17:59 11/04/2023

Chậm trễ tái khởi động dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sau 12 năm đình hoãn

Anh Tú

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa bị dừng hoãn cách đây trên 12 năm. Dù dự án dự kiến được khởi công ngay trong năm 2023 để hoàn thành trong năm 2025, tuy nhiên, đến nay, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vẫn chưa trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án...

Bộ Giao thông vận tải đốc thúc các đơn vị khẩn trương triển khai dự án và phê duyệt dự án trong quý 2/2023.
Bộ Giao thông vận tải đốc thúc các đơn vị khẩn trương triển khai dự án và phê duyệt dự án trong quý 2/2023.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Thông báo số 99/TB – BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp báo cáo dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

BỊ PHÊ BÌNH VÌ CHẬM TRỄ TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3950/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2007 với quy mô đường cấp III 2 làn xe.

Dự án đã được khởi công và triển khai xây dựng từ năm 2009, tuy nhiên thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ dự án đã bị đình hoãn từ năm 2011.

Thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1032/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe.

 

"Theo chủ trương đầu tư được duyệt, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án trong năm 2023, hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vẫn chưa trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là chậm so với yêu cầu", thông báo nêu rõ.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phê bình Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chậm trễ trong việc triển khai dự án.

Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo tư vấn hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các thủ tục khác có liên quan, đủ điều kiện phê duyệt dự án trong quý 2/2023, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo khởi công dự án trong năm 2023.

CÁC ĐƠN VỊ KHẨN TRƯƠNG ĐỂ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN NGAY TRONG QUÝ 2

Trong văn bản này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn dự án chịu trách nhiệm rà soát, chịu trách nhiệm về khối lượng công việc đã thực hiện và hoàn tất các thủ tục có liên quan để quyết toán công trình theo quy định; nghiên cứu các vấn đề Kiểm toán nhà nước, Thanh tra đã nêu để có phương án khắc phục trong quá trình triển khai.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa tái khởi động lại ngay trong năm 2023.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa tái khởi động lại ngay trong năm 2023.

Hai đơn vị nói trên còn được giao khảo sát, đánh giá chi tiết khả năng sử dụng các hạng mục công trình đã thi công để tận dụng tối đa hoặc thiết kế tăng cường (nếu cần); nghiên cứu lựa chọn các giải pháp thiết kế trắc dọc, trắc ngang tuyến, nút giao, công trình cầu, cống, cầu vượt ngang, hầm chui dân sinh… cho phù hợp trong giai đoạn trước mắt, thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu thiết kế, tận dụng tối đa các hạng mục công trình đã thi công và tiết kiệm chi phí.

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn dự án cũng sẽ phải làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, tư vấn của các dự án cao tốc giao cắt với dự án như: Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 4 TP.HCM, tuyến Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng… để thống nhất các nội dung liên quan.

Cùng với đó, điều tra, khảo sát, thỏa thuận với địa phương về các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải sử dụng cho dự án, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, không phát sinh trong quá trình triển khai. 

 

"Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn dự án cũng cần phối hợp với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng của địa phương và các đơn vị có liên quan rà soát phạm vi đã giải phóng mặt bằng đã thực hiện trước đây. Do dự án đã bị dừng giãn cách đây trên 12 năm nên việc khôi phục, cắm cọc giải phóng mặt bằng đã bị mất để bàn giao cho địa phương quản lý là cần thiết", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì cùng Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trường và xem xét cụ thể các vấn đề liên quan, báo cáo Bộ Giao thông vận tải các nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Tài chính khẩn trương thực hiện công tác quyết toán dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3950/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2007 với các hạng mục đã đầu tư.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 1032/QĐ - BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dư án đầu tư xây dưng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Dự án có mục tiêu là hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư tại đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo Quyết định số 1032, dự án có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thô thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (tiếp giáp với đoạn tuyến đã được đầu tư tại Quyết định 3950/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2007 của Bộ Giao thông vận tải); điểm cuối giao với Quốc lộ N2, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 72,75 km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với Quốc lộ 22 đã được đầu tư) với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, tiêu chuẩn hình học phù hợp đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tuyến có bề rộng nền đường 12,25 m, bề rộng mặt đường 11,25 m, lề đất 2 bên rộng 1 m; giữ nguyên theo hướng tuyến hiện hữu đang thi công dở dang, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo cấp đường.