15:39 26/10/2022

Chậm đóng bảo hiểm xảy ra phổ biến ở tất cả loại hình doanh nghiệp

Nhật Dương

Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh...

Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về các chính sách bảo hiểm ngày 26/10.
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về các chính sách bảo hiểm ngày 26/10.

Thông tin được đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý 3/2022, sáng 26/10. 

HƠN 17 TRIỆU NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI 

Thông tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, tính đến hết quý 3/2022, các chỉ tiêu về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, độ bao phủ phát triển người tham gia cơ bản tăng so với cùng kỳ và thời điểm tháng 12/2021, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có xu hướng giảm.

Kết quả, tính đến hết tháng 9/2022, đã có trên 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc gần 15,73 triệu người và bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,35 triệu người), đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 537.000 người so với cuối năm 2021.

Đã có gần 87,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 88,4% dân số; trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627.000 người với cùng kỳ năm 2021.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại hội nghị. 
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại hội nghị. 

Cũng trong quý 3, toàn Ngành đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 7,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm 2021; gần 895.000 lượt người hưởng chế độ thai sản; trên 683.000 lượt người hưởng mới các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tăng 40,56% so với cùng kỳ năm 2021; gần 106,5 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021…

ÁP DỤNG TRIỆT ĐỂ CÁC GIẢI PHÁP THU HỒI NỢ BẢO HIỂM 

Về công tác thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, tính đến hết tháng 9/2022, cơ quan công an và cơ quan bảo hiểm xã hội ở tất cả các tỉnh, thành phố đã thu hồi nợ đọng gần 500 tỷ đồng.

Đối với việc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, theo ông Cường, thực tế có nhiều vướng mắc về chính sách, thẩm quyền trong việc phát hiện, áp dụng hành vi vi phạm.

Do vậy, việc khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội còn gặp một số khó khăn, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để tạo sự đồng bộ giữa pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, bảo đảm cho quá trình kiến nghị khởi tố, tiếp nhận điều tra, khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Cường, hiện việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao; cố tình dây dưa, chây ỳ để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh.

Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia.

Ông Cường cho biết, trong thời gian tới, cơ quan bảo hiểm xã hội và lực lượng công an sẽ tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đặc biệt, sẽ chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, chủ động tăng cường xây dựng kế hoạch thanh tra liên ngành công an và bảo hiểm xã hội đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu củng cố, hoàn thiện hồ sơ để khởi tố một số đơn vị có hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, những tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ.

Trong đó là giải pháp tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra…