rộng.

Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng này sẽ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ như download music, videoclip, TV for Mobile, Music for Mobile...

Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng nhận định: thời điểm này cũng không phải muộn để triển khai việc cấp phép 3G bởi có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam triển khai 2G chậm hơn các nước khác. Chi phí triển khai một mạng 2G trung bình vào khoảng 350 triệu USD/mạng trong khi ở Việt Nam còn có có doanh nghiệp chưa hòa vốn hoặc có lãi rất ít.

Mặt khác, việc phát triển 3G cũng phải đi kèm với phát triển công nghệ nội dung (phi thoại). Nếu chỉ dùng dịch vụ thoại thì đầu tư cho 2G rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc triển khai 3G sẽ thúc đẩy sự phát triển của băng rộng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần phổ cập dịch vụ điện thoại cho tất cả người dân. 3G sẽ hỗ trợ cho 2G vì băng tần của 2G hiện đã sử dụng gần hết. Theo khảo sát tại các mạng 3G trên thế giới, có tới 70% ứng dụng voice, chỉ có 30% ứng dụng data.

Giấy phép dành cho những doanh nghiệp xứng đáng

Để triển khai thành công 3G, theo đại diện của France Telecom, cần phải đầu tư cho cả nhân lực và vật lực. So với 2G, mạng 3G có nội dung phong phú, chuyên sâu, đòi hỏi kỹ năng giỏi.

Chính vì vậy, yếu tố cốt lõi để thành công là: nội dung dịch vụ, chất lượng dịch vụ, chi phí sử dụng, đơn giản trong sử dụng, phong phú thiết bị đầu cuối. Mặc dù trên thế giới cũng có doanh nghiệp “chạy thẳng” lên 3G mà không qua 2G, nhưng đại diện của doanh nghiệp này cho rằng một nhà cung cấp khai thác mạng 2G có nhiều cơ hội thành công khi khai thác 3G bởi tiết kiệm được cả vốn đầu tư lẫn nhân lực (trạm phủ sóng, hệ thống cáp...).

Mức tiết kiệm được có thể lên tới 30% chi phí. Ông Marc Einsteins thì nhấn mạnh: các nhà cung cấp nên đặt mục tiêu hợp lý, không nên kỳ vọng quá nhiều trong giai đoạn đầu. Cần chú trọng khâu tiếp thị với người dùng vì đây là khâu rất quan trọng.

Ông Lê Ngọc Minh đề nghị: giấy phép cần cấp cho những doanh nghiệp xứng đáng, có đủ tiềm lực để tránh những thất bại do cấp phép sai. Trong khi những doanh nghiệp ra đời sớm hoặc có số thuê bao di động lớn tỏ vẻ tự tin trong việc thi tuyển để giành 1 trong 4 “suất 3G” thì những doanh nghiệp khác lại có những ý kiến băn khoăn.

Đại diện EVN Telecom khẳng định, hạ tầng của EVN Telecom không thua kém các mạng lớn ở Việt Nam nhưng về thiết bị đầu cuối thì lại gặp khó khăn. EVN vẫn có nhiều cơ hội để giành được giấy phép nhưng phải gắng sức rất nhiều. EVN ra đời chậm nhất, được cấp tần số thấp không phải của Mobile nên khá thiệt thòi.

Còn đại diện S-Fone thì chia sẻ, doanh nghiệp này luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia thi tuyển. Mặc dù gặp khó khăn ở thiết bị đầu cuối (ít người dùng hơn, chi phí cao hơn...) và vấn đề roaming nhưng S-Fone vẫn cố gắng bằng mọi cách để giành được giấy phép và sẽ có những phương án khả thi để chứng minh.

Xung quanh vấn đề thi tuyển và cấp phép 3G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định chọn hình thức thi tuyển chứ không đấu giá. Đấu giá sẽ làm tăng chi phí về giấy phép, ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc thi tuyển sẽ dựa vào 4 tiêu chí chính gồm: tài chính và đầu tư; kỹ thuật và nghiệp vụ; kinh doanh - thương mại; nhân lực. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng phải có quyết tâm cao để được cấp phép. “Những doanh nghiệp được cấp phép phải đạt tiêu chuẩn “3G” = Giàu một tí - Giỏi một tí - Gắng một tí”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng ví von.

Bộ Thông tin và Truyền thôngchỉ cấp phép 3G cho những nhà cung cấp có giấy phép 2G. Cơ hội cấp phép chia đều cho các doanh nghiệp, không phân biệt CDMA hay GSM, bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ 4 tiêu chí sẽ được cấp phép 3G. Nhưng để tránh việc thất hứa (nhận giấy phép rồi lại không làm), Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đặt cọc một khoản. Nếu doanh nghiệp vi phạm hoặc không làm đúng cam kết sẽ bị phạt, trừ vào tiền đặt cọc.