Cầu “triệt thoái” xuống vùng giá thấp, thị trường lao dốc nặng
Thanh khoản chiều nay tăng rất ít, nhưng cổ phiếu giảm giá sâu hơn nhiều so với phiên sáng. Đó là hiệu ứng của việc bên mua đã rút lệnh xuống vùng giá thấp hơn, trong khi bên bán cần khớp được lệnh để rút tiền về. VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, giảm 0,88% so với tham chiếu...
Thanh khoản chiều nay tăng rất ít, nhưng cổ phiếu giảm giá sâu hơn nhiều so với phiên sáng. Đó là hiệu ứng của việc bên mua đã rút lệnh xuống vùng giá thấp hơn, trong khi bên bán cần khớp được lệnh để rút tiền về. VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, giảm 0,88% so với tham chiếu.
Mức giảm hôm nay ở chỉ số là mạnh nhất kể từ giữa tháng 4 vừa qua và cũng là phiên bẽ gãy xu hướng rõ nhất kể từ khi VN-Index chạm tới vùng đỉnh cũ tháng 1/2023. Số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,8 lần số tăng trên sàn HoSE, trong đó 19 mã giảm sàn, toàn là những mã siêu “hot” gần đây.
Không có gì bất ngờ khi nhóm cổ phiếu đầu cơ lại chịu tác động mạnh nhất khi thị trường đảo chiều. Đầu tiên là mức lời quá tốt trước đó, nên việc bán hạ giá vẫn đem lại lợi nhuận tốt. Thứ hai là thanh khoản lớn ở nhóm này trong 3 tuần qua thể hiện sự tâm trung lớn của dòng tiền đầu cơ, thậm chí cả margin, nên áp lực phải hành động cũng lớn hơn. Thứ ba, đà tăng giá ở nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ không thật sự phản ánh kỳ vọng cơ bản, chủ yếu do hiện tượng đầu cơ.
Trog 19 cổ phiếu giảm sàn hôm nay, không ít mã đã đem lại lợi nhuận cao choáng váng nếu đầu cơ đúng thời điểm. Đơn cử PSH từ cuối tháng 4/2023 đến 9/6 vừa qua đã tăng gần 140%. Kể cả hôm nay giá giảm sàn thì biên độ điều chỉnh 7 phiên vừa qua cũng chỉ khoảng 14,5%. EVG từ đầu tháng 5 đến ngày 8/6 tăng 144%, 7 phiên điều chỉnh gần nhất mới giảm 23,7%. Loạt mã khác như TDG, HVX, SGR, TNT, SJF… cũng giảm sàn phiên này sau nhịp tăng dựng đứng trước đó.
Áp lực bán chiều nay có tăng lên, nhưng không chỉ từ một phía khiến giá lùi sâu hơn. Thanh khoản hai sàn niêm yết chỉ đạt 7.389 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8% so với phiên sáng cho thấy giao dịch không có gì đột biến. HoSE chỉ tăng gần 10%, đạt 6.520 tỷ đồng. Mức thanh khoản này cho thấy tiếp tục có hiệu ứng của cầu thoái lui nên giá dễ tụt xuống nhiều hơn mà không gặp lực đỡ.
Thực vậy, buổi sáng HoSE mới ghi nhận 131 cổ phiếu giảm trên 1% giá trị, đến chiều con số này là 160. Mức giảm quá 2% buổi sáng khoảng 74 mã, duy nhất 4 mã giảm sàn, đóng cửa tới 103 mã, với 19 mã sàn. Thanh khoản ở nhóm giảm trên 2% chiếm tới 25% tổng khớp sàn HoSE với nhiều mã chịu áp lực cực lớn: NVL giảm 6,04% với 962,3 tỷ đồng thanh khoản; PDR giảm 4,15% với 415,9 tỷ; GEX giảm 2,88% với 232,4 tỷ; NKG giảm 2,38% với 121,3 tỷ… Nhóm TTF, EVG, NHA, PSH cũng giảm sàn với hàng chục tỷ đồng thanh khoản.
Nhóm blue-chips VN30 chiều nay cũng yếu hơn buổi sáng đáng kể, nhưng độ rộng không quá tệ với 10 mã tăng/18 mã giảm. Ảnh hưởng quá mạnh là nhóm trụ: VCB giảm 3,14% lúc đóng cửa, VIC giảm 2,62%, VHM giảm 1,79%, TCB giảm 1,83%, MSN giảm 2,74%... đều rơi sâu hơn phiên sáng. VN30-Index đóng cửa giảm 0,91%. Điểm tích cực là thanh khoản ở nhóm này chiếm 35,2% tổng khớp sàn HoSE. Nếu có dòng tiền bắt đáy ở nhóm blue-chips thì thị trường có cơ hội cân bằng ở vùng điểm thấp hơn.
Khối ngoại chiều nay đảo chiều bán ròng lớn. Cụ thể, giá trị bán ra riêng phiên chiều đạt 722,3 tỷ đồng, mua vào 436 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 286,3 tỷ đồng trong khi buổi sáng mua ròng 179 tỷ. Lý do là khối này giao dịch lớn tại NVL, bán ròng 343,7 tỷ đồng. Ngoài ra VNM -65,6 tỷ, VCB -53,8 tỷ, VIC -32,1 tỷ, MSN -21,2 tỷ, HDB -22 tỷ là các mã khác bị bán đáng kể. Phía mua ngoài chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 231,6 tỷ đồng từ sáng, thêm VCI +65,7 tỷ, NLG +21,5 tỷ, HPG +25,3 tỷ, SSI +23,6 tỷ, DGW +23,6 tỷ và hai chứng chỉ quỹ khác là FUESSVFL và FUEKIVFS.