09:25 09/11/2007

Chất xám Việt nơi xứ người

Do hoàn cảnh lịch sử mà rất đông người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Người Việt có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới

Một sinh viên người Việt tại lễ tốt nghiệp đại học tại Mỹ.
Một sinh viên người Việt tại lễ tốt nghiệp đại học tại Mỹ.
Do hoàn cảnh lịch sử mà rất đông người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Người Việt có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới - nhiều nhất là tại Hoa Kỳ (hơn 1 triệu người) và ít nhất là tại Morocco (chỉ có 500 người).

Theo số liệu thống kê, 18% gia đình người Việt tại nước ngoài có mức thu nhập hằng năm 35.000 USD, 16% có mức hơn 25.000 USD. Tại một số quốc gia, cộng đồng người Việt đã có riêng những khu thương mại sầm uất, như tại Orange County (nam California) đã hình thành một "khu phố Việt". Hay như tại Kangari, con đường toàn là cửa hàng của người Hoa, nay nhà hàng của người Việt đã chiếm tới 70%.

Những gương mặt thành công

Một trong những gương mặt nổi bật là Trần Du. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Sóc Trăng, ông đã phấn đấu để đạt được mảnh bằng kỹ sư điện. Được một cơ sở sửa chữa tivi thu nhận vào làm việc, nhưng chỉ một năm sau thì công ty này phá sản. Nhưng không nản, ông vẫn tiếp tục kinh doanh và ngày 22/5/1991, ông được nghị sĩ Robert K. Donald, thay mặt Quốc hội, trao huy chương danh dự về Nhân vật thành tựu nhất trong lĩnh vực doanh nghiệp toàn Hoa Kỳ năm 1990. Hiện ông được xem là gương thành công điển hình.

Còn kỹ sư Trần Trọng Quang thì đã 10 năm sống trong trung tâm tái định cư tại vùng heo hút ở Arkansas. Từ một chàng thợ mộc làm khoán, chỉ 2 năm anh trở thành chủ tịch kiêm giám đốc của chính xí nghiệp này.

Tại Sydney và Melbourne, có 6 người Việt được cơ cấu vào Hội đồng thành phố, trong đó có một phụ nữ giữ chức phó thị trưởng và một chàng trai là Nguyễn Sang, 28 tuổi, không chỉ là viên thị trưởng trẻ nhất của thành phố Richmond mà còn là người châu Á đầu tiên đảm trách chức vụ này.

Trong lịch sử Úc, nữ TS. Vũ Thị Ngọc Trang là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Viện Khoa học kỹ thuật Hoàng gia và kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội thực nghiệm Australia. Và GS-TS sử học Trần Mỹ Vân cũng là người châu Á đầu tiên được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Tại Hoa Kỳ, GS. Nguyễn Ngọc Bích, nói được 7 ngoại ngữ, là phó tổng giám đốc Hội đồng Liên bang về giáo dục song ngữ và các vấn đề về ngôn ngữ các chủng tộc. Ông là một trong 150 nhân vật được tổng thống Hoa Kỳ tuyển chọn và Quốc hội phê chuẩn. Bên cạnh đó là nữ TS. Nguyễn Trần Hương, sinh năm 1954, được tôn vinh là nữ giáo sư sáng giá nhất Hoa Kỳ năm 1994 và được mời giữ chức vụ Tổng thanh tra của Bộ Giáo dục Liên bang.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những hy vọng trẻ. Như Nguyễn Minh Đang, 13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường trung học Albert Einstein tại Sacramento, thần đồng toán học; Nguyễn Long Quang, đoạt thủ khoa trên tổng số 16.069 người dự thi thể thơ Haiku của Nhật, được thống đốc bang Virginia tổ chức đón mừng trong một buổi lễ có truyền hình trực tiếp tại Richmond.

Hay như em Trần Tuấn Đức được nhận vào Đại học John Hopkins năm 13 tuổi để theo đuổi đề tài Phát hiện và đào tạo các thiếu niên cực kỳ năng khiếu. Năm 18 tuổi, em là sinh viên tốt nghiệp trẻ nhất của Đại học Charlottenville, Virginia, đạt 150 điểm so với điểm chuẩn tốt nghiệp là 120.

Hoặc như em Lê Thị Ngọc Phúc, một trong 20 học sinh giỏi nhất Hoa Kỳ; em Trần Quốc Vũ, học sinh lớp 6 Trường Thomas Penn tại Garden Grove, được chính Tổng thống G. Bush trao bằng khen ngoại hạng về tất cả các môn; em Nguyễn Lý Kỳ Dzuyên, sinh năm 1969, năm 13 tuổi là sinh viên, năm 17 tuổi tốt nghiệp đại học và năm 22 tuổi đạt học vị tiến sĩ. Hay như em Nguyễn Công Thuỳ, được chọn làm đại biểu Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ quốc gia tổ chức tại Washington đồng thời là thành viên Hội đồng Danh dự Quốc gia, có tiểu sử đăng trong tập san Who's Who Among American High School Student.

Đặc biệt nhất là em Vương Thị Kim Linh, 11 tuổi đã được Hội đồng Giáo sư Trung học quốc gia Hà Lan tiên đoán là thần đồng của thế kỷ. Điều này không phải là không có lý: sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư ở Hà Lan năm 1982, chỉ trong 3 năm đã học xong 6 lớp bậc tiểu học, nói được tiếng Việt và 9 ngôn ngữ khác.

GS. Viện Hàn lâm Nguyễn Xuân Vinh đã viết trong cuốn Lấp lánh ánh sao (Le sillage lumineux des étoiles): "Tôi dâng tặng những dòng này cho các bạn trẻ của tôi và xác quyết rằng thế hệ chúng tôi chỉ lát nền cho con đường của các bạn. Sau này các bạn hãy xây dựng một đại lộ huy hoàng cho bước tiến về phía trước của dân tộc Việt Nam. Hy vọng các bạn sẽ đem về một giải Nobel khoa học, hoặc một giải văn chương quốc tế, hay một giải Oscar điện ảnh".

Ngay chính GS. Nguyễn Xuân Vinh cũng vậy, năm 1965 ông là tiến sĩ khoa học không gian tại Đại học Colorado. Năm 1972, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia tại Đại học Paris. Năm 1984, ông là người Mỹ thứ ba và người châu Á đầu tiên đắc cử Viện hàn lâm Hàng không không gian Pháp. Ông còn đoạt được 4 giải thưởng lớn quốc tế.

Trong ngành khoa học không gian còn vinh danh Trịnh Hữu Châu - phi công Mỹ gốc Việt. 28 tuổi, anh đạt học vị tiến sĩ vật lý ứng dụng tại Đại học Connecticut. Từ năm 1980, anh là cán bộ khung của Phòng thí nghiệm lực đẩy của động cơ phản lực.

Cũng trong lĩnh vực này, còn có Phạm Hoàng Bắc, kỹ sư thiết kế không gian; Đặng Quốc Thông, chuyên gia giám sát các chương trình thám hiểm của NASA; Trịnh Xuân Thuận, giáo sư tiến sĩ thiên văn học, người vừa được Viện Hàn lâm Pháp quyết định trao tặng giải thưởng lớn Moron vào tháng 9; Nguyễn Mạnh Tiến, sinh năm 1957, đã bảo vệ thành công hai luận án tiến sĩ điện tử và toán học, là chuyên gia tầm cỡ của chương trình nghiên cứu các định chuẩn quốc tế áp dụng cho hệ thống điều khiển và viễn thông trong cuộc thám hiểm sao Hoả.

Bác sĩ Trương Dũng, sinh năm 1949, giám đốc Trung tâm Liệu pháp về bệnh Parkinson tại Đại học Irving, xứng đáng với danh hiệu do phóng viên Susan Paterno đặt cho ông: "Vị bác sĩ uy tín về thả lỏng cơ bắp".

Giáo sư vật lý Nguyễn Hữu Sương, người đã đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu bệnh AIDS và ung thư. Năm 1961, cộng tác với một nhà khoa học của Đại học San Diego, ông đã xác định được nhân Omega Moson trong nguyên tử và khám phá Butha Meson, một nhân mới, năm 1964. Ông còn sáng tạo ra một thiết bị quang điện chụp được ảnh các phân tử của protein hai chứng nan y AIDS và ung thư.

Trong số các nhà khoa học Việt được vinh danh trên thế giới còn phải kể đến Nguyễn Phu Du, tiến sĩ giải phẫu, được xem là "con át chủ bài" trong việc điều trị các chứng bệnh về tim mạch tại Bệnh viện Starnberg của Cộng hoà Liên bang Đức; Nguyễn Thế Thu, bác sĩ chuyên gia chỉnh hình xương; Đinh Xuân Anh Tuấn, giáo sư bác sĩ, đã đoạt hai giải thưởng lớn về công trình nghiên cứu vai trò của chất EDRF trong việc điều hoà tuần hoàn máu của tim người; Nguyễn Đỗ Duy, bác sĩ chuyên khoa quốc tế trong ngành giải phẫu mạch máu.

Trong một cuộc hội nghị quốc tế, một người Australia rất trẻ, vóc dáng nhỏ nhắn và mang nét rất Á châu, đã đưa ra một phương pháp mới chiếu sáng đường phố rất đơn giản và tiết kiệm (ước tính 50 triệu USD/ngày). Đó là TS. Nguyễn Văn Ngọc, người gốc Việt. Sinh năm 1944, ông đã bảo vệ thành công tại Úc luận án tiến sĩ về công trình nghiên cứu quỹ đạo hạ cánh của các con tàu không gian.

Trong lĩnh vực nông học, GS. Nguyễn Kha, sinh năm 1922, tốt nghiệp kỹ sư thuỷ lâm năm 1962, đạt học vị tiến sĩ năm 1965 với luận án Đặc điểm và quy luật phát triển các vùng đất trọc. Ông là tiến sĩ nông học đầu tiên được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

Đồng nghiệp của ông, Nguyễn Việt Trường, đoạt giải thưởng của Liên hiệp quốc về công trình nghiên cứu sự ngăn ngừa chống xâm thực xói mòn đất đai, có tiểu sử đăng trong tập san Những nhân vật Đông Nam Á, đang thực hiện chương trình chống xói mòn đất đai tại bang Queensland.

Huy động tài năng

Còn nhiều thành quả phong phú của người Việt tại nước người, như GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Đào Duy Anh, nhà toán học Hoàng Xuân Hãn, nhà phát minh máy vi tính Trương Trọng Thi, giáo sư, bác sỹ Phạm Văn Ngọc, người đã đem phát minh của mình ứng dụng vào việc thăm dò địa chất trong lòng đất cũng như dò tìm các mạch nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long...

Trong giai đoạn xây dựng và hiện đại hoá đất nước hiện nay, rõ ràng là cộng đồng người Việt tại nước ngoài sẽ đem lại một đóng góp đáng kể. Vì vậy, vấn đề cần thiết hiện nay là phải có một chính sách động viên tốt đẹp để gắn kết những tài năng Việt tại nước người với quê hương.