14:48 01/07/2019

Chán ăn tinh thần: bệnh lý của những ám ảnh

Hoài Phương

Quá ám ảnh về cân nặng dẫn đến sợ đồ ăn, ăn kiêng thái quá, nhịn ăn hay uống thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn... đều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.


Trung bình, cơ thể cần khoảng 30kcal/kg/ngày với đủ 4 nhóm dưỡng chất là tinh bột – đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để duy trì hoạt động sống. Khi chán ăn do cưỡng ép, cơ thể có nguy cơ bị thiếu năng lượng, dưỡng chất. Các cơ quan sẽ dần suy yếu, sức đề kháng kém, chức năng sinh dục giảm, trí nhớ giảm, tốc độ lão hóa tăng. Lục phủ ngũ tạng đều bị ảnh hưởng, hạ thân nhiệt, mất nước, rối loạn điện giải, tăng cholesterol máu và caroten huyết thanh, giảm đường máu và các men gan tăng.Việc chủ động gây chán ăn của nhiều chị em với mong muốn cấp tốc giảm cân được xếp vào nhóm "chán ăn tinh thần". Hội chứng chán ăn tinh thần thường khởi phát từ giai đoạn 15 - 19 tuổi. Càng ngày càng nhiều trẻ em và phụ nữ bị bệnh, bệnh tiến triển mạn tính, thời gian trung bình là 7 năm, thường không phục hồi sức khỏe hoàn toàn, phụ nữ chán ăn mạn tính thường có tính di truyền với các con gái.
Chán ăn tinh thần: bệnh lý của những ám ảnh - Ảnh 1.
Biểu hiện của hội chứng chán ăn là việc hạn chế sự tiêu thụ thức ăn, lựa chọn thức ăn ít năng lượng và ăn ít (tránh các thức ăn nhiều carboihydrat, nhiều mỡ, thức ăn nhiều sợi, nhiều vitamin...). Quá quan tâm đến ý nghĩa của các loại thức ăn. Bệnh nhân tự gây nôn, lạm dụng các chất nhuận tràng và lợi tiểu để làm sụt cân, luyện tập liên tục không nghỉ...Theo một thống kê, đã có 10% người mắc chứng chán ăn tử vong và 30% phải đối mặt với các căn bệnh mãn tính kéo theo. Đặc biệt trong số đó, thế giới ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do sử dụng các biện pháp cưỡng bức cơ thể chán ăn lâu ngày. Tuy nhiên, hội chứng chán ăn tinh thần nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt trong vòng 1 năm từ lúc khởi phát.
Chán ăn tinh thần: bệnh lý của những ám ảnh - Ảnh 2.
Bệnh nhân thường bị hạ huyết áp, nhịp tim chậm, mất nhịp, kích thước tim giảm, ngộ độc cơ tim do các chất gây nôn, tràn dịch màng tim, hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Và rất ảnh hưởng đến thần kinh như giả teo não trên chụp cắt lớp sọ não, điện não đồ bất thường và các cơn co giật, viêm thần kinh ngoại vi, chèn ép dây thân kinh, hoạt động thần kinh thực vật bị rối loạn.
Thiếu máu thiếu sắt, giảm tế bào tủy xương, giảm protein huyết tương, thận bị tăng nitơ máu, suy thận cấp và mãn. Những bệnh nhân chán ăn dễ bị nhiễm vi khuẩn do hệ miễn dịch bị giảm sút, táo bón, tắc ruột, u hắc tố đại tràng. Ngoài ra về cơ xương thì các bệnh nhân thường bị chuột rút, giảm trương lực cơ, loãng xương, dễ gãy xương.Thách thức lớn nhất trong việc điều trị bệnh biếng ăn là giúp người bệnh nhận ra họ đang mắc bệnh. Đa số bệnh nhân chán ăn tinh thần phủ nhận rằng họ đang mắc bệnh, và chỉ đồng ý điều trị khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Do đó việc điều trị thường sẽ rất khó khăn và cần hỗ trợ rất lớn từ gia đình của bệnh nhân.
Chán ăn tinh thần: bệnh lý của những ám ảnh - Ảnh 3.
Phương pháp điều trị đầu tiên được sử dụng thường đến từ các bác sỹ tâm lý. Liệu pháp ngôn ngữ có mục tiêu là thay đổi suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân để khuyến khích họ quay trở lại thói quen ăn uống lành mạnh. Liệu pháp này tỏ ra có hiệu quả hơn ở những bệnh nhân tuổi teen, hoặc bệnh nhân chỉ vừa mắc bệnh trong thời gian ngắn. Các liệu pháp ngôn ngữ thông dụng bao gồm: thảo luận, tâm sự, trò chuyện theo nhóm; có sự tham gia động viên của gia đình…Bước thứ hai sẽ là sử dụng dược phẩm. Hiện chưa có loại thuốc nào có thể trực tiếp điều trị bệnh chán ăn tinh thần, nhưng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rối loạn thần kinh và ổn định thần kinh có thể giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị.