08:40 19/03/2014

Câu hỏi khéo Putin dành cho Tổng thống Mỹ

An Huy

Đâu là sự khác biệt giữa trường hợp của Crimea và Kosovo?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói tới tới “tiền lệ Kosovo” - đề cập 
tới việc Mỹ và nhiều nước châu Âu (không bao gồm Nga) công nhận tuyên bố
 độc lập hồi năm 2008 của Kosovo, cho dù Kosovo khi đó vẫn là một phần 
của Serbia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói tới tới “tiền lệ Kosovo” - đề cập tới việc Mỹ và nhiều nước châu Âu (không bao gồm Nga) công nhận tuyên bố độc lập hồi năm 2008 của Kosovo, cho dù Kosovo khi đó vẫn là một phần của Serbia.
Cho dù các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu có nói gì, có vẻ như đại bộ phận dân chúng Crimea chỉ cảm thấy quá vui mừng khi vùng này tách khỏi Ukraine và gia nhập liên bang Nga. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở Crimea vào ngày Chủ Nhật bị phương Tây coi là không phù hợp với hiến pháp Ukraine và diễn ra dưới sức ép của các lực lượng ủng hộ Nga, rằng các cử tri không có cơ hội để bỏ phiếu chống.

Tuy nhiên, trong một bài bình luận trên trang CNN, tác giả Simon Tisdall (*) viết, bất chấp những gì phương Tây nói, có một sự thật rất rõ ràng là phần đông dân chúng Crimea, ngoại trừ người Tatar thiểu số và một số người dân tộc Ukraine, đều vui sướng với việc “về nhà”, quay trở lại với đất nước mà họ coi là ngôi nhà của tổ tiên.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý được công bố là 83% - một con số có phần đáng ngờ và có thể đã bị thổi phồng. Tuy nhiên, thông tin độc lập về những cuộc ăn mừng của người Crimea sau trưng cầu dân ý đã cho thấy, kết quả nói chung phản ánh đúng những ước nguyện của người dân, và đây là một cuộc bỏ phiếu dân chủ.

Vì lý do này, có lẽ là không khôn ngoan khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và những người đồng cấp châu Âu của ông tuyên bố sẽ “không bao giờ” công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea.

Cuộc khủng hoảng ở Crimea nổ ra khi các lực lượng bài Nga ở Kiev lật đổ Tổng thống được bầu dân chủ của nước này là ông Viktor Yanukovych. Hành động này cũng là bất hợp pháp theo hiến pháp Ukraine và hầu như không nhận được sự đồng tình ở Crimea. Tuy vậy, hành động này lại nhận được cái “gật đầu” nhanh chóng từ Washington và châu Âu.

Đến thời điểm hiện tại, trước thành công của các lực lượng ủng hộ Nga ở Crimea và một kết quả chính trị khiến ông Obama không mấy hài lòng, người đứng đầu Nhà Trắng lại từ chối chấp nhận thực tế này.

Tuy nhiên, theo tác giả Tisdale, ông Obama không thể có cả hai thứ mà ông muốn.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama hôm Chủ nhật vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói tới tới “tiền lệ Kosovo” - đề cập tới việc Mỹ và nhiều nước châu Âu (không bao gồm Nga) công nhận tuyên bố độc lập hồi năm 2008 của Kosovo, cho dù Kosovo khi đó vẫn là một phần của Serbia.

Câu hỏi “khéo” mà người đứng đầu điện Kremlin đưa ra cho ông Obama ở đây là: Đâu là sự khác biệt, giữa trường hợp của Crimea và Kosovo?

Chương 1 của Hiến chương Liên hiệp quốc đã khẳng định quyền tự quyết của người dân.

Ở Nam Sudan (nước giành độc lập vào năm 2011), ở Đông Timor, ở Croatia và Montenegro, và nhiều nước vùng Balkan khác, Mỹ và các nước đồng minh đều giơ cao và khuyến khích nguyên tắc này. Một quy trình tương tự đang diễn ra ở Scotland. Nếu vùng tự trị Catalonia của Tây Ban Nha có được sự tự do như vậy, thì vùng này cũng có thể tách khỏi Madrid.

