Cha đẻ "gạo ngon nhất thế giới" nhờ quản lý thị trường bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam
Gia đình ông Hồ Quang Cua đã gửi đơn đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam...
Trong đơn "kêu cứu", gia đinh cho biết: ST24, ST25 là sản phẩm lúa, gạo được nhóm tác giả tại Sóc Trăng, do ông Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm, lai tạo phát triển giống từ năm 1998. Qua hơn 22 năm nghiên cứu với nhiều nỗ lực, nhóm tác giả đã cho ra đời nhiều giống lúa thơm thích nghi với vùng đất tỉnh Sóc Trăng.
Năm 2019, tại Hội nghị Gạo Thế giới thường niên lần thứ 11 diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 11-13/11, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” cho loại gạo ST25.
Tiếp đến năm 2020, gạo ST25 cũng đạt giải cao tại cuộc thi “Gạo ngon nhất Thế giới”.
Cuối tháng 04/2021, dư luận xôn xao bởi thông tin có 04 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Ngày 03/5/2021, Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp tới báo chí thông tin Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung “Gạo ngon nhất thế giới”.
Ngoài ra, ngay khi các thông tin về doanh nghiệp Mỹ đăng ký sở hữu thương hiệu ST25, một doanh nghiệp của Úc cũng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu sở hữu với ST25 tại Úc. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.
Trở lại với thị trường Việt Nam, sau khi giành ngôi vị vinh quang tại cuộc thi toàn cầu lúa gạo về cũng là thời điểm sản phẩm gạo ST25 phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giả mạo nhãn hiệu tại thị trường nội địa.
Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất Thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong việc xử lý các đơn vị mà gia đình ông Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.
Hiện nay, doanh nghiệp gia đình ông Hồ Quang Cua mới có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Hai nhãn hiệu khác mang nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong quá trình chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tổng cục Quản lý thị trường đã trao đổi, hướng dẫn đại diện gia đình ông Hồ Quang Cua tiến hành hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho 02 nhãn hiệu nêu trên, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu gạo nổi tiếng này.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục chủ động, rà soát và phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ gia đình ông Cua nói riêng cũng như các doanh nghiệp nói chung để bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Rút kinh nghiệm từ việc đánh mất thương hiệu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế, Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, chủ động xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, Thương vụ, Cục Sở hữu trí tuệ, các Bộ ngành liên quan để được hỗ trợ thủ tục cần thiết trước, trong và sau quá trình dự thi, tham gia kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.
Đồng thời, cần chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có rất phổ biến hiện nay. Đây cũng là cách để bảo vệ thành quả, sức lao động và chất xám, bảo vệ thành tựu của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung.