15:34 11/11/2008

Chất vấn tại Quốc hội: “Truy” trách nhiệm!

Minh Thúy

Ghi nhận những nội dung chính từ phiên trả lời chất vấn đầu tiên của các bộ trưởng trước đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Thuyết phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Thuyết phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN.
Phát biểu mở đầu nội dung chất vấn sáng 11/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết đến 17h ngày 10/11 đã có có 292 chất vấn của 126 vị đại biểu Quốc hội, gửi đến 21 bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ.

"Bị" chất vấn nhiều nhất là Bộ Công thương, với 50 chất vấn, Thủ tướng Chính phủ nhận được 43 chất vấn.

Về cách thức tiến hành, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ có những cải tiến nhất định theo hướng tập trung, mạch lạc, thiết thực, vấn đề nào dứt vấn đề đó.  Hỏi tập trung và trả lời tập trung theo từng nhóm vấn đề, có thể mời những bộ trưởng liên quan cùng trả lời để làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra để có thể đi đến kết luận.

Chủ tịch cũng yêu cầu các bộ trưởng dứt khoát không đọc lại văn bản, trả lời thẳng vào vấn đề. Trước khi trả lời, cần báo cáo ngắn gọn với Quốc hội về việc thực hiện lời hứa từ các kỳ trước để đảm bảo hậu giám sát, Chủ tịch nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Tôi không trả lời báo chí là sẽ đóng cửa Vedan

Cho biết đã nhận được 24 câu hỏi liên quan đến ô nhiễm môi trường, hơn một nửa số đó đề nghị làm rõ trách nhiệm của Vedan, đặc biệt là việc đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, Vedan đã nhận ra khuyết điểm và chấp nhận toàn bộ sai phạm.

Theo ông, Vedan đã thực hiện khá nghiêm túc, 5 đường cống thì phá 3 đường rồi, còn 2 đường hiện nay đang hàn lại. Bể xử lý nước thải bắt đầu lắp đặt thiết bị và Vedan cam kết trong vòng 3 tháng sẽ làm được hệ thống thiết bị cũ và hệ thống thiết bị mới trong vòng độ khoảng 5 đến 8 tháng với công suất tăng gấp 2-3 lần.

"Vedan cũng đã nộp đủ tiền phạt là 257 triệu, còn liên quan đến khoản phạt 127 tỷ thì Vedan đã nộp 15 tỷ và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ nộp 50% số đó, việc này cũng được chúng ta đồng ý và cho đến hết năm 2009 sẽ nộp số tiền 127 tỷ còn lại", ông Nguyên nói.
 
Về trách nhiệm của Bộ, theo Bộ trưởng thì bộ này đã cố gắng tối đa trong việc theo dõi kiểm tra, và xử lý vi phạm về môi trường. Song lực lượng còn yếu,  kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi nhiều đối tượng vi phạm có tổ chức, lại rất tinh vi.

“Bộ đã rút kinh nghiệm vụ Vedan, chúng tôi và địa phương không đùn đẩy cái gì cả, vì dừng sản xuất của nhà máy là trách nhiệm của địa phương. Báo cáo với các đại biểu Quốc hội là chúng tôi với Đồng Nai đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ”, Bộ trưởng Nguyên khẳng định.

Không đồng tình, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) tiếp tục “truy”: "Tôi có hỏi vì sao Vedan đến nay chưa đình chỉ hoạt động  nhưng Bộ trưởng chưa trả lời, trong khi Bộ trưởng đã trả lời trên báo Lao Động ngày 23/10/2008 là là nhất định phải đóng cửa nhà máy này.

Về câu hỏi trước những vi phạm của Vedan thì cơ quan quản lý có ai kiểm điểm chưa, Bộ trưởng cũng chưa trả lời.

Bộ trưởng nói Bộ không đùn đẩy trách nhiệm nhưng báo chí nói rất nhiều về việc tỉnh bảo bộ, bộ bảo tỉnh, đến mức Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải trả lời trên báo và Chính phủ phải họp về xử lý Vedan?".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyên cho biết Vedan đã đóng cửa ba nhà máy.  Bộ chỉ phạt hành chính chứ không có quyền dừng sản xuất. “Còn về việc trả lời báo chí, kể cả báo Lao Động, tôi không trả lời về việc đóng cửa nhà máy, mà tôi chỉ nói là phải dừng sản xuất của một số khâu trong nhà máy để các khâu này phải tiến tới xử lý cho đạt yêu cầu, bao giờ xử lý xong thì các khâu sản xuất này mới được sản xuất. Trong luật cũng quy định rất rõ như vậy, xin báo cáo với đại biểu Danh Út như vậy”.

Riêng câu hỏi về trách nhiệm, ông Nguyên không đề cập.

Thể hiện rõ thái độ không đồng tình, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn: trong thời gian qua, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy thì có người nào, có cá nhân nào trong hệ thống của cơ quan quản lý môi trường bị xử lý kỷ luật không?

"Chúng tôi cũng đang nghiêm túc kiểm điểm, những mặt gì mình làm được, những gì còn tồn tại trong thời gian tới cần khắc phục", Bộ trưởng Nguyên trả lời.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Danh Út: "Vì sao 70% khu công nghiệp và 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo mà vẫn được cấp phép?", Chủ tịch Quốc hội đã mời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời.

Theo Bộ trưởng Phúc thì việc này phải nhìn nhận cả quá trình, vì có những khu công nghiệp đã xây dựng sáu bảy chục năm thì không có hệ thống nước thải, vì lúc đó chỉ có những nhà máy thật độc hại thì mới có yêu cầu này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Xin nhận kỷ luật về dự báo sai

Trong thời gian còn lại khoảng một tiếng của phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời một phần chất vấn của đại biểu xung quanh việc ngừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho dân.

Đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) nêu vấn đề: "Sau quyết định ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo thì nông dân thêm một lần gánh chịu thiệt hại chứ không phải lần đầu tiên. Tôi thấy Bộ trưởng có trả lời chất vấn trong đó có lý do về đảm bảo an ninh lương thực và để đảm bảo cho 10 triệu người không trồng lúa, không sản xuất nông nghiệp ổn định giá cả mặt hàng gạo. Như vậy Bộ trưởng lại quên một đảm bảo khác là còn 60 triệu nông dân trồng lúa không được đảm bảo?".

Về câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo liên tục thực hiện hàng loạt các biện pháp để hỗ trợ cho bà con nông dân; điều hành liên tục việc xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo để cố gắng trong mọi tình huống có thu nhập cao cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, theo ông, trong một số tình huống đặc biệt mà giá lúa gạo trong nước có những đột biến lên cao quá nhanh thì Chính phủ đã có những chính sách kiềm chế việc tăng giá đó để một mặt vẫn đảm bảo lợi ích của bà con nông dân, nhưng cũng không gây xáo trộn quá lớn đối với đời sống của những người tiêu dùng gạo.

"Vì 80% lượng gạo được tiêu dùng trong nước, không phải chỉ có 30% dân số mà còn có hàng triệu nông dân cũng tiêu thụ gạo", ông Cao Đức Phát nói.

“Chúng tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội cùng với bà con nông dân cũng chia sẻ cách điều hành của Chính phủ. Chính phủ luôn luôn mong muốn làm lợi nhất cho bà con nông dân, nhưng trong những tình huống đặc biệt cũng cân nhắc thêm đại cục là sự ổn định xã hội, ổn định của đất nước”, Bộ trưởng phân trần.

Về trách nhiệm dự báo sản lượng lúa, Bộ trưởng cũng nhận đã không dự báo được chính xác, thực tế vụ đông xuân cả nước đã tăng thêm 750 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với dự báo. “Chúng tôi đã chấn chỉnh các cơ quan liên quan và chỉ đạo bám sát đồng ruộng hơn nữa để dự báo sát hơn, điều hành linh hoạt hơn”

Sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Lê Thanh Liêm nhấn nút tiếp tục đặt câu hỏi: cái gốc của vấn đề là dự báo sai sản lượng, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trách nhiệm của mình thế nào, có xử lý ai chưa, vì đây không phải là lần đầu? Thiệt hại của dân là rất cụ thể, Bộ có đề xuất gì để bù đắp?

Bộ trưởng Phát điềm tĩnh: "Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi. Xin chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp".

"Tuy nhiên, đối với hệ thống, chúng tôi đã rất nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, tôi đã chỉ đạo, thành lập các cơ quan chuyên trách về dự báo tại Viện Chiến lược và chính sách của Bộ, cũng như Trung tâm Tin học và Thống kê và yêu cầu các cục trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi và dự báo đối với sản lượng, đối với tình hình sản xuất tất cả các loại nông sản ở trong nước", ông nói.

Về vấn đề bồi thường, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin tiếp thu và nghiên cứu.

Chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục trả lời chất vấn liên quan đến việc phòng chống thiên tai, chính sách trồng và bảo vệ rừng… VnEconomy sẽ tiếp tục tường thuật tới độc giả những diễn biến đáng chú ý trên nghị trường.

* Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng Bộ trưởng chưa thấy rõ trách nhiệm của mình.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói: "Bộ trưởng Nguyên còn quanh co đổ lỗi. Trong tay tôi còn có rất nhiều văn bản cả tháng nay của Bộ, Bộ gặp trực tiếp cả lãnh đạo Đồng Nai, vậy mà cứ đổ thừa qua lại hoài.

Vì sao Miwon sai phạm rất nhỏ so với Vedan mà đình chỉ hoạt động ngay. Nếu với Vedan làm giống như vậy thì cần gì ra hội trường chất vấn nữa. Như vậy là xử lý chưa công bằng.

Tôi đã hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng, đã xử lý ai chưa, lần thứ hai mà vẫn không trả lời nên tôi dành thời gian cho đại biểu khác hỏi.

Sắp tới cần phải thấy trách nhiệm cá nhân, chứ luật pháp thế này là chưa nghiêm . Giao trọng trách mà anh làm không được thì phải có trách nhiệm trước luật pháp chứ".

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) nói: "Tôi băn khoăn về chuyện chưa làm rõ trách nhiệm của ngành tài nguyên - môi trường từ Trung ương đến địa phương, cần bóc tách trách nhiệm đến cùng.

Quanh việc ô nhiễm môi trường tôi đã hỏi Bộ trưởng bằng văn bản là trong việc ô nhiễm môi trường kéo dài có nơi nào thiếu trách nhiệm không, xử lý như thế nào nhưng Bộ trưởng chưa trả lời. Hôm nay ở hội trường, Bộ trưởng cũng không nói đến trách nhiệm.

Bộ trưởng có giải thích là do thiếu người, nhưng thiếu thì phải đề xuất chứ bây giờ vỡ ra mới bảo chúng ta không có người thì muộn rồi. Không thể vì ít cán bộ thì đương nhiên xảy ra như vậy".