Câu trả lời mà các chính phủ phương Tây đưa ra khi đối mặt với “tiền lệ Kosovo” là, mỗi trường hợp là khác nhau và thực chất là riêng biệt, không có điểm chung. Phương Tây cũng cho rằng, mỗi trường hợp cần có cách xử lý riêng. Tuy nhiên, đây cũng là một lập luận thiếu tính thuyết phục, giống như học thuyết tuyên bố rằng việc “tôi” xâm lược một quốc gia (chẳng hạn như Iraq hay Afghanistan), là hợp pháp và phù hợp về mặt đạo đức còn việc “anh” xâm lược thì không.

Về phương diện thực tế cũng như lý thuyết, sẽ là một sai lầm nếu đưa việc Crimea vội vã nhưng tự nguyện tách khỏi Ukraine thành một vấn đề lớn trên nguyên tắc không thể bao giờ có sự nhượng bộ. Cách làm như vậy sẽ che mờ bức tranh lớn hơn. Thách thức đối với Tổng thống Obama và EU không phải là số phận của Crimea, mà là sự tách rời gây bất ổn của bán đảo này sẽ có ảnh hưởng ra sao tới tương lai của Ukraine cũng như toàn bộ khu vực nói chung.

Các lệnh trừng phạt và các biện pháp trả đũa khác đang được Moscow, Washington và Brussels lên kế hoạch sẽ phụ thộc vào việc Nga sẽ làm hoặc không làm gì tiếp theo, nhất là tại các thành phố miền Đông của Ukraine - nơi những cộng đồng lớn người dân tộc Nga đang sống bên cạnh những người Ukraine không phải dân tộc Nga. Chính sách phủ đầu cũng có thể được Nga áp dụng với Moldova, quốc gia có một vùng ủng hộ Nga là Transnistria, với các nước vùng Baltic, và với Georgia - nơi Tổng thống Putin có khả năng sẽ tiến hành một cuộc can thiệp nữa.

Trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Putin đã một mình đứng trong phe thiểu số, bởi Chương 1 Hiến chương Liên hiệp quốc ghi rõ: “Trong quan hệ quốc tế, tất cả các thành viên phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ nhà nước nào”.

Liệu ông Putin có đi ngược lại nguyên tắc nói trên trong vấn đề Crimea có lẽ là một chủ đề ngỏ cho các cuộc tranh luận.

Tuy nhiên, khu vực miền Đông của Ukraine, với dân số thuộc nhiều thành phần dân tộc, di sản và lòng trung thành khác nhau, đây sẽ là một vấn đề khác, một điều mà ngay cả Trung Quốc -  nước không ủng hộ Nga tại Liên hiệp quốc trong vấn đề Crimea - cũng hiểu rõ. Nếu một Tổng thống Putin cứng rắn mắc sai lầm khi cho rằng, ông có thể áp dụng cách làm tương tự như đối với Crimea vào các khu vực này, ông có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả rất lớn.

Hậu quả đó đồng nghĩa với những hành động trừng phạt mạnh mẽ hơn nhiều so với các lệnh cấm visa, hạn chế đi lại và phong tỏa tài sản đối với quan chức Nga mà Mỹ và phương Tây công bố ngày 17/3. Các lệnh trừng phạt như áp dụng đối với Iran, nhằm xuất khẩu năng lượng, đầu tư, ngân hàng và các ngành kinh doanh cũng như hoạt động thương mại chủ chốt khác, như xuất khẩu vũ khí, có thể sẽ phù hợp hơn trong trường hợp như vậy. Ngoài ra, Mỹ và châu Âu còn có thể hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Kiev, như đề xuất mà Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain đã đưa ra.

(*) Tác giả bài viết là một biên tập và nhà báo chuyên mục về đối ngoại của tờ báo Anh Guardian. Ông Tisdall cũng từng là biên tập viên về đối ngoại của tờ Observer. Các ý kiến nêu trong bài viết này hoàn toàn là ý kiến cá nhân của ông Tisdall.